Bình ThuậnMưa lớn từ địa hình cao đổ về lòng chảo nơi cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết băng qua, song khu vực chỉ có cống rộng 2,5 m, nước không kịp thoát.
Sáng nay sau mưa kéo dài, hơn 100 m cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đoạn qua xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, ngập sâu, giao thông qua đây bị ùn tắc từ 2h đến 7h. Thời điểm xảy ra có nhiều xe chở khách hướng từ TP HCM ra Phan Thiết du lịch dịp cuối tuần bị ảnh hưởng lộ trình. Đến 8h nước rút hết, ôtô đi qua bình thường.
Ghi nhận của VnExpress, khu vực bị ngập là lòng chảo, nằm giữa hai triền đồi và bên dưới nhánh suối đổ ra sông Phan. Nước từ ba hướng (núi rừng Tánh Linh, quốc lộ 55 và xã Tân Lập) đổ xuống đây như cái phễu. Tuy nhiên, chỗ trũng này chỉ có một cống thoát nước rộng 2,5 m. Sau miệng cống chưa có mương thoát, khi mưa lớn nước dồn tới gây ngập cao tốc gần một mét.
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Bình Thuận, hôm qua tỉnh mưa từ 30-96 mm. Riêng ở thượng nguồn và khu vực cao tốc bị ngập mưa rất lớn. Cụ thể từ 15h-21h, lượng mưa đo được tại các trạm: Suối Kiết 96,3 mm, Gia Huynh 81,7 mm, Đức Thuận 38,2 mm, Tân Lập 37,2 mm…
Ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, cho rằng các đơn vị thi công đã làm đúng thiết kế ở đoạn vị trí này. Đến nay các nhà thầu đã thi công hoàn thiện toàn bộ các hạng mục theo đúng nội dung hồ sơ thiết kế được duyệt.
“Có thể do dòng chảy phía hạ lưu ngoài phạm vi công trình cao tốc bị tắc nghẽn, nên nước mới dồn lại”, ông Thái nói sau khi ban điều hành dự án tới cao tốc ghi nhận sự cố.
Trong công văn gửi Ban quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư) chiều nay, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy yêu cầu đơn vị này phối hợp các bên liên quan khắc phục, bảo đảm thông tuyến và xử lý theo yêu cầu kỹ thuật ở dự án. Chủ đầu tư cần báo Bộ Giao thông Vận tải trước ngày 3/8 về nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng ngập cùng giải pháp khắc phục.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo chủ đầu tư kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, đặc biệt là tư vấn thiết kế và thẩm tra nếu có vi phạm.
Ban Quản lý dự án Thăng Long đã yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế kiểm tra hiện trường vào sáng mai. Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận đã mời các bên liên quan họp vào thứ hai tuần tới, đánh giá kỹ nguyên nhân, tìm biện khắc phục.
TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Kinh tế tài nguyên và môi trường TP HCM, nói phần nền của các cao tốc thường được đắp cao để đảm bảo khả năng thoát nước bề mặt và chống lún. Do vậy, việc một đoạn cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây bị ngập nặng là rất hiếm, nên cần rà soát lại khâu tư vấn, thiết kế.
Ông cũng cho rằng khu vực trên là đoạn trũng, trước đây thoát nước diễn ra tự nhiên nhưng khi xây cao tốc có thể đã chắn ngang dòng chảy. Trong khi hệ thống cống lại không được đầu tư đồng bộ để đảm bảo việc tiêu thoát, dẫn đến ngập cục bộ khi nước dồn về. Để khắc phục tình trạng trên đơn vị quản lý cần xem xét lại cụ thể về địa hình, bổ sung hệ thống cống để tăng khả năng thoát nước.
Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết dài 99 km, nối hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, đượcthông xevào cuối tháng 4. Tuyến đường có điểm đầu nối với cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết tại huyện Hàm Thuận Nam và điểm cuối ở nút giao cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Việt Quốc – Gia Minh