Chủ nhân hai tấm huy chương vàng Olympic Vật lý giành học bổng toàn phần trị giá 9,3 tỷ đồng, được MIT đánh giá thuộc nhóm “ứng viên cạnh tranh nhất lịch sử”.
Võ Hoàng Hải, lớp 12 chuyên Lý, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, giành học bổng toàn phần của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) hôm 22/3.
“Em nhận học bổng trên 9,3 tỷ đồng”, Hải chia sẻ tại một hội thảo du học chiều 24/3.
MIT hiện là đại học tốt nhất thế giới, theo bảng xếp hạng QS. Trường nổi tiếng về nghiên cứu và đào tạo STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán).
Trong thư thông báo trúng tuyển, đại diện MIT viết: “Bạn là một trong những học sinh nổi bật và có tiềm năng nhất, nằm trong nhóm ứng viên cạnh tranh nhất lịch sử của học viện”. Ngôi trường này đã hơn 160 tuổi.
Hải cho hay nộp vào ngành Vật lý của MIT ở kỳ tuyển sinh sớm, thường biết kết quả vào cuối tháng 12/2023. Tuy nhiên, hồ sơ vào diện “defer” (xem xét) nên hôm 15/3, Hải mới nhận được kết quả.
“Em từng mông lung khi bị trả kết quả muộn nhưng cuối cùng, mọi nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng”, Hải nói.
Hải là chủ nhân của hai huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế (IPhO), là học sinh lớp 10 đầu tiên của Việt Nam giành được thành tích này. Ngoài ra, Hải đạt điểm trung bình học tập 9.9, IELTS 8.0 và SAT 1570/1600 điểm.
Chàng trai vàng Vật lý mơ ước trở thành sinh viên MIT sau chuyến tham quan thành phố Boston, bang Massachusetts, năm 2015, hồi lớp 4. Chuyến đi đưa Hải tới thăm nhiều đại học, trong đó có MIT. Tại một tiệm đồ lưu niệm gần trường, Hải đã mua chú tôm hùm bằng bông màu đỏ, thêu chữ Boston.
“Món đồ chơi ấy đã cùng em đi khắp nơi, nhắc nhở em về mơ ước đến MIT học Vật lý”, Hải kể. “Tôm hùm bông còn đồng hành với em trong các hoạt động ngoại khóa khi làm hồ sơ du học”.
Hải bắt tay làm hồ sơ vào tháng 7/2023. Nam sinh thừa nhận là người hướng nội và ít giao tiếp nên gặp khó khi viết luận. Ngoài ra, dù sử dụng tiếng Anh để học và nghe giảng, nam sinh ít thực hành kỹ năng Viết.
“Em gặp khó khăn khi diễn đạt ý tưởng. Nhờ các cố vấn hướng dẫn chủ đề hợp lý, em hoàn thành bài luận trong khoảng ba tháng”, Hải nhớ lại.
Theo Hải, MIT yêu cầu 5 bài luận. Mỗi bài dưới 250 từ nên Hải phải cố gắng kể câu chuyện ngắn gọn, thể hiện bản thân qua những trải nghiệm và bài học có được.
Trong đó, bài luận đầu tiên 100 từ hỏi ứng viên lý do chọn ngành. Bài luận thứ ba về sự tác động của những cơ hội trải nghiệm trong cuộc sống đến ước mơ và khát vọng của thí sinh. Nam sinh nhìn nhận mình đã có các thành tích nổi bật, do đó bài luận sẽ không chú tâm kể về các cuộc thi, mà tập trung vào hành trình theo đuổi môn Vật lý.
Hải cho biết từ nhỏ đã thích đọc những sách về khoa học, thiên văn hay tự nhiên xã hội. Năm cấp 2, Hải bắt đầu chú tâm hơn vào môn Vật lý ở trường, thích thí nghiệm, quan sát những hiện tượng tự nhiên. Vào THPT, Hải được tham gia các giải đấu lớn, có cơ hội gặp gỡ, so tài cùng các bạn khắp thế giới.
