Một số doanh nghiệp lớn phải bán tài sản với giá trị thấp, bị mua lại hoặc sáp nhập để giảm bớt khó khăn về dòng tiền, duy trì sản xuất kinh doanh, theo Chính phủ.
Thông tin trên được Chính phủ nêu trong báo cáo gửi Quốc hội ngày 17/5, về đánh giá bổ sung kinh tế xã hội 2022, tình hình năm 2023. Nội dung này sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp khai mạc ngày 22/5.
Theo Chính phủ, bốn tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát ở mức hợp lý với CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tăng 3,84%. Ngân hàng Nhà nước đã hai lần giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ các tổ chức tín dụng hạ lãi vay, ổn định tỷ giá và đảm bảo an toàn hệ thống. Thu ngân sách bốn tháng đạt 39% dự toán, thu nội địa 39,5% dự toán.
Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng khó khăn bắt đầu từ cuối năm 2022 và kéo dài tới đầu năm nay khiến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn. Các động lực quan trọng của tăng trưởng về sản xuất, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu hút vốn FDI đều giảm.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) bốn tháng giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Đơn hàng giảm, tồn kho có xu hướng tăng tại nhiều doanh nghiệp trong các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực, như chế biến thủy sản, da giày, sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng.
“Doanh nghiệp thiếu vốn, trong khi đối mặt với chi phí lãi vay cao và tiếp cận vốn vay từ ngân hàng, thị trường vốn khó khăn”, Chính phủ nhìn nhận. Việc này làm tăng thêm áp lực duy trì hoạt động, sản xuất của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt lĩnh vực bất động sản năm nay và 2024 rất lớn. Cụ thể, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm nay khoảng 284.000 tỷ đồng, trong đó bất động sản chiếm 40%. Năm 2024, khoảng 363.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn và 30% trong số này là bất động sản.
“Đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp lớn hoạt động đa ngành, lĩnh vực phải bán tài sản với giá trị thấp, bị mua lại hoặc sáp nhập để giảm bớt khó khăn về dòng tiền, duy trì sản xuất, kinh doanh”, theo Chính phủ.
Việc doanh nghiệp khó khăn phải bán tài sản từng được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/5. “Nhiều doanh nghiệp lớn phải bán rẻ tài sản, những gì bán được đã bán với giá bằng nửa giá trị thực. Đáng lo ngại người mua là nước ngoài, nhất là với doanh nghiệp cần giữ, hỗ trợ”, ông nói.
Hiện tượng doanh nghiệp này thâu tóm đơn vị kia về lý thuyết là quy luật bình thường của thị trường. Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận điều này sẽ là “đáng chua xót” khi một doanh nghiệp tốt nhưng vì những khó khăn trong ngắn hạn, buộc phải bán cơ ngơi, chuyển nhượng thương hiệu có tiếng trong nhiều năm.
Theo ghi nhận của VnExpress, nhóm có hiện tượng “bán mình” phần lớn thuộc lĩnh vực bất động sản, sản xuất – đối tượng gặp khó khăn lớn về pháp lý, dòng tiền, đơn hàng.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng tín dụng đến ngày 4/5 đạt 2,87%, cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục khó khăn. Mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao; lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 9,3% một năm.
Các doanh nghiệp kiệt sức nên hàng trăm nghìn lao động tại các khu công nghiệp lớn phải giảm giờ làm, mất việc. Báo cáo của Chính phủ dẫn số liệu cho thấy, lao động nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bốn tháng qua có gần 78.900 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại thị trường, nhưng số rút lui tăng hơn 25%, với 77.000 đơn vị. Tức là, cứ hơn một doanh nghiệp thành lập mới, trở lại thị trường thì cũng có một đơn vị phá sản, giải thể. Chính phủ nhận định, tình hình này có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn hơn thời gian tới.
Với thực trạng trên, Chính phủ đánh giá áp lực điều hành kinh tế vĩ mô gia tăng. Sản xuất, kinh doanh, đầu tư gặp nhiều khó khăn, xuất nhập khẩu giảm, có khả năng sẽ tác động đến thu ngân sách quý II và cả năm nay. Điều này sẽ tạo áp lực lên điều hành chính sách tài khóa. Điều hành chính sách tiền tệ cũng khó khăn khi vừa phải kiểm soát lạm phát, phải giảm lãi suất hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Nêu giải pháp, Chính phủ cho biết tiếp tục điều hành chính sách tài khóa trọng tâm, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Cùng đó, các ngân hàng cần tiết giảm chi phí để hạ lãi suất, ổn định mặt bằng lãi vay và tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân. Chính phủ sẽ ban hành chính sách tài khóa, nhất là về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nền kinh tế, người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.
Ngoài ra, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ được các cấp ngành đẩy mạnh, nhất là xử lý vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy và giải quyết dứt điểm vấn đề kiểm định xe cơ giới.
Chính phủ cũng cho biết sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu gắn với thanh tra, giám sát và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; siết chặt kỷ luật, khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức.