Tập thể dục cường độ cao, tập luyện quá sức trong tình trạng sức khỏe tim mạch không ổn định có thể dẫn tới ngưng tim, đột tử nếu không cấp cứu kịp thời.
Tập thể dục cường độ cao, tập luyện quá sức trong tình trạng sức khỏe tim mạch không ổn định có thể dẫn tới ngưng tim, đột tử nếu không cấp cứu kịp thời.
Nhiều nghiên cứu cho thấy tập thể dục quá sức dễ dẫn đến ngừng tim đột ngột hoặc đột tử do tim ở những người mắc bệnh tim tiềm ẩn. Ngoài ra, gắng sức cũng làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim, đặc biệt là đối với bệnh nhân cơ tim phì đại hoặc bệnh mạch vành.
Các bác sĩ cấp cứu cho một bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp. |
Theo ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, lối sống ít vận động làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim lên 50%.
Thường xuyên tập thể dục góp phần giảm thiểu các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ và nhồi máu cơ tim, bao gồm đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, béo phì…
Ngoài ra, luyện tập đều đặn còn làm tăng cholesterol tốt (HDL-C), góp phần cải thiện chức năng nội mô động mạch vành, hạn chế xơ vữa mạch máu.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị mỗi người nên dành 150 phút tập thể dục cường độ vừa phải, chẳng hạn như đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội…, hoặc 75 phút tập luyện cường độ mạnh như chạy bộ, nâng tạ, tennis… mỗi tuần.
Tuy nhiên, nhiều người vì quá nôn nóng giảm cân, muốn nhanh chóng có thân hình săn chắc hoặc chuẩn bị tham gia một giải đấu thể thao nên lao vào tập luyện cường độ cao mà không có sự tư vấn, hướng dẫn từ chuyên gia. Điều này có thể gây ra những biến cố tim mạch gồm đau tim, rối loạn nhịp, đột tử.
Nghiên cứu cho thấy các ca tử vong liên quan đến thể thao chủ yếu là do bệnh mạch vành ở người lớn và bệnh cơ tim hoặc loạn nhịp tim ở thanh thiếu niên.
Một số bệnh lý tim khác, như viêm cơ tim, hở van tim, bệnh tim bẩm sinh hay tăng áp phổi cũng có thể góp phần gây tử vong khi đang tập luyện.
Còn theo PGS-TS.Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, khi tập luyện cường độ cao, tim đập nhanh hơn và bơm máu mạnh hơn, cần nhiều oxy hơn bình thường.
Ở những người có bệnh mạch vành do xơ vữa mạch máu, khi có stress (áp lực) lên thành mạch có thể làm bong tróc mảng xơ vữa. Mảng xơ vữa trôi trong lòng mạch, nếu dừng ở tim, não sẽ làm tắc nghẽn những mạch máu này gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Đối với những người có bệnh tim tiềm ẩn (mắc bệnh tim mạch trước đó mà không được phát hiện), vận động quá sức sẽ ảnh hưởng cơ tim, kích hoạt hệ thống điện của tim vào đúng thời điểm không mong muốn và gây ra tình trạng ngừng tim đột ngột, dẫn tới tử vong trên sàn tập.
Bên cạnh đó, nhiều người tập gym dùng steroid và các loại thuốc tăng cường hiệu suất để thúc đẩy tăng cơ. Những chất này thường có tác dụng phụ ảnh hưởng đến tim, bao gồm tăng huyết áp, tăng mỡ máu và phì đại cơ tim, tất cả đều làm tăng nguy cơ đột quỵ tim.
Bác sỹ Kiều dẫn trường hợp một bệnh nhân nam 20 tuổi, được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong trạng thái thở dốc, hụt hơi, xây xẩm.
Anh kể 3 ngày gần đây dành phần lớn thời gian ở phòng gym vì sắp tham gia giải cử tạ ở quận. Chiều nay anh đẩy nhanh cường độ tập, sau 30 phút thì đột ngột ngất xỉu.
Qua thăm khám, bác sỹ chẩn đoán anh bị bệnh cơ tim phì đại do di truyền. Việc tập luyện quá sức làm cho nhịp tim không đều, hệ thống điện của tim bị mất kiểm soát.
May mắn anh được sơ cứu đúng cách, đến bệnh viện kịp thời nên chưa xảy ra biến chứng nguy hiểm. Trước khi xuất viện, anh được tư vấn cách tập luyện phù hợp với thể trạng, đồng thời hướng dẫn tái khám, theo dõi bệnh nhằm phát hiện sớm bất thường.
