(Dân trí) – Theo PGS Nguyễn Mạnh Hà, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ đang trong tiến trình phát triển mạnh mẽ. Điều này sẽ còn được củng cố sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 10-11/9 sắp tới.
Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 10 năm Việt Nam – Mỹ quan hệ đối tác toàn diện. Đây cũng là giai đoạn cho thấy sự hợp tác mạnh mẽ của hai nước, kể từ khi bình thường hóa quan hệ (1995) đến nay.
Theo dõi tiến trình phát triển quan hệ và hợp tác giữa hai nước những năm qua, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, cho biết ông tin tưởng vào sự nâng cấp trong quan hệ Việt – Mỹ dưới thời của Tổng thống Joe Biden.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân Trí, ông Hà nhấn mạnh về ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp tới, cũng như những thành quả hai bên đã đạt được trong 10 năm qua.
Tổng thống Biden muốn thể hiện cam kết với Việt Nam
Trước hết, ông đánh giá thế nào về ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ diễn ra vào ngày 10-11/9 sắp tới?
– Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden mới được thông báo và chúng ta chưa rõ nội dung làm việc cụ thể. Nhưng đây là lần thứ 5, các Tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam trong khi đương nhiệm, kể từ năm 2000 đến nay.
Tôi cho rằng điều đó chứng tỏ vị thế của Việt Nam dưới góc nhìn của Mỹ ngày càng tăng và có tầm quan trọng trong khu vực, không chỉ về kinh tế mà còn ở tất cả lĩnh vực khác. Rõ ràng, đây là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Ảnh: VOV).
Nếu tính từ năm 1995 là thời điểm hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao, đến nay đã gần 30 năm. Năm 2023 cũng đánh dấu kỷ niệm 10 năm Việt Nam – Mỹ nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện. Không chỉ từ phía Việt Nam, kể cả từ phía Mỹ cũng phải khẳng định rằng, chưa bao giờ quan hệ giữa hai nước phát triển như hiện nay.
Đây cũng là điều rất đặc biệt, vì hai bên có sự khác biệt về thể chế chính trị nhưng Tổng thống Mỹ vẫn tiếp đón Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự khác biệt này cho thấy Mỹ rất coi trọng quan hệ với Việt Nam.
Nhiều lần, cả lãnh đạo Việt Nam và Mỹ nói đến việc tôn trọng sự lựa chọn chế độ, thể chế chính trị, con đường phát triển của mỗi nước. Với riêng chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, tôi được biết sắp tới, ông dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ và sẽ bay sang Việt Nam ngay sau đó, chứ không dự tiếp hội nghị thượng đỉnh Mỹ – ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Sau đó, ông sẽ về Mỹ để dự lễ tưởng niệm 22 năm sự kiện 11/9/2001.
Rõ ràng, mặc dù chưa biết cụ thể nội dung bàn thảo của Mỹ và Việt Nam trong chuyến thăm tới nhưng ít nhất, ông Biden có mong muốn đáp lại lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông cũng muốn thể hiện cam kết xây dựng mối quan hệ với Việt Nam ổn định, lâu dài và toàn diện.
Những yếu tố thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ phát triển
Chuyến thăm của Tổng thống Biden diễn ra vào năm 2023, đánh dấu kỷ niệm 10 năm Việt – Mỹ nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện. Trong 10 năm qua, ông đánh giá thế nào về thành quả hợp tác giữa hai nước?
– Theo số liệu tôi nắm được, kể từ khi Mỹ và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2022, thương mại song phương đã đạt đến con số gần 124 tỷ USD.
Ngược lại, Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia có tỷ trọng thương mại lớn của Mỹ. Các con số trên cho thấy Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thương mại của Mỹ, trong khi đây là thị trường khó tính, có yêu cầu cao đối với hàng nhập khẩu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay ông Joe Biden khi đó là Phó tổng thống Mỹ, trong chuyến thăm Mỹ năm 2015 (Ảnh: Bộ Ngoại giao).
Ngoài kinh tế, độ tin cậy của Việt Nam và Mỹ cũng tăng dần thông qua các hoạt động hợp tác tìm quân nhân mất tích, tẩy rửa đất đai bị nhiễm dioxin. Gần đây, hoạt động hợp tác tìm bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh cũng được phía Mỹ quan tâm. Chính phía Mỹ đã chủ động xây dựng đề án và sang Việt Nam ký kết để phối hợp thực hiện tìm kiếm.
Trong các hoạt động nhân đạo khác hoặc về an ninh phi truyền thống, Mỹ cũng có đóng góp lớn. Đặc biệt trong hợp tác quân sự. Năm 2016 đánh dấu sự kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama ký bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Đây là điều quan trọng, giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn mua sắm vũ khí.
