TP HCMCầu vượt sông Soài Rạp nối huyện Cần Giờ qua Nhà Bè, tổng vốn 10.000 tỷ đồng dự kiến khởi công tháng 4/2025, phá thế độc đạo của bến phà hiện hữu đã quá tải.
Thông tin được Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Trần Quang Lâm đưa ra sáng 11/7, khi trả lời chất vấn đại biểu HĐND thành phố tại kỳ họp thứ 10, khoá X.
Trước đó, đại biểu Đoàn Thị Ngọc Cẩm cho biết cầu Cần Giờ được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và ghi vốn chuẩn bị đầu tư từ năm 2022. Đây là dự án trọng điểm để phát triển Cần Giờ, giúp hiện thực kế hoạch hướng ra biển của thành phố, được người dân mong chờ nhiều năm nay nên tiến độ hiện triển khai đến đâu.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Cần Giờ là địa phương có nhiều lợi thế phát triển giao thông xanh, du lịch, song yêu cầu đặt ra là hạ tầng phải đi trước vì nơi này còn nhiều hạn chế. Trong đó, cầu Cần Giờ là dự án quan trọng với quy mô lớn cần sớm đầu tư.
Ông Lâm cho biết trước đây, công trình được nghiên cứu với tổng vốn khoảng 10.000 tỷ đồng, đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng). Tuy nhiên, hình thức thanh toán bằng đất này đã dừng sau khi Luật PPP có hiệu lực nên thành phố tính toán đầu tư theo cách khác. Trong đó, các phương án làm cầu đang được tính toán là theo phương thức: BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao); BT (trả chậm bằng tiền), hoặc đầu tư công.
Hiện, chính quyền thành phố đã giao Sở Giao thông Vận tải làm các thủ tục chuẩn bị đầu tư, cùng với việc cập nhật thêm các nội dung liên quan để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiến khả thi. “Về vấn đề kỹ thuật của dự án đến nay đã cơ bản xong. Sở đang cùng địa phương rà soát chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, dự kiến trình HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư cuối năm nay và khởi công dịp 30/4/2025”, ông Lâm nói.
Song song kế hoạch xây cầu Cần Giờ, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cũng cho biết thành phố sẽ tính toán đầu tư, nâng cấp các cầu khác trên đường Rừng Sác của địa phương và làm đồng bộ nút giao trên tuyến này với cao tốc Bến Lức – Long Thành. Cùng với đường bộ, tuyến đường sắt đô thị kết nối khu vực này qua huyện Nhà Bè cũng sẽ được nghiên cứu đầu tư. Đây là một phần trong kế hoạch kết nối giao thông với “siêu cảng” trung chuyển Cần Giờ, đang được định hướng xây dựng với quy mô hơn 5,4 tỷ USD.
Cách đây 7 năm, Thủ tướng đồng ý giao Bộ Giao thông Vận tải rà soát, bổ sung dự án cầu Cần Giờ vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020. Thành phố sau đó tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế và lựa chọn cầu có kiến trúc dây văng một trụ tháp hình cây đước – đặc trưng của Cần Giờ.
Theo phương án trên, cầu Cần Giờ dài 3,4 km, 4 làn xe. Điểm đầu dự án tại nút giao đường 15B với đường số 2 (huyện Nhà Bè), điểm cuối kết nối đường Rừng Sác cách bến phà Bình Khánh gần 2 km tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ. Công trình khi hoàn thành giúp thay phà Bình Khánh, vốn đã quá tải nhiều năm nay.
Liên quan dự án này, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị chính quyền thành phố quan tâm, chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục trình thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp gần nhất. “Như kế hoạch của ngành giao thông thành phố, dự án khởi công tháng 4/2025 là mốc quan trọng chào mừng 50 năm thống nhất đất nước”, bà Lệ nói.
Cũng tại phiên chất vấn, trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Minh Đức về giải pháp thúc đẩy giao thông thủy để không còn tình trạng “nhiều sông nhưng vắng đò”, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải khẳng định phát triển giao thông, du lịch đường thủy đang là một trong mục tiêu hàng đầu.
Theo ông Lâm, giao thông thủy hiện đóng vai trò lớn với việc chia sẻ hơn 20% lượng hành khách cho đường bộ. Vận tải hành khách đường thủy trên địa bàn phục vụ khoảng 60 triệu hành khách mỗi năm. Thành phố cũng có các tuyến giao thông thủy đi Vũng Tàu, Bình Dương… cùng các tuyến ngắn và một số tuyến du lịch ven sông.
“Tuy vậy, để phát huy hết lợi thế đường thủy chưa thì chúng ta phải phấn đấu rất nhiều”, ông Lâm nói. Hiện, ngành giao thông và du lịch thành phố đã họp bàn các giải pháp phát triển, trong đó từ nay đến năm 2025 sẽ có ít nhất 5 tuyến giao thông thủy kết hợp du lịch được hình thành ở nội đô và liên tỉnh. Đồng thời, dọc hai bên bờ sông Sài Gòn cũng sẽ được chỉnh trang, thêm khu neo đậu, bến thuyền… giúp cải tạo cảnh quan và phát triển kinh tế.
Cũng tại buổi làm việc, trả lời chất vấn một số đại biểu khác về phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho biết Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế đặc thù cho TP HCM được Quốc hội thông qua với nhiều chính sách khơi thông nguồn lực đầu tư, là cơ hội để nhiều công trình hạ tầng cấp bách sớm triển khai.
Trong đó, ngoài các hình thức BOT, BT theo chính sách mới, việc thí điểm mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD) ở các nút giao Vành đai 3, cao tốc, ga metro, sẽ tạo động lực lớn cho phát triển hạ tầng ở thành phố. Theo đó, nghị quyết mới cho phép thu hồi đất bằng dự án độc lập thay vì trước đây phải có dự án xây dựng công trình mới được triển khai. Đồng thời, thành phố cũng được chủ động nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch cục bộ và đầu tư hạ tầng, đây là cơ sở để khai thác hiệu quả quỹ đất dọc các dự án, tạo nguồn lực đầu tư…
Lê Tuyết – Gia Minh