Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận xét kinh tế đang khó khăn và quý II khó có đột phá về tăng trưởng.
Nhận định này được Ủy ban Kinh tế nêu khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ kết quả bổ sung phát triển kinh tế xã hội năm 2022; thực hiện các tháng đầu năm 2023, tại phiên khai mạc Quốc hội sáng 22/5.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết kinh tế có dấu hiệu xấu đi từ cuối năm 2022, kéo dài sang đầu năm 2023, kết quả là tăng trưởng GDP quý I chỉ tăng 3,32%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm nay, bình quân mỗi quý còn lại năm nay phải tăng khoảng 7,5%.
Những khó khăn trên thị trường tài chính, trái phiếu doanh nghiệp khiến doanh nghiệp khó tiếp cận và hầu như không huy động được vốn, dẫn tới bất động sản “đóng băng”. Các động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là sản xuất công nghiệp giảm, trên đà suy yếu.
“Nền kinh tế thực sự rất khó khăn”, ông nói.
Một trong những nguyên nhân chính của suy giảm tăng trưởng, theo ông Thanh, là khu vực công nghiệp, xây dựng tăng trưởng âm 0,4% trong quý đầu năm. Bốn tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 1,8% so với cùng kỳ, trong đó IPP ngành chế biến, chế tạo giảm 2,1%. Số liệu tiêu thụ điện 4 tháng giảm 0,4% so với cùng kỳ, cho thấy các hoạt động sản xuất suy giảm.
Với những khó khăn hiện tại, khó có đột phát về tăng trưởng GDP trong quý II, theo ông Vũ Hồng Thanh.
Đồng thời, Ủy ban đánh giá sức khỏe doanh nghiệp đang giảm sút. Bốn tháng đầu năm có gần 79.000 doanh nghiệp đăng ký lập mới, quay trở lại thị trường. Bình quân mỗi tháng khoảng 19.700 doanh nghiệp lập mới, quay lại hoạt động.
Tuy nhiên, mỗi tháng cũng có 19.200 đơn vị rút lui khỏi thị trường. Nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho nước ngoài. Doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp.
Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc do đơn hàng giảm từ tháng 9/2022 đến 1/2023. 75% trong số này thuộc về doanh nghiệp FDI.
Doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền, nhưng tiếp cận vốn vay khó khăn, lãi suất cao. Theo báo cáo của Chính phủ, bình quân lãi suất cho vay mới là 9,3% nhưng số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, lãi suất cho vay bình quân tại 35 ngân hàng thương mại tới cuối tháng 3 khoảng 10,23%, cao hơn 0,56 điểm % so với cuối 2022.
Lo lắng khác được cơ quan thẩm tra nêu là xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém chậm, tác động tiêu cực tới thị trường tiền tệ, ảnh hưởng tới nỗ lực hạ lãi suất của các ngân hàng. Nợ xấu xu hướng tăng, trong khi tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu giảm, gây ảnh hưởng tới an toàn hệ thống tài chính.
Tình trạng sở hữu chéo, tài sản đảm bảo được định giá không đúng giá trị, cho vay các doanh nghiệp nội bộ, sân sau còn phức tạp. Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng ngân hàng thương mại lãi cao.
Theo đánh giá của Chính phủ trước đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, cho biết GDP quý I duy trì đà tăng nhưng thấp, chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm, bình quân 4 tháng tăng 3,84%.
Đến 25/4, tín dụng tăng 2,75%, thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định. Lãi suất cho vay bình quân giảm 0,7 điểm phần trăm so với cuối 2022. Thu ngân sách 4 tháng ước đạt 632.500 tỷ đồng, bằng 39% dự toán năm. Việt Nam xuất siêu gần 7,6 tỷ USD, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ 2022. Giải ngân vốn đầu tư công tăng 15.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tăng trưởng đang chậm lại, thể hiện qua GDP quý I thấp hơn 1,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ (5,03%). Sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, doanh nghiệp thiếu đơn hàng.
Vốn FDI đăng ký mới giảm gần 18% vốn thực hiện giảm 1,2%. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm; số tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng. Do tích tụ bất cập nhiều năm, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.
Cung cầu lao động mất cân đối cục bộ và đã xuất hiện tình trạng người lao động mất việc làm tại một số địa phương, khu công nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao, hơn 7,6%. Số lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ.
Ngoài lý do khách quan, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhìn nhận, sự suy giảm trên do những nguyên nhân chủ quan đến từ yếu kém nội tại nền kinh tế kéo dài từ lâu đến nay mới dần bộc lộ rõ trong điều kiện khó khăn. Việc phân tích, dự báo tình hình để có kịch bản ứng phó còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, kịp thời, nhạy bén, bên cạnh đó còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai.
10 giải pháp được Chính phủ đưa ra để đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay, trong đó nhấn mạnh quan điểm giữ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn nền kinh tế.
Các biện pháp miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí; đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT); tháo gỡ khó khăn với các dự án bất động sản, hỗ trợ khôi phục dòng tiền cho doanh nghiệp cũng là những ưu tiên trong điều hành của Chính phủ.
Nhiệm vụ tiếp theo được Phó thủ tướng đề cập là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, với mục tiêu đạt tối thiểu 95% năm nay; thu hút các nguồn vốn đầu tư và khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Tuy vậy, với những khó khăn hiện hữu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nghiên cứu hạ tiếp lãi suất điều hành để giảm lãi vay nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Chính phủ cũng cần nghiên cứu điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh với thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT và sớm sửa những bất cập trong quy định kinh doanh xăng dầu, cơ chế giá điện.
Cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về cơ cấu nợ liên quan tới bất động sản (doanh nghiệp bất động sản, vay mua nhà, kinh doanh bất động sản).
Về điểm này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ sẽ điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp, chỉ đạo hệ thống ngân hàng giảm chi phí, giảm tiếp lãi suất cho vay và triển khai gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng.
Phó thủ tướng nói thêm, Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội phương án với thuế tối thiểu toàn cầu và miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí; đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng để góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Trước đó, nhìn lại năm 2022, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho hay, kinh tế năm ngoái đạt tăng trưởng cao trong bối cảnh khó khăn, với GDP tăng 8,02%.
GDP bình quân đầu người đạt 4.109 USD, tăng 34 USD so với số báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm ngoái. CPI bình quân tăng 3,15%. Thu ngân sách đạt hơn 1,81 triệu tỷ đồng, tăng 12,5%.
Các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia giảm và trong giới hạn an toàn. Trong đó, nợ công là 38% GDP, nợ Chính phủ 34,% GDP, nợ nước ngoài 36,8% GDP.
Đến hết năm 2022 các chính sách an sinh hỗ trợ đã chi gần 104.500 tỷ đồng cho hơn 1,41 triệu người sử dụng lao động và hơn 68,4 triệu lao động gặp khó khăn.
Năm ngoái có 13 chỉ tiêu Quốc hội giao đạt và vượt kế hoạch, nhưng vẫn có hai chỉ tiêu là công nghiệp chế biến chế tạo và năng suất lao động không đạt mục tiêu đề ra.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, những điểm nghẽn này sẽ được Chính phủ khắc phục trong chỉ đạo, điều hành năm nay để đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.