Chủ động Ứng phó thuế quan Mỹ: Việt Nam cần tiếp cận đa hướng

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ15/02/2025

Sau mức thuế quan 25% với nhôm và thép, Tổng thống Donald Trump hôm 13-2 (giờ Mỹ) đã ra lệnh cho các quan chức bắt đầu tính toán thuế quan đối ứng để áp lên hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại Mỹ trên toàn cầu.


Chủ động Ứng phó thuế quan Mỹ: Việt Nam cần tiếp cận đa hướng - Ảnh 1.

Công nhân tại một nhà máy sản xuất thép không gỉ ở Tlaxcala, Mexico - Ảnh: Reuters

Điều này hoàn toàn nằm trong dự báo của giới quan sát. Trong cuộc phỏng vấn với Tuổi Trẻ, giáo sư Julien Chaisse - chuyên gia về luật thương mại quốc tế thuộc Đại học Hong Kong - tin rằng thuế quan với nhôm và thép chỉ mới là khởi đầu.

Chất bán dẫn và ô tô là mục tiêu kế tiếp

Chủ động Ứng phó thuế quan Mỹ: Việt Nam cần tiếp cận đa hướng - Ảnh 2.

* Sau thuế quan với nhôm và thép, đâu sẽ là các mặt hàng bị nhắm tới, thưa ông?

- Động thái vừa rồi không chỉ là vấn đề về thép. Việc tăng thuế quan là một tín hiệu cho thấy Washington đang siết chặt quyền kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tôi tin rằng chất bán dẫn và ô tô là mục tiêu tiếp theo có nhiều khả năng nhất cho chiến lược thuế quan của chính quyền Trump.

Đối với chất bán dẫn, Chính phủ Mỹ từ lâu đã bày tỏ lo ngại về sự phụ thuộc của mình vào chip do nước ngoài sản xuất, đặc biệt là từ vùng lãnh thổ Đài Loan và Hàn Quốc.

Mỹ hiện chiếm một phần đáng kể trong thiết kế chất bán dẫn và sở hữu trí tuệ toàn cầu nhưng hoạt động sản xuất phần lớn đã chuyển sang châu Á, với hai cái tên lớn là Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) và Samsung của Hàn Quốc.

Chính quyền Trump đã liên tục thúc đẩy việc đưa sản xuất chất bán dẫn về trong nước. Đạo luật CHIPS, được thông qua dưới thời chính quyền Biden, nhằm khuyến khích sản xuất chất bán dẫn tại Mỹ thông qua trợ cấp. Tuy nhiên ông Trump coi những khoản trợ cấp này là không đủ và nghiêng về các hạn chế thương mại trực tiếp hơn.

Việc áp thuế đối với chất bán dẫn sẽ làm chip nước ngoài đắt hơn, từ đó khuyến khích sản xuất trong nước. Động thái như vậy có thể sẽ tác động đến các công ty như Intel, tạo ra căng thẳng với Đài Loan, Hàn Quốc và thậm chí cả những gã khổng lồ công nghệ của Mỹ như Apple và Nvidia vốn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của châu Á.

Ô tô là một mục tiêu tiềm năng khi ông Trump cho rằng việc nhập khẩu ô tô nước ngoài làm suy yếu ngành sản xuất của Mỹ và dẫn đến mất việc làm.

Năm 2018, ông Trump lần đầu tiên đề xuất mức thuế 25% đối với xe nhập khẩu, trích dẫn mục 232 của Đạo luật mở rộng thương mại, cho phép tổng thống áp đặt các hạn chế thương mại vì lý do an ninh quốc gia. Mặc dù đề xuất này đã bị gác lại sau sự phản đối mạnh mẽ từ các đồng minh, ý tưởng này đã xuất hiện trở lại với các đợt áp thuế vừa qua của ông Trump.

Việt Nam phải tăng cường quan hệ đối tác tại các thị trường từ EVFTA và RCEP để bù đắp tổn thất tại Mỹ và thiết lập sự ổn định thương mại lâu dài.

Giáo sư Julien Chaisse

Cách hạn chế tác động của thuế quan

* Các quốc gia sản xuất như Việt Nam nên làm gì để hạn chế tác động của thuế quan của chính quyền Trump?

- Việt Nam phải thực hiện một cách tiếp cận đa hướng để chống lại khả năng tác động của thuế quan của Mỹ đối với thép và nhôm. Bước đầu tiên là biện hộ pháp lý. Trong trường hợp cần thiết, Việt Nam có lý do chính đáng để thách thức các mức thuế quan này tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Mỹ có thể biện minh cho hành động của mình theo ngoại lệ an ninh quốc gia trong điều XXI của GATT nhưng các phán quyết của WTO trong các vụ Ukraine khiếu nại Nga hạn chế hoạt động trung chuyển qua lãnh thổ (năm 2019) và Qatar khiếu nại Saudi Arabia không bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các pháp nhân có trụ sở tại Qatar (năm 2020) đã xác định rằng ngoại lệ này có giới hạn.

