Stockton Rush lập công ty thám hiểm đáy biển OceanGate Expeditions vì tin rằng đây sẽ là nơi con người sinh sống sau này, chứ không phải Sao Hỏa.
Stockton Rush – CEO hãng cung cấp dịch vụ thám hiểm đáy biển OceanGate Expeditions – là một trong 5 người có mặt trên chiếc tàu lặn mất tích trên Đại Tây Dương ngày 18/6. Con tàu này có tên Titan, do OceanGate vận hành và đang thực hiện tour tham quan xác tàu Titanic.
Rush thành lập OceanGate năm 2009, đặt trụ sở tại Washington (Mỹ). Ông biến đam mê khám phá đáy đại dương thành mô hình kinh doanh vì nhận ra nơi này dễ tiếp cận hơn nhiều so với vũ trụ. Rush muốn thực hiện điều tương tự các tỷ phú công nghệ Jeff Bezos và Elon Musk đang làm với hàng không vũ trụ.
“Một trong những lý do tôi lập công ty là không hiểu tại sao chúng ta phải chi số tiền gấp 1.000 lần để khám phá vũ trụ, trong khi có thể thám hiểm các đại dương. Đại dương không phải của riêng ai cả và còn rất nhiều thứ để khám phá”, ông cho biết trong một hội thảo tổ chức tại Seattle năm ngoái.
Năm 2021, Rush cũng khẳng định nếu sau này không thể sống trên bề mặt Trái Đất, “tương lai của con người sẽ là ở dưới nước, chứ không phải trên Sao Hỏa”.
OceanGate bắt đầu mở tour du lịch ngắm xác tàu Titanic với chi phí khoảng 250.000 USD mỗi người từ năm 2020. Năm 2021, Rush hoàn thành chuyến lặn tham quan xác tàu Titanic đầu tiên. “Cũng như du lịch vũ trụ, chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội giúp người giàu tiếp cận con tàu đắm”, ông cho biết trong một chương trình radio tại Detroit khi đó. Năm 2022, tàu Titan đã thực hiện 10 chuyến lặn như vậy trong vòng vài tuần.
Du lịch mạo hiểm được đánh giá là ngành kinh doanh rủi ro cao, nhưng lợi nhuận hấp dẫn. Chỉ cần có đủ tiền, du khách có thể lên đỉnh Everest, vào vũ trụ hay lặn xuống đáy đại dương. “Tiền không phải là vấn đề với giới siêu giàu. Họ quan tâm đến trải nghiệm hơn. Họ muốn có thứ gì đó mình không bao giờ quên được”, Nick D’Annunzio – Giám đốc hãng truyền thông TARA cho biết trên CNN.
Suốt nhiều năm, kỹ sư kiêm nhà thám hiểm 61 tuổi này vừa giúp thế giới tìm hiểu về đáy đại dương, vừa kiếm nguồn thu từ những du khách giàu có. Dù vậy, Rush nói công ty vẫn chưa có lãi, vì nhiên liệu đắt đỏ và nhiều chi phí khác ở mức cao.
Trong một bài phỏng vấn trên New York Times năm 2022, ông giải thích: “Với những ai nghĩ rằng giá 250.000 USD đắt đỏ, thì con số này chỉ bằng một phần chi phí lên vũ trụ mà thôi. Chúng tôi cũng tốn rất nhiều tiền để có tàu lặn và đi xuống đó. Có nhiều người không thích cho người khác kiếm tiền. Nhưng họ quên mất một thực tế, rằng đó chính là cách duy nhất để hoàn thành mọi việc trong thế giới này”.
Sinh ra trong một gia đình giàu có ở San Francisco, Rush học kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Đại học Princeton. Sau đó, ông lấy bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học California ở Berkeley.
Đam mê thám hiểm của Rush xuất hiện từ rất sớm. Ở tuổi 14, ông đã có giấy chứng nhận thợ lặn. Năm 19 tuổi, ông trở thành phi công vận tải phản lực trẻ nhất thế giới, theo thông tin trên website OceanGate. Ông cũng bay vòng quanh thế giới khi làm việc cho Saudi Arabian Airlines và sau đó làm kỹ sư thử nghiệm bay.
“Ông ấy sống cuộc sống mà bất kỳ cậu bé nào cũng mong muốn. Tôi cảm giác như mình đang làm việc với Henry Ford vậy”, Reiss cho biết trên WSJ.
Rush nuôi dưỡng ước mơ du lịch vũ trụ suốt nhiều năm và muốn làm hành khách trên một chuyến bay thương mại vào không gian. Nhưng năm 2004, ông thay đổi ý định khi tỷ phú Anh Richard Branson đưa nhóm hành khách đầu tiên vào vũ trụ.
“Tôi nhận ra đây không phải tất cả những gì mình muốn làm. Tôi không muốn vào vũ trụ với vai trò một hành khách. Tôi muốn là thuyền trưởng và thám hiểm”, ông cho biết trên tạp chí Smithsonian năm 2019.
