Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát về hiệu quả và những khó khăn trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách ở dân tộc Khơ Mú.
Phóng viên: Xin ông cho biết về hiệu quả của các chính sách giảm nghèo được triển khai ở dân tộc Khơ Mú?
Ông Hoàng Văn Dũng:
Theo thống kê của UBND huyện Mường Lát trong giai đoạn từ năm 2020 tới nay đã hỗ trợ phát triển sản xuất các chương trình, chính sách 135; Nghị định 30a về hỗ trợ giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân được thực hiện cơ bản đã đem lại hiệu quả. Hỗ trợ con giống là 57 con với kinh phí là 630.000 triệu đồng, đến nay tổng đàn gia súc là 755 con ( trong đó 411 con bò, 344 con lợn). Đặc biệt là các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã làm cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn huyện nói chung, dân tộc Khơ Mú nói riêng.
Chính sách hỗ trợ làm nhà ở, ổn định đời sống cho các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được thực hiện. Khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát đã được đầu tư xây dựng cầu treo nối liền quốc lộ 15c bắc qua sông Mã đi vào khu phố, đường vào trung tâm khu phố đã được bê tông cứng hoá phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Trong khu phố Đoàn kết (thị trấn Mường Lát) và bản Lách (xã Mường Chanh) có 5 công trình kênh, đập thuỷ lợi phục vụ tưới tiêu cho nhân dân. 100% người dân đã được hỗ trợ sử dụng nước sinh hoạt tập trung. Với 02 bể chính chủ lực và 09 bể nhỏ đặt ở các điểm trung tâm của khu, bản. Có 04 điểm trường gồm 02 điểm trường Mầm non và 02 điểm trường Tiểu học đã được đầu tư xây dựng phục vụ cho nhu cầu học tập của học sinh.
Các hộ dân đều được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất trong việc vay vốn phát triển sản xuất, mở rộng chăn nuôi, vay vốn đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm … tại các ngân hàng trên địa bàn huyện. Tổng số hộ vay vốn là: 222 hộ với số tiền là 4.080 triệu đồng.
Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính chính trị từ tỉnh, huyện, xã đến thôn bản đã làm cho các trưởng bản, già làng, người có uy tín và nhân dân hiểu và thực hiện có hiệu quả Đề án.
Bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn (nay là Khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát) cũng là một trong hai bản được chọn thực hiện Đề án “Ổn định đời sống và phát triển kinh tế – xã hội đồng bào Khơ Mú tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” sau đó gia hạn đến năm 2021.
Bản Đoàn Kết nằm ở bên kia suối Xia, địa hình đồi núi hiểm trở, bị chia cắt bởi sông suối giao thông đi lại cực kỳ khó khăn. Trước năm 2020, cả bản 100% hộ đói nghèo, người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt trên diện tích đất canh tác ít ỏi và chăn nuôi gia súc. Từ khi Đề án được triển khai người dân đã thay đổi tư duy, nhận thức tự vươn lên thoát nghèo. Cả bản hiện đã có gần 200 người đi xuất khẩu lao động và làm ăn ở các tỉnh khác. Trong bản có 2 người đã tốt nghiệp đại học có công việc ổn định. Những ngôi nhà sàn khang trang được dựng lên cho thấy cuộc sống ngày càng đủ đầy, không còn cảnh những căn nhà tạm bợ, lo chạy ăn từng bữa.
Phóng viên: Xin ông cho biết những bất cập, khó khăn trong quá trình triển khai các chính sách ở dân tộc Khơ Mú?
Ông Hoàng Văn Dũng:
Do trình độ dân trí thấp nên việc phổ biến, triển khai các chương trình, chính sách còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là việc tiếp cận khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, chăn nuôi của người dân còn hạn chế, vì vậy hiệu quả đem lại từ các chính sách chưa cao. Dân tộc Khơ Mú so với mặt bằng chung thì đây vẫn là dân tộc có điều kiện khó khăn nhất của huyện, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế – xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.
Công tác tuyên truyền vận động để nhân dân nghe, hiểu và thực hiện Đề án chưa triệt để. Một số chính sách thiếu cụ thể, thiếu tính khả thi không sát với thực tế và không phù hợp với điều kiện thực tế của đồng bào. Các chính sách chủ yếu hỗ trợ trực tiếp cho người dân; chưa có nhiều chính sách mang tính hỗ trợ sinh kế lâu dài, bền vững. Có nhiều chính sách được ban hành nhưng nguồn lực thực hiện chưa đáp ứng nhu cầu; việc xây dựng chính sách mang tính nhiệm kỳ, ngắn hạn, thời gian và nguồn lực thực hiện không tương xứng. Việc phân công quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện chính sách còn chồng chéo. Một số chính sách còn thiếu sự phối hợp hoặc bỏ sót vai trò của hệ thống các cơ quan làm công tác dân tộc dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện.
Phóng viên: Vậy xin ông cho biết giải pháp để thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo ở đồng bào dân tộc Khơ Mú trên địa bàn huyện?
Ông Hoàng Văn Dũng:
Trên địa bàn huyện Mường Lát có 6 dân tộc anh em sinh sống là Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú và Kinh, trong đó dân tộc Thái và Mông chiếm đa số, dân tộc Khơ Mú chỉ chiếm 2,49%. Dân tộc Khơ Mú sống ở bản Lách, xã Mường Chanh và bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn (nay là thị trấn Mường Lát).
Những năm trước đây đời sống của bà con dân tộc Khơ Mú gặp rất nhiều khó khăn khi diện tích canh tác ít, đồi núi chủ yếu là đá tai mèo, nhiều hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chiếm tỷ lệ cao. Người dân sống chủ yếu bằng việc trồng lúa với diện tích ít ỏi, chăn thả trâu, bò trong rừng.
Với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện đề án “Ổn định đời sống và phát triển kinh tế – xã hội đồng bào Khơ Mú tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”. Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương nhiều chủ trương, chính sách, mô hình, dự án và một số chính sách an sinh xã hội khác đã được thực hiện. Nhiều chính sách được triển khai ở đồng bào dân tộc Khơ Mú, huyện Mường Lát đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân góp phần ổn định dân cư, cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập, nâng cao trình độ dân trí và từng bước vươn lên thoát nghèo. Tiêu biểu là chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ y tế, giáo dục, hỗ trợ mua vật dụng lao động, xuất khẩu lao động…
Trên cơ sở Kế hoạch của tỉnh, kế hoạch của huyện cần tổ chức tuyên truyền vận động đến đồng bào Dân tộc Khơ Mú bằng nhiều hình thức để nhân dân nắm bắt chủ chương của tỉnh về thực hiện các nội dung của Đề án. Đồng thời tổ chức cho các trưởng bản, già làng, người có uy tín đi tham quan các mô hình điểm để về tuyên truyền đến người dân.
Cần điều chỉnh một số chế độ, chính sách phù hợp hơn với đồng bào dân tộc ; cần tiếp tục nghiên cứu đưa ra định hướng lâu dài giúp bà con ổn định kinh tế, đời sống với phương châm cung cấp phương tiện và kiến thức để bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo; cần tiếp tục quan tâm nguồn lực đáp ứng cho các kế hoạch hỗ trợ bà con dân tộc đã được phê duyệt đồng thời có những đầu tư cho tầm nhìn dài hạn về những mục tiêu giảm nghèo bền vững phù hợp khu vực và người dân bản địa…
Xin trân trọng cảm ơn ông!