“Nếu kiểm soát tốt bệnh tim và tập thể dục đúng cách, khả năng xảy ra biến chứng tim mạch là rất thấp, chỉ từ 0,31 – 2,1 lần/100.000 người mỗi năm”, PGS.Vinh khẳng định, thêm rằng ở những người tập luyện thường xuyên, nguy cơ này còn thấp hơn so với những người ít vận động.
Vị chuyên gia cũng dẫn chứng trường hợp vận động viên bơi lội Dana Vollmer đã giành huy chương vàng Olympic, lập kỷ lục thế giới vào năm 2012 dù cô mắc hội chứng QT kéo dài – một bệnh lý tim di truyền.
Đây là tình trạng rối loạn hoạt động điện của tim, dẫn đến nhịp tim bất thường và có thể khiến bệnh nhân ngừng tim bất cứ lúc nào. Nhờ kiểm soát bệnh tốt và có chế độ tập luyện hợp lý, Dana không chỉ chơi thể thao như một vận động viên bình thường mà còn chiến thắng căn bệnh để giành huy chương vàng thế giới.
Trước thực tế nêu trên, để đảm bảo an toàn khi tập thể dục, cần lưu ý một số vấn đề sau: Thực hiện bài kiểm tra tim mạch cơ bản, nhất là người trên 40 tuổi và người có tiền sử bệnh tim.
Gói kiểm tra tim mạch cơ bản bao gồm điện tâm đồ ECG (đọc hoạt động điện trong tim khi nghỉ ngơi, giúp chẩn đoán bất thường về cấu trúc và nhịp tim), xét nghiệm gắng sức (theo dõi phản ứng của tim khi cơ thể hoạt động gắng sức), siêu âm tim (để đánh giá lưu lượng máu, cấu trúc và chức năng của tim), kiểm tra tiền sử gia đình (xem có ai tử vong do tim hoặc từng bị nhồi máu cơ tim không).
Tham khảo ý kiến bác sỹ về bài tập phù hợp. Nếu bạn có tiền sử bệnh tim, nhồi máu cơ tim hoặc các bệnh mạn tính như cơ xương khớp, suy thận, đái tháo đường…, hãy hỏi bác sỹ hình thức và cường độ tập luyện nào phù hợp với mình.
Khi tập, lưu ý dành 1-2 ngày nghỉ mỗi tuần để cơ thể có thời gian phục hồi. Tránh tập quá sức vì có thể gây kiệt sức, chấn thương và hiệu suất kém.
Khởi động đúng cách. Việc làm này giúp cơ thể được làm nóng, cơ bắp có sự chuẩn bị tốt cho buổi tập chính, đồng thời thúc đẩy hệ tuần hoàn bơm máu giàu oxy đến khắp cơ thể.
Sau khi tập luyện, nên dành 10-15 phút tập yoga hoặc kéo giãn để tăng tốc độ phục hồi và khả năng vận động. Các bài tập này có tác dụng tăng phạm vi chuyển động, tránh cứng cơ và giảm chấn thương.
Không tập lúc quá đói hoặc quá no. Tập luyện lúc đói dễ gây hạ đường huyết, còn khi quá no có thể khiến lượng máu tập trung vào hệ thống tiêu hóa. Thể tích dạ dày tăng lên, chèn ép cơ hoành, hạn chế cung cấp đủ oxy cho tim, não dẫn đến ngất xỉu.
Lắng nghe cơ thể trong quá trình tập. Trong lúc tập, nếu bạn thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường như đau ngực, khó thở, choáng váng, vã mồ hôi…, hãy ngừng lại ngay. Sau khi ngồi nghỉ 15-30 mà triệu chứng không thuyên giảm, nên đến bệnh viện kiểm tra.
Dự phòng các thiết bị y tế cần thiết. Việc mang theo máy đo huyết áp, nhịp tim, máy khử rung tim ngoài tự động (AED), thuốc ngậm nitrat… không chỉ giúp người tập theo dõi sức khỏe tim mạch trong suốt thời gian tập mà còn tăng cơ hội sống sót nếu chẳng may xảy ra biến cố.
Song song với tập thể dục, mỗi người cần xây dựng chế độ ăn lành mạnh, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, ngủ đủ giấc, tránh xa stress… để nâng cao sức khỏe tổng thể. Một cơ thể khỏe mạnh không chỉ đến từ việc tập luyện mà có được là nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố.
Nguồn: https://baodautu.vn/canh-giac-voi-nguy-co-dot-tu-khi-tap-the-thao-qua-suc-d228504.html