Chủ tàu du lịch vịnh Hạ Long và Lan Hạ nói mất hàng trăm triệu đồng vì bão Talim, mong dự báo sát thực tế hơn, nhưng chuyên gia khẳng định “dự báo không thể chính xác hoàn toàn”.
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai sáng 17/7, có hai kịch bản được đưa ra về việc đổ bộ của bão Talim. Kịch bản thứ nhất (được dự báo 80%) là bão sẽ vào khu vực giữa Hải Phòng và Quảng Ninh, hoàn lưu bao trùm gần hết Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An, gây mưa rất lớn từ đêm 17 đến ngày 20/7. Bắc Bộ mưa khoảng 200-400 mm, có nơi trên 500 mm; Thanh Hóa, Nghệ An 100-200 mm, có nơi trên 300 mm.
Kịch bản thứ hai (20%) là sau khi qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), bão sẽ men theo ven biển Trung Quốc và đi vào khu vực biên giới TP Móng Cái với Trung Quốc. Với khả năng này, lượng mưa sẽ ít hơn. Cuối cùng, đây là kịch bản đúng thực tế.
Trưa và chiều ngày 17/7, các tàu du lịch ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) được yêu cầu về điểm trú bão, không đưa khách tham quan vịnh, ngủ đêm như lịch trình. 15h ngày 18/7, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ninh đưa ra dự báo thời tiết đêm 18/7, ngày 19/7, cấp gió chỉ ở mức 2-3 hoặc 3-4, dông nhẹ. Các tàu đã có thể hoạt động. Trong ngày 18/7, Cảng vụ Đường thủy nội địa Hải Phòng cũng ra thông báo cho phép các tàu hoạt động từ 5h ngày 19/7.
Dù bão Talim đã suy yếu, các chủ tàu cho biết chịu ảnh hưởng nặng vì phải hoàn tiền cho du khách, chủ yếu là khách nước ngoài với thời gian lưu trú tại Việt Nam ngắn. Một số chủ tàu nói lỗ hàng trăm triệu đồng trong một ngày. Đại diện Hội du thuyền Lan Hạ cho biết các doanh nghiệp thuộc đơn vị có tổng cộng khoảng 800 phòng, nên “thiệt hại rất lớn”.
Đại diện một đơn vị sở hữu hai du thuyền chạy cả tuyến vịnh Hạ Long lẫn Cát Bà nói phải dùng đến cách làm may rủi để bù lỗ ngày hôm trước. Họ đã thông báo với khách lịch ngày 19/7 “vẫn diễn ra bình thường”, từ trước khi có thông báo dỡ bỏ lệnh cấm tàu từ ban quản lý vịnh.
Đơn vị này cam kết không thu khoản phí nào (kể cả chi phí di chuyển bằng ôtô, ăn uống) nếu ban quản lý vịnh chưa cho tàu chạy. Nếu tình huống xấu xảy ra, doanh nghiệp sẽ mất thêm tiền để đền bù cho khách.
“Chúng tôi đã có lần mất tiền vì cách làm này nhưng buộc phải vậy. Tôi biết có chủ tàu lại mất trắng tiền ngày nữa vì không nhận khách hôm nay”, người này nói.
Dù biết việc đảm bảo an toàn về người trong điều kiện thời tiết xấu là quan trọng, anh vẫn hy vọng các cấp quản lý cần đưa ra quyết định hợp lý hơn, sát thực tế hơn để giảm thiểu ảnh hưởng cho các đơn vị kinh doanh.
Ông Long, chủ du thuyền khác chạy tuyến vịnh Lan Hạ, nói hệ thống dự báo thời tiết hiện đã chính xác hơn trước kia. Tuy nhiên, “như vậy là chưa đủ” vì những người kinh doanh cần dự báo chuẩn xác nhất và những quyết định “nghĩ cho doanh nghiệp” nhiều hơn.
Trả lời VnExpress, bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên phó phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, nói “thông cảm cho nỗi khổ của các doanh nghiệp mất khách” vào mùa cao điểm nhưng cũng phải hiểu cho quyết định từ cấp quản lý.
Bà Lan khẳng định hệ thống dự báo thời tiết của Việt Nam “không lạc hậu” dù chưa thể so sánh với các nước tiên tiến. Nhà nước “đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại” như radar thời tiết, ảnh mây vệ tinh để hỗ trợ công tác dự báo. Trình độ dự báo của các dự báo viên có thể thay đổi theo thời gian “nhưng không kém”.
Bà cũng cho rằng dự báo của Việt Nam về bão Talim gần như tương đồng với các nước như Nhật Bản, Mỹ, Australia. Tuy nhiên, cần phải hiểu cơn bão “không di chuyển như một chiếc xe” mà còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nên dự báo cũng cần cập nhật liên tục.
“Chúng ta may mắn khi cơn bão đi lên phía đất liền Trung Quốc nhiều hơn nên ảnh hưởng đến Việt Nam không nặng nề. Dù vậy, cần nhấn mạnh năng lượng của cơn bão Talim rất khủng khiếp, tương đương vài trăm quả bom nguyên tử”, bà Lan nói và chỉ ra nếu cơn bão chỉ cần “nhích lên một xíu”, khu vực vịnh Hạ Long sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chuyên gia này nói những người làm kinh doanh chắc chắn không thích thiệt hại về kinh tế, đặc biệt vào mùa cao điểm du lịch. Tuy nhiên, “trong trường hợp không cấm tàu ra vịnh và dự báo đúng, các doanh nghiệp sẽ trách ai?”. Theo bà Lan, khi bão đến, các dự báo viên cần đưa ra tình huống xấu nhất để tránh tối đa thiệt hại về người, tài sản.
Bà Lan cũng nêu dẫn chứng năm 2013 khi Haiyan – cơn bão được xem là chết chóc nhất lịch sử Philippines với ít nhất 63.000 người chết – chuẩn bị đổ bộ, các chuyên gia cũng cho rằng đây sẽ là “cơn bão mạnh nhất lịch sử”. Nhiều biện pháp phòng tránh, di dời được thực hiện. Tất cả mô hình dự báo đều cho thấy bão sẽ vào Đà Nẵng, xuyên qua miền trung, đi lên phía bắc, tâm bão đi qua Hà Nội, Hà Giang. Tuy nhiên, nhiều yếu tố đã khiến cơn bão không gây ảnh hưởng lớn như dự báo ban đầu.
“Người dân, doanh nghiệp cần hiểu dự báo không thể chính xác hoàn toàn, chỉ cần 75% đã được xem là đúng. Chúng ta cần làm theo quy trình và các quy định của pháp luật”, bà nói.
Tú Nguyễn