Tự hào khi dùng công nghệ để đóng góp vào sự hưng thịnh của đất nước
Chiều 11.1, Tập đoàn FPT đã tổ chức Lễ công bố hành trình trở thành doanh nghiệp đạt doanh thu tỉ đô từ thị trường nước ngoài. Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn FPT và các nhà sáng lập, điều hành FPT đã chia sẻ niềm tự hào khi trở thành doanh nghiệp công nghệ đầu tiên của Việt Nam làm được điều này.
Theo ông Bình, đối với ông, 1 tỉ USD mà FPT đạt được hôm nay không chỉ là những con số mà là cuộc đời, là tuổi thanh xuân của ông và những cộng sự, đã cùng nhau gây dựng, cùng nhau hy vọng, dám ước mơ để thực hiện mục tiêu đưa trí tuệ Việt ra nước ngoài, điền tên Việt Nam vào bản đồ xuất khẩu phần mềm công nghệ trên thế giới.
Theo đại diện FPT, để có những thành công ngày hôm nay không phải là điều dễ dàng. Trong giai đoạn đầu, FPT đã phải trả giá khi là người tiên phong mở hai văn phòng ở Ấn Độ (năm 1999) và Mỹ (năm 2000) và chỉ sau hơn một năm hoạt động đã phải tan rã vì không có được hợp đồng như dự tính. “Nhưng chúng tôi luôn ý thức được là không bao giờ bỏ cuộc”- ông Bình nói.
Với việc đầu tư vào thị trường Nhật Bản, FPT đã liên tiếp thu được những thành tích. Nhân viên FPT không chỉ phải học tiếng Nhật, học văn hóa làm việc của người Nhật mà còn học từ điều nhỏ nhất là cách chào hỏi cho đến chuẩn bị tài liệu, quy trình làm việc…
“Trước đây chúng tôi đi xin công việc còn bây giờ chúng tôi đến để bàn công việc. Chúng tôi sẵn sàng học và nói tất cả các thứ tiếng, để thực hiện giấc mơ xuất khẩu phần mềm ra thế giới. Trong hệ thống trường của FPT đào tạo rất nhiều ngoại ngữ, để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho mục tiêu này”- ông Trương Gia Bình nói thêm.
“35 năm trước, chúng tôi đã nói tâm nguyện của mình góp phần làm hưng thịnh quốc gia bằng khoa học công nghệ. Ngày ấy, chúng tôi không biết phần mềm là gì, nhưng ý tưởng đi lên bằng công nghệ giúp đời sống nhân dân và đất nước tốt đẹp hơn từ ngày đó đến ngày hôm nay vẫn không thay đổi” – ông Trương Gia Bình nói thêm và gửi lời tri ân đến báo chí, truyền thông Việt Nam đã đồng hành trong hành trình hiện thực hóa giấc mơ tỉ đô của doanh nghiệp.
Hành trình này khiến ông rất tự hào, vì là lao động sáng tạo trong khoa học công nghệ, kỹ thuật chứ không phải giàu lên từ tài sản đất đai, để đóng góp cho sự hưng thịnh của đất nước.
Sẽ đánh cược vào trí tuệ nhân tạo
“FPT phải bỏ ra số vốn đầu tư là bao nhiêu để có được tỉ USD ngày hôm nay?, trả lời câu hỏi này, ông Bùi Quang Ngọc – Phó Chủ tịch hội đồng quản trị FPT – cho biết, lúc đầu những nhà sáng lập FPT phải đi vay 1 triệu USD để đưa cán bộ, kỹ sư sang Ấn Độ để học về phần mềm. Sau đó, trải qua không ít lần thất bại trong những năm đầu tìm kiếm cơ hội xuất khẩu phần mềm, thì cuối năm 2023, FPT đã thu về con số doanh thu 1 tỉ USD.
Đóng góp vào thành quả này là nhờ FPT có tinh thần máu lửa khát vọng, lan tỏa từ lãnh đạo đến từng nhân viên bán hàng, và đây có thể là bí kíp của FPT mà khó có thể sao chép cho các công ty khác được.
Chia sẻ về định hướng tương lai, lãnh đạo FPT cho biết, doanh nghiệp đang nuôi tham vọng lớn hơn bước lên đẳng cấp cao trong nhóm doanh nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin với cột mốc tiếp theo 5 tỉ USD doanh thu dịch vụ công nghệ cho thị trường nước ngoài vào năm 2030, đạt quy mô doanh thu và lợi nhuận hàng tỉ USD từ một thị trường, một ngành và một hợp đồng duy nhất.
Đặc biệt, năm 2024 sẽ tập trung trở thành nhà sản xuất chip trên lĩnh vực Đông Nam Á, đạt thêm các bước tiến trên lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, mở rộng hoạt động giáo dục ở các địa phương…
Đặc biệt, theo ông Trương Gia Bình, doanh nghiệp đã lên kế hoạch yêu cầu 7 vạn người FPT phải nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, phải có 1000 người lấy được bằng chuyên gia tư vấn trí tuệ nhân tạo. Đây là một sự đánh cược của FPT, nhưng bắt buộc phải đầu tư, chuyển đổi.
“Cuộc sống thay đổi như vũ bão và FPT cũng phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu này” – ông Bình nhấn mạnh.