TP HCMKhi Công ty Pouyuen giảm hơn 2.300 công nhân hồi tháng 2, thành phố tìm được 3.200 việc làm giới thiệu nhưng chỉ 46 lao động có nhu cầu tìm việc, chiếm 2%.
Thông tin được ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cho biết tại họp báo về tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn chiều 18/5, khi đề cập Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam ở quận Bình Tân cắt giảm lao động do khó khăn đơn hàng.
Hồi đầu năm, Pouyuen giảm hơn 2.300 lao động, trong đó 83% là nữ. Nhóm trên 40 tuổi chiếm 54%, tỷ lệ này ở độ tuổi 30-40 là 39%. Khoảng 87% lao động có thời gian làm việc tại công ty từ 10 năm trở lên.
Để hỗ trợ công nhân bị cắt giảm, Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố đã kết nối với 15 doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng để giới thiệu cho công nhân. Tuy nhiên, khi tư vấn chỉ vài người có nhu cầu tìm việc.
Nguyên nhân được Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố đánh giá là đa phần người lao động có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc tìm việc làm thời vụ. Công nhân không muốn tìm việc có ký kết hợp đồng lao động vì phát sinh đóng bảo hiểm xã hội sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo thống kê, có 581 người của công ty hưởng trợ cấp thất nghiệp tại TP HCM, 1.666 trường hợp nhận tại tỉnh.
Hiện, Pouyuen tiếp tục có kế hoạch giảm lao động, số dự kiến là 5.744 người, tương đương 10% tổng số 50.500 lao động. Công nhân sẽ nghỉ vào hai đợt, lần đầu vào ngày 24/6 với 4.519 người và lần tiếp theo vào 8/7 với 1.225 người.
Để hỗ trợ cho lao động bị giảm ở đợt này, Trung tâm dịch vụ việc làm Thành phố đã phối hợp công đoàn công ty, bộ phận nhân sự khảo sát nguyện vọng việc làm, đào tạo nghề của người lao động.
Thành phố đã kết nối 16 doanh nghiệp với 4.960 vị trí việc làm trong các lĩnh vực như may mặc, nhân viên bán hàng, nhân viên phục vụ ăn uống, lễ tân, bảo vệ để triển khai tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.
Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết thị trường lao động của thành phố “vẫn còn bị ảnh hưởng và trầm lắng”. Nguyên nhân nhiều doanh nghiệp đang trong giai đoạn tìm cách phục hồi đơn hàng, giữ việc làm cho người lao động, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, giày da, bất động sản, xây dựng, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ…
Các ngành nghề khác như sản xuất lương thực, thực phẩm, đồ uống; sản xuất sản phẩm điện tử máy tính; bán buôn và bán lẻ; du lịch; tài chính – ngân hàng tăng nhu cầu tuyển dụng, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.
Lê Tuyết