Thời gian gần đây, chúng ta cũng chứng kiến nhiều lần tàu sân bay, tàu chiến của Mỹ đến thăm Việt Nam. Mỹ cũng thể hiện cam kết xây dựng khu vực Biển Đông – châu Á Thái Bình Dương là khu vực tự do, rộng mở, trong đó đã thực hiện những chuyến tuần tra để giữ gìn tự do an ninh, hàng hải trên Biển Đông.
Về hợp tác giáo dục, Việt Nam đứng thứ 5-6 các nước có nhiều học sinh đang học ở Mỹ với khoảng 30.000 người.
Kể ra một số lĩnh vực như vậy để thấy rằng quan hệ Việt – Mỹ đã phát triển rất nhanh. Trước đây, hai bên là từng là cựu thù, nhưng sau đó đã đi tới nhất trí rằng cần gác lại quá khứ để hướng tới xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn.
Khi tôi tham gia các chuyến công tác ở Mỹ, qua tiếp xúc, phía Mỹ cũng nhìn nhận rằng lịch sử quan hệ hai nước đã trải qua một chương rất bi thảm. Nhưng lịch sử thì không thể thay đổi. Vì vậy, cách để sửa chữa những lỗi lầm là phải học các bài học từ lịch sử để hiểu biết lẫn nhau, từ đó xây dựng lòng tin với nhau, cùng hợp tác, phát triển, cùng có lợi.
Tóm lại, tôi cho rằng quan hệ Việt Nam và Mỹ đã phát triển trên nhiều lĩnh vực, khá toàn diện và có những lĩnh vực mới như biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, an ninh lương thực, chuỗi cung ứng…. Chuyến thăm của các Tổng thống Mỹ sang Việt Nam là minh chứng tiếp tục các mối quan hệ hợp tác đó.
Như ông đã nói, quan hệ hai bên Việt Nam và Mỹ đang có sự phát triển mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Theo ông, yếu tố nào thúc đẩy sự phát triển đó?
– Tôi cho rằng trước hết là do ý muốn của cả hai phía, trong đó cơ sở quan trọng là đường lối đối ngoại của Việt Nam. Từ năm 1986, Việt Nam xác định không thể để tiếp tục tình trạng bị bao vây, cấm vận, mà phải mở cửa, hội nhập để phát triển, nhưng vẫn giữ được bản sắc, độc lập tự chủ.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thi hành đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, trên cơ sở cùng có lợi, bình đẳng, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, chứ không phải quan hệ “kẻ cho người hưởng”. Đó là cơ sở cho hợp tác lâu dài.
Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài diễn thuyết trước các “thủ lĩnh” trẻ của Việt Nam. (Ảnh: Công Quang)
Thứ hai, xuất phát từ việc xây dựng lòng tin. Hai bên đã tuyên bố rõ quan điểm của nhau về thể chế phát triển. Mỹ nhiều lần khẳng định tôn trọng đường lối của Việt Nam và sẵn sàng hợp tác để cùng phát triển.
Ngay trong Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013 giữa Việt Nam và Mỹ đã xác định những nguyên tắc cơ bản trong mối quan hệ giữa hai nước là: Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; Tôn trọng thể chế chính trị của nhau; Tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hiệp quốc.
Mỹ tuyên bố cam kết ủng hộ một nước Việt Nam phát triển thịnh vượng, độc lập và mạnh mẽ. Đây là điều rất quan trọng.
Kỳ vọng vào chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden
Dưới thời Tổng thống Joe Biden theo ông quan hệ giữa Việt Nam – Mỹ sẽ phát triển thế nào?
– Tôi cho rằng chúng ta có cơ sở để lạc quan. Tổng thống Joe Biden có nhiều kinh nghiệm về hoạt động đối ngoại, từng nhiều năm là Thượng nghị sĩ, rồi Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và Phó Tổng thống dưới thời của Tổng thống Barack Obama. Ông có quan điểm khá ôn hòa, chủ trương đối thoại, hợp tác hơn là đối đầu.
Với kinh nghiệm hoạt động chính trị và vai trò đứng đầu nước Mỹ, Tổng thống Joe Biden hiểu rõ cần thúc đẩy quan hệ ngoại giao, đề cao vai trò của Việt Nam trong khu vực, bên cạnh việc tiếp tục đa dạng hóa mối quan hệ với Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ…
Cuối tháng 6 vừa qua, tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN 76) – tàu chủ chốt của Nhóm tác chiến tàu sân bay 5 (CSG 5) của Hải quân Mỹ – đến Đà Nẵng (Ảnh: Tiến Tuấn).
