Vì vậy, thời gian qua việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp được tỉnh Lào Cai chú trọng thực hiện, coi đây là “chìa khóa” góp phần giảm nghèo bền vững tại các địa bàn vùng cao.
Để chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS, ngày 1/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 96 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11 ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, có những giải pháp trọng tâm phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã triển khai thực hiện các cơ chế hỗ trợ sinh kế, dịch vụ gắn với hiệu quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Xác định mục tiêu lâu dài trong hỗ trợ sinh kế là tạo động lực để người dân khởi nghiệp, tỉnh Lào Cai đã thực hiện các mô hình hỗ trợ người dân thay đổi cách thức, tư duy sản xuất theo kịp xu hướng chung. Điển hình là trường hợp gia đình anh Lù Cồ Chương ở thôn Na Pá (xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai). Dựa trên nguồn vốn vay hỗ trợ của Nhà nước, gia đình anh đã xây dựng chuồng trại kiên cố, triển khai mô hình nuôi trâu, bò theo hình thức bán chăn thả. Từ những con giống đầu tiên, đến nay gia đình anh Chương đã có đàn trâu, bò gần chục con. Anh Chương cho biết, từ hỗ trợ hộ nghèo, phát triển chăn nuôi, đến nay gia đình tôi đã thoát được nghèo, vươn lên phát triển kinh tế bền vững.
Ông Thền Mạnh Hùng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai cho biết, tận dụng điều kiện khí hậu tự nhiên, huyện đã triển khai phát triển các mô hình kinh tế phù hợp. Trong đó, huyện chú trọng phát triển cây ăn quả, cây dược liệu và xây dựng các mô hình du lịch trải nghiệm nông thôn. Từ đó, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho người dân. Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo ra đời. Đây cũng là điều kiện quan trọng để người dân thay đổi tư duy về phát triển nông nghiệp hàng hóa, góp phần hoàn thành mục tiêu xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
“Để thực hiện việc này, huyện đã phối hợp với UBND các xã lựa chọn các loại cây, con phù hợp ở địa phương. Bên cạnh đó, đảm bảo 100% người dân tiếp cận được cây, con giống, mang lại hiệu quả kinh tế nhất cho đồng bào DTTS. Song song với đó là công tác giáo dục, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động đồng bào DTTS. Huyện coi đây là mục tiêu gốc, góp phần xóa đói giảm nghèo cho các địa bàn vùng cao” – ông Thền Mạnh Hùng nói.
Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo. Do vậy, không chỉ huyện Si Ma Cai mà huyện Mường Khương cũng đang đẩy mạnh tổ chức các lớp đào tạo dạy nghề cho lao động là đồng bào DTTS.
Theo ông Tô Việt Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương, những năm qua, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát phần cung cầu lao động, nắm bắt kịp thời số lao động có việc làm, không có việc làm, lao động được đào tạo nghề, lao động chưa qua đào tạo nghề và nhu cầu học nghề của người lao động. Cùng với đó, chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm, đưa ra các giải pháp thiết thực cho công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là với đồng bào DTTS và miền núi. Với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, năm 2023, huyện Mường Khương đã tạo việc làm mới cho hơn 1.200 người. Đây là những tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội của huyện vùng cao Mường Khương.
Với những giải pháp đồng bộ, thiết thực, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động là đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có những chuyển biến tích cực. Qua đó, giúp người lao động tăng thu nhập, tạo được sinh kế, phát triển kinh tế – xã hội bền vững ở địa phương.
Nguồn: https://daidoanket.vn/chia-khoa-giam-ngheo-ben-vung-tai-vung-cao-10291368.html