Khi thành lập OceanGate năm 2009, Rush cho biết công ty này đã mua một tàu lặn du lịch ở New Zealand. Năm 2015, họ ra mắt một tàu lặn có thể xuống sâu 490m. Sau đó, tàu Titan xuất hiện, có khả năng chạm tới độ sâu 4.000m, đủ để tiếp cận xác tàu Titanic.
Rush cho biết cũng như việc thám hiểm vũ trụ, lặn xuống đáy biển cũng có nhiều thách thức lớn, như việc thân tàu phải chịu được sức ép lớn. “Đây là một thách thức về kỹ thuật. Nhưng một khi đã làm được, tôi nghĩ rủi ro đã giảm đi đáng kể. Dĩ nhiên là ngày nay, không có điều gì là không rủi ro hết”, ông cho biết trong chương trình tại Detroit năm 2021.
Rush từng phải hủy một chuyến thăm xác tàu Titanic hồi năm 2018, khi tàu lặn của ông bị sét đánh trúng, khiến hệ thống điện hư hỏng. Chuyến đi năm 2019 cũng bất thành vì tàu mẹ dùng để đưa đón khách tham quan và tàu lặn gặp trục trặc.
OceanGate cũng đối mặt với nhiều phàn nàn trong ngành công nghiệp tàu lặn, khi bỏ qua việc xác minh độc lập tính an toàn của Titan. Năm 2018, Hiệp hội Công nghệ Tàu biển gửi thư cho OceanGate cảnh báo quyết định của công ty này có thể gây ra sai sót mang tính thảm họa. Will Kohnen – Chủ tịch hiệp hội cho biết phần lớn các hãng sản xuất tàu lặn đều thuê bên thứ ba kiểm tra để đảm bảo sự thống nhất giữa thiết kế và sản xuất.
Năm 2019, OceanGate cho biết quá trình này không đủ đảm bảo sự an toàn, một phần vì công ty điều hành tàu lặn chưa chắc đã tuân thủ đúng quy trình. Kohnen cũng nói rằng sau khi nhận thư, Rush còn nói với ông quá trình trên sẽ kiềm chế sự sáng tạo.
Rush luôn nhấn mạnh sự đột phá của công ty. “Nếu không phá vỡ mọi thứ, anh sẽ không thể sáng tạo”, ông nói trong một hội nghị năm ngoái.
Ông cũng cho biết sẵn sàng bỏ thiết kế mà mình thấy lo ngại. Nếu trong lần lặn thử thứ hai mà các âm thanh nứt, vỡ không giảm bớt, “chúng tôi sẽ bỏ nó đi, làm lại từ đầu, đóng một chiếc khác”.
“Stockton rất tự hào về thiết kế tàu lặn của ông ấy”, Joseph Wortman, người tham gia chuyến lặn ngắm xác Titanic năm 2021 trên tàu Titan, cho biết. Rush từng đi vòng quanh nước Mỹ bằng tàu Titan, để thu hút sự chú ý với các chuyến thám hiểm đáy biển.
Trong cuộc phỏng vấn với CBS tháng 12/2022, ông nói rằng dù OceanGate tuân thủ các quy định an toàn ngặt nghèo, “việc này luôn có hạn chế”. “Nếu anh muốn an toàn, đừng ra khỏi giường, đừng ra khỏi xe, đừng làm gì cả. Ở một góc độ nào đó, bạn chấp nhận rủi ro để có phần thưởng”, ông giải thích.
Một số hành khách trên các chuyến thám hiểm trước của OceanGate cho biết sự cẩn thận của Rush khiến họ yên tâm, thậm chí ký giấy miễn trừ trách nhiệm nếu tử vong trong chuyến đi. “Tôi chưa bao giờ gặp người nào chú ý đến chi tiết như vậy. Tôi có niềm tin vào ông ấy”, Mike Reiss, một trong các tác giả của series hoạt hình nổi tiếng Gia đình Simpson, cho biết khi tham gia chuyến lặn biển trên tàu Titan năm ngoái.
Craig Sopin – nhân viên Titanic International Society, hiệp hội chuyên nghiên cứu Titanic, cho rằng dù không phải là người nghĩ ra ý tưởng tham quan Titanic, Rush đã góp phần mở rộng điểm du lịch này. “Ông ấy muốn cả thế giới có thể nhìn thấy Titanic”, Sopin nói.
Nhà làm phim David Waud đã cùng Rush tham quan tàu Titanic năm 2021. Ông mô tả Rush là người có tầm nhìn. Rush tìm thấy niềm vui khi xuống tới đáy đại dương và muốn chia sẻ trải nghiệm với những người khác.
“Khi quay lên bờ, ông ấy thường ngả ra sau và ngủ. Nhưng trên đường xuống, ông ấy nói chuyện với tất cả chúng tôi vì mọi người đều rất hào hứng”, Waud nói.
Hà Thu (theo WSJ)