“Tình yêu với môn Vật lý không phải một sớm một chiều. Nó được tích lũy qua nhiều năm, giúp em trở thành con người như hiện nay”, Hải giải thích.
Ở bài luận thứ hai, trường hỏi về một hoạt động mà Hải làm chỉ vì thích. Hải kể về việc tập luyện Karate giúp em thư giãn sau những giờ học căng thẳng. Nhờ tập môn võ này, Hải cũng có thêm nhiều bạn mới.
Trong bài luận thứ tư về trải nghiệm hợp tác với người khác, với khoảng 200 từ, Hải chia sẻ việc đi học nhạc với mong muốn phổ nhạc cho bài thơ của mẹ. Nhờ đó, Hải học được cách bộc lộ cảm xúc qua những nhịp điệu.
Bài luận cuối cùng hỏi về cách xử lý nếu gặp thử thách bất ngờ, nam sinh nhắc đến câu lạc bộ khoa học kỹ thuật ATEC dành cho học sinh ở Hà Nội. Hải nói trước đây em giống “mọt sách”, chỉ dành thời gian cho học. Khi làm chủ nhiệm ATEC, em gặp nhiều khó khăn nhưng dần dần biết cách quản lý, phối hợp công việc.
Ngoài bài luận, Hải cũng chăm chút cho hoạt động ngoại khóa. Hải cho rằng nếu chạy theo số lượng sẽ không có màu sắc cá nhân, nên chỉ tập trung vào hai dự án là Quỹ học bổng “Tôm đi học” và ATEC.
“Em muốn không chỉ học giỏi, hiểu biết khoa học mà còn ứng dụng được những thứ đó để giúp đỡ người xung quanh”, Hải chia sẻ.
Quỹ học bổng “Tôm đi học” được Hải thành lập đầu năm 2023, vài tháng sau khi tham dự IPhO và nhận nhiều phần thưởng. Từng tiếp xúc với nhiều bạn học tốt nhưng hoàn cảnh khó khăn, Hải tự hỏi tại sao không tạo cơ hội để họ theo đuổi đam mê, thể hiện tài năng để sau này đóng góp cho xã hội.
Hải dùng hình ảnh chú tôm nhồi bông làm biểu tượng cho quỹ học bổng bởi nó thể hiện cho ước mơ tới MIT của em. Học bổng là những khoản tiền thưởng của Hải, cùng sự đóng góp từ gia đình và người thân. Cuối năm ngoái, Hải hỗ trợ được khoảng 50 học sinh tiểu học và THCS ở Tương Dương, Nghệ An, sách giáo khoa, vở, bút và 50% học phí.
Với câu lạc bộ ATEC, năm qua, Hải cùng các bạn thực hiện dự án công nghệ hỗ trợ cho người khuyết tật ở tay. Hình ảnh chú tôm hùm tiếp tục xuất hiện ở ATEC, với ý nghĩa kiên trì theo đuổi ước mơ.
Ông Trần Đắc Minh Trung, Phó tổng giám đốc American Study, cho biết MIT là trường cạnh tranh bậc nhất, tỷ lệ sinh viên quốc tế trúng tuyển chỉ khoảng 2%. Để vào được MIT, học sinh phải xuất sắc cả về học thuật, các yếu tố văn hóa gia đình, nền tảng đạo đức và xã hội.
“Hồ sơ của Hải mạnh cả ba điểm này”, ông nhận xét. “Hải có màu sắc MIT rất rõ: nhà khoa học nhưng vẫn thú vị qua hình ảnh Tôm đi học và lãng mạn qua việc phổ nhạc cho thơ”.
Tháng 8 tới, Hải sẽ sang Mỹ nhập học. Nam sinh mong theo đuổi con đường nghiên cứu sau khi tốt nghiệp, tiếp tục phát triển quỹ học bổng để giúp đỡ nhiều học sinh nghèo hơn nữa.
Bình Minh