Dù tiêu hết tiền tiết kiệm trong 6 năm, chuyến ngao du gần 20 quốc gia giúp vợ chồng anh Vinh có kỷ niệm đặc biệt với con gái nhỏ và giúp cô bé học được ngôn ngữ thứ ba.
Chi hơn một tỷ đồng đưa gia đình nhỏ đi du lịch gần 20 quốc gia trên thế giới là quyết định “khá liều lĩnh” của anh Đặng Đức Vinh, nhiếp ảnh gia đang sống tại Pháp. Hai vợ chồng anh đã nghỉ làm không lương trong 6 tháng và tiêu gần hết số tiền tiết kiệm trong 6 năm.
“Tiền bạc có thể kiếm lại được nhưng thời gian và cơ hội để có trải nghiệm đặc biệt cùng con như vậy gần như sẽ không có lần thứ hai”, anh Vinh nói. Con gái anh Vinh, bé Đặng Chlóe đã hơn hai tuổi, chuẩn bị bước vào môi trường học tập và không có những kỳ nghỉ dài ngày để đi du lịch xa.
Để chuẩn bị cho chuyến đi, từ tháng 3, gia đình anh Vinh đã làm hồ sơ xin visa cùng một lúc các nước Anh, Mỹ, Canada, Nhật, Hàn. Theo kế hoạch, sau mỗi cung road trip, gia đình đều trở về Paris, Pháp, nghỉ ngơi vài ngày lấy sức, thay đổi quần áo cho phù hợp nên hành trang mang theo khá gọn nhẹ.
Chuyến đi khởi hành ngày 23/4 và kết thúc ngày 31/10. Vào ngày đầu tiên của hành trình, khi bay từ Pháp sang Nhật, những rắc rối về việc chênh lệch múi giờ đã xảy ra. Gia đình anh phải mất khoảng 4, 5 ngày để thích nghi và trở lại nếp sinh hoạt bình thường.
Trong 15 ngày ở Nhật (23/4 – 7/5), gia đình anh sử dụng phương tiện công cộng di chuyển qua 9 thành phố lớn, tiêu biểu như Osaka, Hiroshima, Kyoto, Tokyo. “Nhật Bản khác biệt hoàn toàn với các quốc gia còn lại trên thế giới với sự dung hòa hoàn hảo giữa những kiến trúc, văn hóa lâu đời với nhịp sống hiện đại, tiện nghi”, anh Vinh nói.
Họ đến tỉnh Yamanashi, miền trung Nhật Bản vào cuối tháng 4, đúng dịp diễn ra lễ hội Fuji Shibazakura, khi những cánh đồng hoa chi anh màu hồng, trắng, tím nở rộ dưới chân núi Phú Sĩ. Sự tương phản màu sắc giữa nền trời xanh, đỉnh núi Phú Sĩ quanh năm phủ tuyết trắng và những thảm hoa rực rỡ tạo nên bức tranh thiên nhiên “đầy chất thơ”.
15 ngày ở Hàn Quốc (8 – 22/5), trung bình gia đình anh dành ba ngày để khám phá mỗi thành phố gồm Seoul, Jeju, Daegu, Gyeongju, Busan. Không phải những kiến trúc cổ kính ở cố đô Gyeongju hay sự hiện đại ở thủ đô Seoul, mà đảo Jeju là nơi anh Vinh yêu thích nhất vì “cảm giác quen thuộc”. Không có những bãi cát trắng dài hay hàng dừa thẳng tắp, Jeju chủ yếu là các bãi đá đen, những làng chài nhỏ nằm ven biển. “Khung cảnh giống hệt trong show thực tế Family Outing của Hàn Quốc chiếu vào những năm trước 2010 mà tôi từng xem”, anh Vinh chia sẻ.
Do chủ quan không đổi nhiều tiền mặt sang đồng won (tiền Hàn), gia đình anh đã gặp một vài tình huống “dở khóc dở cười”. Khi thiếu tiền mặt để mua vé vào cổng ở làng cổ Andong Hahoe hay trả tiền phí tại trạm thu phí trên đường cao tốc, các nhân viên đều thông cảm và cho qua miễn phí hoặc bỏ tiền túi ra trả giúp. Lần bị lạc đường ở Gyeongju, đêm muộn mới đến homestay nhưng vợ chồng chủ nhà vẫn ngồi đợi và chuẩn bị bữa tối cho gia đình anh. “Hàn Quốc là quốc gia tôi nhận được nhiều sự giúp đỡ nhiệt tình nhất”, anh nói.