* Nhưng nếu Mỹ phớt lờ các phán quyết bất lợi của WTO thì sao?

- Đã có trường hợp Mỹ bỏ qua các phán quyết bất lợi của WTO, do đó các nước, trong đó có Việt Nam, nên theo đuổi các chiến lược bổ sung song song. Giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ là bước thứ hai cần thiết. Việt Nam đã mở rộng các mối quan hệ thương mại của mình thông qua các thỏa thuận như EVFTA và RCEP, cung cấp các thị trường thay thế.

EVFTA đã dẫn đến việc tăng xuất khẩu thép của Việt Nam sang EU, nơi việc miễn thuế khiến người mua ở châu Âu trở nên hấp dẫn hơn. Trong khu vực châu Á, RCEP mở ra quyền tiếp cận ưu đãi đến các nước nhập khẩu thép chính như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Việt Nam phải tăng cường quan hệ đối tác tại các thị trường này để bù đắp tổn thất tại Mỹ và thiết lập sự ổn định thương mại lâu dài.

Thêm vào đó, đảm bảo tuân thủ các quy tắc xuất xứ là một yếu tố quan trọng khác trong phản ứng của Việt Nam. Mỹ đặc biệt quan tâm đến yếu tố trung chuyển, khi thép Trung Quốc được cho là xuất khẩu vào Mỹ dưới dạng sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam để lách thuế. Các trường hợp trước đây đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của các hình phạt mà Mỹ áp dụng với các công ty bị phát hiện vi phạm các quy tắc này, với mức thuế chống bán phá giá lên tới 456%.

Do đó Việt Nam phải thực hiện các biện pháp xác minh chuỗi cung ứng nghiêm ngặt và đảm bảo rằng thép xuất khẩu đủ điều kiện là loại sản xuất trong nước theo các quy tắc thương mại quốc tế. Tài liệu chứng minh mạnh mẽ và chứng nhận xuất xứ của bên thứ ba sẽ rất cần thiết để tránh các hạn chế và hình phạt tiếp theo.

* Vậy Việt Nam có những đòn bẩy nào để đàm phán với Mỹ?

- Các cam kết ngoại giao là một phần quan trọng không kém. Hàn Quốc và Brazil đã thành công trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump khi đàm phán các khoản miễn trừ thuế quan bằng cách đưa ra các nhượng bộ thương mại hoặc đồng ý về hạn ngạch xuất khẩu. Việt Nam có thể theo đuổi cách tiếp cận tương tự bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của mình như một đối tác thương mại và địa chính trị của Mỹ.

Chính quyền Biden trước đây đã tìm cách củng cố quan hệ thương mại song phương và Việt Nam có thể sử dụng mối quan hệ này để tranh luận về các miễn trừ theo ngành. Thêm vào đó tham gia vào các cuộc thảo luận ngoại giao với Đại diện Thương mại Mỹ và Bộ Thương mại có thể tạo cơ hội cho Việt Nam đàm phán các điều khoản thuận lợi hơn.

Việt Nam cũng nên tìm kiếm sự phối hợp khu vực thông qua ASEAN khi các thành viên khác như Indonesia và Malaysia cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi các mức thuế này. Nếu các nước ASEAN đưa ra lập trường thống nhất, họ có thể có nhiều đòn bẩy hơn trong việc đảm bảo các miễn trừ hoặc các thỏa thuận thương mại thay thế.

Áp thuế thời gian qua không nhắm tới Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có buổi làm việc với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nhằm trao đổi về việc hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh Mỹ đang là thị trường nhập khẩu lớn thứ năm của Việt Nam với năm nhóm hàng nhập khẩu có kim ngạch trên 1 tỉ USD. Việt Nam sẵn sàng mở cửa thị trường, tăng cường nhập khẩu các loại nông sản của Mỹ cũng như mong muốn Mỹ mở cửa thị trường hơn nữa cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam...

Trước quan ngại của bộ trưởng Bộ Công Thương về những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ thời gian gần đây, Đại sứ Knapper cho biết chính sách thương mại mới của Mỹ được thiết lập nhằm mục tiêu thúc đẩy hơn nữa thương mại công bằng, bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh quốc gia, người lao động và doanh nghiệp Mỹ...

"Việc áp thuế trong thời gian qua không nhắm tới Việt Nam. Mỹ muốn duy trì mối quan hệ song phương, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại với Việt Nam tiếp tục phát triển theo hướng tích cực" - Đại sứ Knapper nhấn mạnh.



Nguồn: https://tuoitre.vn/chu-dong-ung-pho-thue-quan-my-viet-nam-can-tiep-can-da-huong-20250215093830429.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available