Đương nhiên, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn có những khó khăn, thách thức cần vượt qua để thúc đẩy quan hệ hai bên phát triển hơn. Khó khăn đó đến từ sự khác biệt giữa hai nước về thể chế, đường lối.
Tôi cho rằng, hai bên cần đi theo phương châm “cầu đồng tồn dị”. Tức là, hướng tới những điểm tương đồng, phấn đấu ngày càng đi đến nhận thức chung, chấp nhận những khác biệt đang tồn tại để từng bước giải quyết.
Tiếp tục thực hiện phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, xác định độc lập chủ quyền là trên hết, là bất biến, còn những lĩnh vực, khía cạnh khác sẽ linh hoạt để thỏa thuận, ứng phó.
Ở trên ông có nhắc đến các con số là thành quả hợp tác về kinh tế giữa hai nước. Thời gian qua, chúng ta cũng chứng kiến sự gia tăng đầu tư của Việt Nam vào Mỹ, là điều chưa từng có trước đây. Theo ông, việc này thể hiện điều gì?
– Việc Việt Nam gia tăng đầu tư vào Mỹ thể hiện rằng Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu, trong đó có nền kinh tế Mỹ. Gần đây, chứng kiến làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Mỹ, có doanh nghiệp được niêm yết trên sàn chứng khoán của New York.
Điều này không đơn giản chút nào vì Mỹ có những quy định, tiêu chuẩn rất cao và chặt chẽ về vấn đề này đối với các doanh nghiệp niêm yết.
Ngoài ra, việc các tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam tham gia sân chơi lớn trên thị trường quốc tế thể hiện chủ trương của Việt Nam tạo điều kiện, khuyến khích kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác cùng phát triển chứ không chỉ tập trung vào các doanh nghiệp Nhà nước.
Cùng với đó, một điều đáng quan tâm là chuỗi cung ứng sản xuất chip, vi mạch điện tử đang có sự dịch chuyển sang Việt Nam. Theo đó, Mỹ coi Việt Nam là một nơi cung cấp, tham gia chuỗi cung ứng khi chúng ta có nhiều tiềm năng về lĩnh vực này.
Đó là những thành quả của sự hợp tác đôi bên cùng có lợi rất đáng ghi nhận.
Ngoài kinh tế, Mỹ cũng có những nỗ lực trong việc khắc phục hậu quả sau chiến tranh như thực hiện các đợt tẩy rửa dioxin ở sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa, rồi giúp vật chất, kỹ thuật để rà phá bom mìn…
Ngược lại, hoạt động tìm kiếm lính Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) đã và vẫn đang được Việt Nam thực hiện thể hiện rõ tính nhân đạo của Việt Nam mà không kèm theo bất kỳ điều kiện gì.
Trong khi số lượng lính Mỹ mất tích hiện còn chưa đến 2.000, thì con số này của Việt Nam là hơn 200.000 người. Mỹ có trách nhiệm đóng góp cùng Việt Nam trong việc này bằng Đề án phối hợp với Việt Nam tìm bộ đội Việt Nam mất tích do Đại học Harvard thực hiện.
Tôi được biết, phía Mỹ hiện lưu giữ khá nhiều tư liệu liên quan đến việc tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh.
Sau những thành quả hợp tác trên, ông kỳ vọng gì vào chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Joe Biden?
– Tôi cho rằng chuyến thăm Việt Nam của ông Biden có những mục tiêu cụ thể và có thể hai bên sẽ cân nhắc những thỏa thuận hướng đến nâng cấp quan hệ. Vì quan hệ Việt – Mỹ đang trong đường ray đi lên, dù có lực cản nhưng xu hướng chủ đạo vẫn là tiến lên.
Với quan hệ đối tác toàn diện đã thiết lập, hai bên sẽ ngồi tổng kết lại những điều đã đạt được và chưa đạt được, để tính đến bước tiếp theo là đẩy mạnh quan hệ theo hướng hai bên cùng có lợi.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế ngày càng phức tạp, nhất là với các tranh chấp trên biển, chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden trong giai đoạn này một lần nữa cho thấy sự quan tâm của chính quyền Mỹ trong quan hệ với Việt Nam.
Tôi tin tưởng rằng chuyến thăm sắp tới, hai bên sẽ đi đến thỏa thuận nâng tầm quan hệ hợp tác toàn diện trên tất cả lĩnh vực, không chỉ riêng kinh tế. Việc này giúp quan hệ hợp tác giữa hai bên phát triển, lợi ích của người dân được đảm bảo, góp phần ổn định hòa bình trong khu vực cũng như toàn thế giới.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!