Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Vướng quy định, nhiều học sinh nghèo thêm khó
Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Quốc Khánh – Đoàn Lai Châu cho biết, Nghị định 116 ban hành ngày 18/7/2016 quy định về chính sách hỗ trợ học sinh vào trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn được thực hiện gần 10 năm nay. Trong đó có nhiều chính sách ưu đãi cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, tiếp bước các em đến trường. Tuy nhiên, sau khi thực hiện một thời gian đã có rất nhiều điểm bất cập, chưa sát với điều kiện, tình hình thực tiễn, nhất là quy định về điều kiện được hưởng chính sách quy định tại Điều 4 của Nghị định.
Theo đại biểu Hoàng Quốc Khánh, thống kê cho thấy, có gần 20 tỉnh, thành phố ở khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên có kiến nghị rằng quy định về khoảng cách để được hưởng chính sách trong quy định tại Điều 4 Nghị định 116 là không hợp lý. Cụ thể, quy định khoảng cách địa lý phải từ 4 km trở lên đối với học sinh tiểu học và từ 7 km trở lên đối với học sinh THCS hoặc địa hình phải qua sông, qua suối, không có cầu, qua đèo, qua núi cao, vùng sạt lở đất đá mới được hưởng chế độ bán trú và được ăn tại trường.
Đại biểu cho biết, thực tế triển khai ở địa phương, các thầy cô giáo và cử tri kiến nghị, nhiều gia đình có khoảng cách đến trường không đến 4 km, chỉ khoảng 3,8 – 3,9 km nhưng cũng không thể đi về trong buổi trưa được. Đối với miền núi, đặc điểm đường dốc, mưa thì trơn, nắng thì bụi, xe đạp đi rất nguy hiểm nên bố mẹ các em học sinh phải đưa đến trường.
“Chính vì thế có cảnh tượng sau khi tan giờ học buổi trưa một bộ phận các em được ăn bán trú sẽ vào trong bếp, còn lại một bộ phận các em không được ăn bán trú mang cơm nắm vào trong lớp học, gốc cây hoặc chỗ nào đó để ăn, rất phản cảm”, đại biểu Hoàng Quốc Khánh nói.
Theo đại biểu Khánh, cử tri đã kiến nghị rất nhiều, do đó trong quá trình thực hiện, địa phương và nhà trường có rất nhiều chính sách hỗ trợ nhưng vướng mắc về cơ chế cho nên cũng chỉ là những giải pháp tạm thời. Nội dung này đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa thấy có ý kiến giải quyết và hiện nay theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại biểu số 6 đang khảo sát, tham mưu, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung. “Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm tham mưu cho Chính phủ giải quyết vấn đề này”, đại biểu Hoàng Quốc Khánh nói.
Một nội dung khác, theo đại biểu Hoàng Quốc Khánh, cử tri của tỉnh Lai Châu và một số địa phương cũng đề nghị về một số chính sách liên quan đến khoanh nuôi, bảo vệ rừng theo Nghị định 75/2015 về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020.
Theo đó, mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng là 400.000 đồng/ha/năm và thực hiện từ năm 2015 đến nay. Mức này rất thấp và người dân không mặn mà thực hiện. Theo đại biểu Hoàng Quốc Khánh, lý do là vì những diện tích rừng hiện nay để khoanh nuôi, bảo vệ chủ yếu là rừng phòng hộ đầu nguồn và nằm ở các vùng khó, ở các sông, núi đi lại rất khó khăn, những vùng đất thuận lợi thì đưa vào vùng sản xuất, cho nên người dân trong việc khoanh nuôi, bảo vệ, chăm sóc rất khó.
Lý do thứ khác, là do đây là khu vực 100% vùng đồng bào dân tộc thiểu số biên giới, đời sống kinh tế rất khó khăn, hiện nay nhu cầu về đất sản xuất rất thiếu vì đã đưa hết vào khoanh nuôi, tái sinh rừng. Không những vậy, Nghị định 75/2015 có một số chính sách hiện nay không còn phù hợp và giá nhân công để thực hiện thủ tục thanh toán hiện nay cũng rất cao.
“Đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá lại việc này và có những điều chỉnh. Theo cử tri kiến nghị, ít nhất mức hỗ trợ phải từ 1 triệu trở lên, nếu không phải 1,5-2 triệu mới đáp ứng được yêu cầu về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và tránh việc phá rừng”, đại biểu Hoàng Quốc Khánh cho biết.
Khắc phục các bất cập
Phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Hoàng Quốc Khánh nêu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cảm ơn đại biểu đã giành sự quan tâm sâu sắc đến Nghị định số 116. Đồng thời cho biết, Nghị định 116 được ban hành ngày 18/7/2016 quy định về chính sách hỗ trợ học sinh trường phổ thông các xã, thôn vùng đặc biệt khó khăn, trong quá trình triển khai thực tế có một số điểm bất cập.
Nhận thức được điều này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã tiến hành điều chỉnh Nghị định 116. Cho đến thời điểm này, dự thảo nghị định thay thế cho Nghị định 116 đã được hoàn tất. “Ngày 22/4/2024, chúng tôi đã có Tờ trình gửi Văn phòng Chính phủ thẩm định lần cuối trước khi trình Thường trực Chính phủ ban hành và hy vọng trong ít ngày tới sẽ có thể có ban hành được”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin.
Liên quan đến cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững mà đại biểu Hoàng Quốc Khánh nêu, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Bộ đã dành gần 2 năm để sửa Nghị định 156 liên quan đến thay đổi tư duy, thể chế, nguồn lực bảo vệ và phát triển rừng.
Theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay Bộ đã trình dự thảo cuối cùng đến Thủ tướng Chính phủ và ông cũng cho biết thêm vấn đề không chỉ là nâng mức khoán kinh phí bảo vệ rừng.
Theo đó, những điều chỉnh sẽ mang tính tổng thể, bao gồm Đề án phát huy giá trị, đa dạng hệ sinh thái rừng để làm du lịch dưới tán rừng, thuê dịch vụ môi trường rừng… để tạo nguồn lực mới, tạo sinh kế mới cho những người giữ rừng.
“Có như vậy thì cộng đồng bảo vệ rừng, bà con dưới tán rừng sẽ có sự thay đổi cách tiếp cận”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định và bày tỏ mong muốn các địa phương nhìn rừng không chỉ là những giá trị riêng lẻ mà tích hợp đa tầng giá trị, khi đó cộng đồng người giữ rừng sẽ có không gian việc làm, sinh kế, thu nhập tăng thêm.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-kien-nghi-sua-chinh-sach-uu-dai-hoc-sinh-vung-kho-khan-374579.html