Cầu Nhơn Trạch nằm trên tuyến Vành đai 3, nối TP HCM với Đồng Nai, nguy cơ khó hoàn thành tháng 9/2025 như kế hoạch do địa phương chậm giao mặt bằng.
Cây cầu bắc qua sông Đồng Nai, dài hơn hai km, rộng 19,5 m, là hạng mục chính của dự án thành phần 1A, thuộc Vành đai 3 TP HCM. Gói thầu còn lại xây dựng đường dẫn ở hai đầu cầu, bao gồm các nút giao với tổng chiều dài 5,6 km. Khởi công tháng 9 năm ngoái, công trình dự kiến hoàn thành sau ba năm.
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), sau 9 tháng khởi công, gói thầu cầu Nhơn Trạch hiện đạt hơn 32%, vượt tiến độ so với hợp đồng nhà thầu đã ký. Tuy nhiên, công trình đang bị ảnh hưởng bởi giải phóng mặt bằng ở huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) chậm trễ. Hiện, toàn bộ diện tích làm dự án phía TP HCM đã được giao, trong khi ở Đồng Nai mới có hơn 1,3 km mặt bằng trên tổng số 6,3 km được bàn giao (đạt hơn 21%).
“So với kế hoạch, giải phóng mặt bằng cho dự án ở Đồng Nai đã chậm khoảng 6 tháng”, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận nói. Hiện nhà thầu huy động toàn bộ lực lượng, chia nhiều mũi thi công ngày đêm, ban quản lý dự án mong địa phương sớm hoàn tất giao mặt bằng để dự án đẩy nhanh tiến độ.
Thiếu mặt bằng cũng khiến các nhà thầu lo ảnh hưởng thời gian hoàn thành công trình. Trong thư mới gửi chủ đầu tư, đại diện tổng thầu thi công cầu Nhơn Trạch là Công ty Kumho Engineering & Construction Co., Ltd (Hàn Quốc), cho biết gói thầu này khối lượng xây lắp rất lớn, yêu cầu chất lượng và kỹ thuật cao. Với việc phải hoàn thành trong thời gian ngắn, tiến độ công trình trước đó được các bên đưa ra với điều kiện mặt bằng cả phía Đồng Nai và TP HCM cần sớm thu hồi, bàn giao từ tháng 9/2022.
Tuy vậy phần diện tích bên phía Đồng Nai đến nay chưa hoàn tất bàn giao làm nhà thầu Hàn Quốc lo ngại công trình khó về đích đúng hẹn. Đơn vị này cho biết sẽ không chịu trách nhiệm nếu tiến độ thi công kéo dài do giải phóng mặt bằng chậm trễ.
Không chỉ tổng thầu Kumho, nhà thầu phụ ở dự án là Công ty Cicenco 525 cũng chưa có mặt bằng thi công. Thời gian qua đơn vị phải thuê đất người dân, doanh nghiệp làm công trường, tập kết máy móc, thiết bị… Ngoài tốn thêm chi phí, việc thi công cũng khó khăn bởi các hợp đồng thuê đất không cho phép xây dựng kết cấu chính của cầu Nhơn Trạch khi chưa xong đền bù. Đơn vị này đang kiến nghị tổng thầu cùng chủ đầu tư sớm giải quyết.
Theo UBND huyện Nhơn Trạch, tổng diện tích đất thu hồi làm dự án 1A trên địa bàn hơn 49 ha với 468 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó địa phương đã chi đền bù cho 49 hộ với khoảng 7,5 ha. Vướng mắc chính khiến giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại gặp khó liên quan đến việc xác định đơn giá đất. Địa phương đang phối hợp tư vấn lập chứng thư thẩm định giá đất để đẩy nhanh các thủ tục phê duyệt, đảm bảo lợi ích cho người dân.
Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Nhơn Trạch cho hay trong số hộ dân liên quan dự án có khoảng 218 trường hợp cần bố trí tái định cư và hiện địa phương đã chuẩn bị xong. Ngoài ra, hồ sơ bồi thường, hỗ trợ cho tất cả hộ dân đã hoàn thành. Do vậy, việc xác định giá đất cụ thể và phương án bồi thường được duyệt sẽ đẩy nhanh thu hồi, giao đất cho dự án, dự kiến vào tháng 9 năm nay.
Liên quan vấn đề trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đã chỉ đạo các sở ngành hỗ trợ Nhơn Trạch sớm xác định giá đất. Đồng thời, huyện này cần hoàn chỉnh chứng thư thẩm định giá trình các Sở Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, báo cáo kết quả cho chính quyền tỉnh trước ngày 30/6.
Ngoài ra, để hạn chế ảnh hưởng tiến độ thi công, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát những khu vực cần ưu tiên mặt bằng, tập trung vận động để người dân bàn giao trước. “Sau khi có phương án bồi thường, những mặt bằng này cần ưu tiên giải toả để giao cho chủ đầu tư, nhà thầu”, ông Đức nói.
Dự án thành phần 1A tổng chiều dài 8,7 km, kết nối tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây (TP HCM). Giai đoạn một, tuyến được xây dựng rộng 20-26 m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Kinh phí đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam.
Ngoài dự án 1A, phần còn lại chưa khép kín của Vành đai 3 dài hơn 76 km, tổng vốn gần 75.400 tỷ đồng do 4 địa phương: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An thực hiện. Tuyến đường khởi công tháng 6 năm nay, dự kiến hoàn thành sau ba năm, ngoài kết nối giao thông liên vùng còn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội Vùng trọng điểm phía Nam.
Phước Tuấn – Gia Minh