Sau Hàn Quốc là các cung road trip từ 11 đến 27 ngày trong 4 tháng ở các nước châu Âu theo thứ tự: Tây Ban Nha 12 ngày (25/5 – 5/6); Pháp – đảo Corse – Italy 23 ngày (8 – 30/6); Pháp 11 ngày (3 – 13/7); Anh – Scotland 27 ngày (17/7 – 12/8); Đức – Áo – Slovenia – Croatia – Italy 26 ngày (16/8 – 12/9). Hành trình kết thúc bằng hai chuyến road trip 15 ngày ở Canada (15 – 30/9) và 26 ngày đi dọc bờ Tây nước Mỹ (5 – 31/10).
Mỗi cung road trip đều mang đến cho gia đình anh những “bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, đẹp, độc, lạ”, đặc biệt là khu vực bờ Tây nước Mỹ. Công viên quốc gia Arches nổi tiếng với hơn 2.000 mái vòm đá sa thạch tự nhiên, có niên đại từ 65 triệu năm trước. Đại vực Grand Canyon với hàng trăm hẻm núi sâu hai km, được ví như những vực thẳm lớn nhất trái đất nhuộm màu đỏ, cam, vàng. Toàn bộ cảnh vật ở thung lũng tượng đài (Monument Valley) được bao phủ bởi một màu cam vàng do oxit sắt bám bên ngoài bị phong hóa tạo thành.
Trong chuyến đi, bé Chlóe thể hiện sự thích thú với những khung cảnh thiên nhiên mới mẻ hay sự thay đổi về văn hóa như trang phục của người dân, các công trình kiến trúc ở từng điểm đến. Một sự cố nhỏ xảy ra vào tuần cuối cùng ở Mỹ khi bé bị sốt nhẹ. Song, tình trạng không nghiêm trọng và hành trình cũng đã gần kết thúc nên cô bé có nhiều thời gian nghỉ ngơi ngay sau đó.
Kinh phí của chuyến đi hết khoảng 40.000 euro (khoảng một tỷ đồng). Trong đó, tiền khách sạn chiếm khoảng 40% (khoảng 400 triệu đồng) và chi phí di chuyển (vé máy bay, vé tàu, xăng xe) chiếm khoảng 35% (350 triệu đồng). Còn lại là chi phí ăn uống và các khoản chi nhỏ lẻ khác.
Chi một số tiền lớn cho chuyến đi, anh Vinh cho rằng những gì nhận lại là hoàn toàn xứng đáng. Với bé Chlóe, do đi du lịch suốt 6 tháng vào đúng thời gian hình thành ngôn ngữ (giai đoạn 2 – 6 tuổi) nên hiện cô bé có thể nói thêm tiếng Anh, ngoài hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Pháp. Còn với vợ chồng anh Vinh, thay đổi lớn nhất sau chuyến đi là quyết định nghỉ làm văn phòng, chuyển sang làm công việc tự do để có nhiều thời gian dành cho gia đình.
“Vợ chồng tôi đã học cách sống đơn giản hơn và biết trân trọng từng khoảnh khắc, từng điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống”, anh nói.
Theo anh Vinh, khá khó để đưa ra lời khuyên cho những gia đình khác vì mỗi người một hoàn cảnh khác nhau. Anh khuyên du khách nên tìm hiểu về việc nhập cảnh, phương tiện di chuyển, điều kiện thời tiết và chuẩn bị trang phục, dụng cụ mang theo. Với những chuyến du lịch dài ngày, du khách thuê xe tự lái để tiết kiệm và chủ động hơn so với di chuyển bằng các phương tiện công cộng.
Từng đọc một bài viết có nội dung “mỗi hành động của con với chúng ta lúc này đều có thể là lần cuối cùng”, vợ chồng anh Vinh luôn cố gắng tạo ra và lưu giữ nhiều nhất có thể những kỷ niệm với con gái. “Nhiều người có thể cho rằng chúng tôi liều lĩnh, bất chấp khi chi một khoản tiền lớn đi du lịch. Nhưng vợ chồng tôi nghĩ mỗi người chỉ có cơ hội sống một lần và trong cuộc sống ấy, có những thứ vô giá mà tiền bạc không thể mua được, đó là trải nghiệm và kỷ niệm”, anh nói.
Quỳnh Mai
Ảnh: Đặng Đức Vinh