SGGPO
Ngày 14-6 tại Nam Định, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội nghị Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Hồng |
Năm học 2020 – 2021, toàn vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) có 5.561 cơ sở giáo dục phổ thông, với hơn 4,3 triệu học sinh. Tỷ lệ lớp/trường, sĩ số học sinh/lớp các cấp học của vùng đều cao hơn so với bình quân cả nước.
Một chỉ số khác của vùng ĐBSH cũng đứng đầu là chất lượng phổ cập giáo dục các cấp. Cả 4 địa phương đầu tiên trong toàn quốc hoàn thành phổ cập THPT cấp độ 3 đều thuộc vùng này.
Tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2023, 6/11 tỉnh trong vùng ĐBSH và Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trong tốp 10 địa phương, đơn vị có nhiều học sinh đạt giải và giành nhiều giải nhất học sinh giỏi quốc gia nhất cả nước.
Đây luôn là vùng có số thí sinh được chọn dự thi Olympic quốc tế, khu vực nhiều nhất cả nước.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, nếu các vùng khác còn phải giải bài toán đưa trẻ em, học sinh đến trường hay bài toán khoảng cách về chất lượng giáo dục ngay trong từng địa phương và giữa các địa phương trong khu vực thì ĐBSH cơ bản không phải giải những bài toán này.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn |
Tất cả các chỉ số về tỷ lệ tốt nghiệp các cấp học, trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT hàng năm của ĐBSH đều đứng đầu cả nước. Đặc biệt, đây là vùng đi đầu trong áp dụng đổi mới hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng giảm áp lực cho học sinh, giáo viên; giáo dục hài hòa đức, trí, thể, mỹ và chú trọng học đi đôi với hành để học sinh giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.
Quá trình triển khai đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình GDPT 2018 và xây dựng trường học hạnh phúc với nhiều kết quả tích cực ở ĐBSH không chỉ tạo ra những đổi thay cho giáo dục của vùng mà còn có vai trò dẫn dắt giáo dục cả nước.
Không chỉ nổi bật ở chất lượng giáo dục đại trà, vùng còn giàu truyền thống về giáo dục mũi nhọn và năng khiếu. Toàn vùng hiện có 14 trường chuyên, trong đó có 11 trường trực thuộc tỉnh/thành, 3 trường trực thuộc cơ sở giáo dục đại học và 1 khối THPT chuyên.
Ngoài những địa phương đã có “thương hiệu” về thi quốc gia, quốc tế như Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội thì sự đầu tư bài bản trong nhiều năm qua đã có thêm nhiều địa phương trong vùng ghi danh về giáo dục mũi nhọn như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Quảng Ninh, Hải Dương.
Với vị trí có ý nghĩa chiến lược quan trọng bậc nhất, ĐBSH cũng chính là trung tâm về đào tạo nhân lực của cả nước. Toàn vùng hiện có 113 cơ sở giáo dục đại học, trong đó có hàng chục cơ sở có quy mô và chất lượng đứng đầu cả nước. Bình quân hằng năm, có hơn 100.000 sinh viên và hơn 15.000 học viên, nghiên cứu sinh tốt nghiệp.
Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo của vùng là 32,6% (đứng đầu trong 6 vùng kinh tế – xã hội). Tỷ lệ dân số có trình độ đại học trở lên của cả vùng khoảng 6,6%. Hà Nội và Quảng Ninh có chất lượng lao động cao nhất toàn vùng.
Tuy nhiên, nhiều kết quả nhưng giáo dục ĐBSH cũng đang đối diện với không ít khó khăn. Sự phát triển nóng về kinh tế, cùng tốc độ đô thị hoá, tăng dân số cơ học nhanh hàng đầu cả nước đã làm cho các vấn đề xã hội, trong đó có giáo dục dù được quan tâm vẫn đang chậm hơn so với sự phát triển chung.
Cụ thể, vấn đề quy hoạch mạng lưới trường lớp còn bất cập; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Tình trạng quá tải tại các trường học còn chưa được khắc phục. Đặc biệt, tại các khu vực đông dân cư, khu đô thị mới vẫn còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh tại địa bàn tập trung các khu công nghiệp, khu chế xuất còn nhiều bất cập. Chất lượng lao động của vùng mặc dù cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước song vẫn còn thấp so với yêu cầu của một vùng kinh tế phát triển khi vẫn còn gần 2/3 lực lượng lao động chưa qua đào tạo hoặc không có bằng cấp/chứng chỉ.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tạo sự kết nối chủ động hơn để hỗ trợ các vùng và địa phương khác là việc mà giáo dục ĐBSH phải làm và nên làm. Để trong tương lai không xa, câu chuyện giáo viên ở ĐBSH hỗ trợ dạy học cho các trường ở các địa phương miền núi khó khăn sẽ không là cá biệt.