Xuân Bách, 24 tuổi, được Hiệp hội Tim mạch Mỹ trao giải thưởng nghiên cứu trị giá gần 70.000 USD, khi bước đầu tinh chế thành công enzym để tìm cách phát triển loại kháng sinh mới.
Nguyễn Xuân Bách, quê Hải Phòng, đang là nghiên cứu sinh năm thứ ba, ngành Hóa sinh tại trường Y khoa, Đại học Duke (Mỹ). Cuối tháng 12/2023, Bách được Hiệp hội Tim mạch Mỹ (American Heart Association – AHA) trao giải thưởng nghiên cứu trị giá hơn 67.000 USD cho đề án về phát triển một loại thuốc kháng sinh mới. Ngoài tiền thưởng, Bách trở thành hội viên (fellow) của AHA, được giới thiệu, tạo điều kiện tham gia các hội thảo khoa học, kết nối với những học giả của hiệp hội.
Trên website, Đại học Duke cho biết Hiệp hội Tim mạch Mỹ là tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ lớn nhất cho các nghiên cứu về tim mạch ở Mỹ. Học bổng tiến sĩ AHA là một giải thưởng uy tín, có tính cạnh tranh cao. Trước thành tích của Bách, Đại học Duke thưởng thêm cho anh 5.000 USD.
“Với tôi, AHA không chỉ là một giải thưởng với mức hỗ trợ lớn, mà còn là sự ghi nhận của giới chuyên môn với công trình nghiên cứu mình đang thực hiện”, Bách bày tỏ.
Bách đến Mỹ vào mùa thu năm 2021, sau khi hoàn thành chương trình cử nhân ngành Hóa học, Đại học Nagoya, Nhật Bản. Lúc đó, anh được 7 đại học cấp học bổng tiến sĩ, trong đó có Harvard, Cornell, Duke (Mỹ), Oxford (Anh) và British Columbia (Canada). Mức học bổng dao động 500.000-672.000 USD trong 5-6 năm (khoảng 11,5-15,5 tỷ đồng). Chàng trai Hải Phòng chọn Duke vì đây là đại học có bề dày thành tích về y sinh, phù hợp với định hướng nghiên cứu của anh.
Bách dành năm đầu tiên của chương trình tiến sĩ để trải nghiệm các phòng thí nghiệm, làm việc với giáo sư để tìm nghiên cứu phù hợp. Cuối cùng, anh tham gia nghiên cứu quá trình sinh tổng hợp của một loại thuốc kháng sinh mới cùng người hướng dẫn là GS Kenichi Yokoyama.
Bách cho biết, kháng kháng sinh trở thành vấn đề nghiêm trọng trong y học, bởi khi vi khuẩn đã quen với một loại kháng sinh thì sẽ sản sinh kháng thể, khiến việc điều trị giảm hiệu quả.
Năm 2019, GS Kim Lewis, Đại học Northeastern, Mỹ, tìm ra darobactin – chất có thể tiêu diệt nhiều vi khuẩn, được đánh giá có tiềm năng để trở thành thuốc kháng sinh mới. Từ tháng 6/2022, Bách cùng GS Yokoyama quyết định nghiên cứu về cơ chế darobactin được tạo ra, nhằm tìm cách điều chế và phát triển chất này.
Dựa vào công cụ phân tích tin sinh học, Bách tìm ra rằng darobactin được tạo ra trong tự nhiên bởi enzym DarE. Một trong những trở ngại khi nghiên cứu về DarE là enzym này kỵ khí oxy, nên việc tinh chế và phát triển thí nghiệm với DarE phải thực hiện trong buồng khí quyển nito.
Vì sự nhạy cảm của enzym cùng điều kiện thí nghiệm đắt đỏ, không nhiều nhà khoa học trên thế giới có thể nghiên cứu về nó. Việc này khiến tài liệu về DarE không phong phú, Bách gần như phải tự làm mọi thứ mà không thể kế thừa các kết quả nghiên cứu đã có.
Sau khoảng một năm theo đuổi dự án, tín hiệu tích cực đầu tiên đến với Bách là tinh chế thành công enzym DarE, có hiểu biết bước đầu về cơ chế hoạt động của nó.
“Tôi thấy may mắn vì những số liệu đầu tiên của nghiên cứu không quá lệch với dự đoán của mình. Nhiều người làm tới năm 2-3 mới phát hiện hướng nghiên cứu không phù hợp, phải chuyển hướng nên sẽ mất thời gian nhiều hơn”, Bách chia sẻ.
Tháng 9/2023, chàng trai Việt quyết định dự giải thưởng AHA. Hồ sơ gồm thông tin cá nhân, bản thảo đề tài nghiên cứu, định hướng nghiên cứu tương lai, bảng điểm, ba thư giới thiệu, kế hoạch đào tạo đến từ giáo sư hướng dẫn. Điểm khó trong quy trình dự AHA là nghiên cứu sinh không được trực tiếp đăng ký, mà phải được đại học xét duyệt, rồi trường gửi hồ sơ.
Trong tài liệu gửi tới Hiệp hội Tim mạch Mỹ, GS Yokoyama khẳng định Bách là học trò giỏi nhất mà ông từng hướng dẫn. Ông cho biết chỉ sau vài tháng nghiên cứu, Bách đã có thể mô tả và chứng minh tính khả thi của dự án, trong khi thông thường một nghiên cứu sinh phải mất vài năm cho những dự đoán tương tự.
Ngoài AHA, trong năm 2023, Bách còn nhận được tài trợ của trường Y khoa, Đại học Duke, và giải thưởng nghiên cứu sinh của Trung tâm Nghiên cứu y học tiến hóa, đều nhờ những dấu ấn trong hoạt động nghiên cứu.
Dành nhiều thời gian cho nghiên cứu, song Bách không phải tuýp “mọt sách”. GS Yokoyama cho biết Bách giao tiếp giỏi, thường có những bài thuyết trình xuất sắc. Anh cũng hòa đồng với các nghiên cứu sinh khác ở phòng thí nghiệm.
“Nhìn chung, Bách thông minh, sở hữu tài năng rất hứa hẹn để trở thành người dẫn đầu của thế hệ tiếp theo trong lĩnh vực nghiên cứu các quá trình chuyển hóa của vi sinh vật”, ông Yokohama cho biết.
Bách cho biết mục tiêu trước mắt là có đủ số liệu, minh chứng để giải thích được quá trình tạo ra darobactin, từ đó tạo ra được thư viện chất để thử nghiệm lâm sàng trên động vật.
Về công việc sau tốt nghiệp, anh cho rằng làm ở doanh nghiệp hay trong môi trường học thuật đều được, miễn là được tiếp tục nghiên cứu.
“Tôi luôn tò mò về tự nhiên, đặc biệt là các phản ứng hóa học và quá trình xảy ra bên trong đó. Chuyện nghiên cứu nghe có vẻ nhàm chán, vì có khi cần 10-20 năm, thậm chí cả đời để theo đuổi một dự án, nhưng mỗi ngày sẽ có những bước phát triển mới, tôi cũng học được kiến thức mới”, Bách nói.
Thanh Hằng