Cầu lửa rơi xuống bang Tây Australia khiến bầu trời đêm sáng rực và thu hút nhiều người quan sát.
Camera hành trình và nhiều đài quan sát ở Tây Australia ghi lại hình ảnh quả cầu lửa bốc cháy màu xanh lá cây – xanh dương lao ngang qua bầu trời hôm 22/11, vào khoảng 20h50 tối theo giờ địa phương. Theo Đài quan sát Perth, rất nhiều người dân chứng kiến khoảnh khắc cầu lửa rơi xuống ở khu vực tây nam bang Tây Australia.
Cầu lửa kiểu này thường gây ra bởi thiên thạch và lớn hơn trung bình. Chúng còn được gọi là đạn lửa (bolide), đi kèm với chớp sáng chói mắt do lượng nhiệt cực lớn sinh ra từ ma sát với khí quyển. Màu xanh lá cây của cầu lửa có thể là kết quả từ sắt trong thiên thạch.
Một số người dân suy đoán thiên thạch trên có thể là vật thể lớn trong mưa sao băng Leonid, đạt đỉnh hôm 24/11. The Leonid là mưa sao băng hàng năm diễn ra khi Trái Đất di chuyển qua băng và đá sót lại từ một sao chổi quay quanh Mặt Trời theo quỹ đạo 33 năm. Theo Samantha Rolfe, trợ giảng ở Đại học Hertfordshire, Anh, Leonid là một trong những đợt mưa sao băng thường xuyên và dễ dự đoán xuất hiện trong năm. Đám mây bụi mà Trái Đất đi qua hình thành do sao chổi Temple-Tuttle bị nóng lên ở vành trong hệ Mặt Trời, giải phóng khí gas đẩy những hạt đá nhỏ.
Do Trái Đất di chuyển ngang qua phần quỹ đạo giao cắt với vệt bụi của sao chổi Temple-Tuttle, đá và băng rơi qua khí quyển hành tinh, Rolfe giải thích. Chúng thường nhỏ như hạt cát và trở thành thiên thạch khi tương tác với khí quyển Trái Đất. Chúng bốc hơi và tạo ra chớp sáng kéo dài khoảng một giây, gọi là sao băng.
Tuy nhiên, có thể thiên thạch rơi xuống Tây Australia chỉ là một vật thể bay lạc không liên quan tới mưa sao băng Leonid. Mạng lưới cầu lửa sa mạc của Đại học Curtin đang tìm cách xác định nơi thiên thạch rơi xuống, sử dụng đường bay của nó qua bầu trời. Nếu khối đá ban đầu khá lớn, dài hơn 50 – 100 m, nhiều khả năng nó có thể duy trì phần lớn tốc độ và tồn tại sau hành trình trong khí quyển, theo Annemarie E. Pickersgill, nhà khoa học nghiên cứu va chạm thiên thạch ở Đại học Glasgow, Scotland, cho biết.
An Khang (Theo Newsweek)