Nam bệnh nhân, 63 tuổi, nhồi máu cơ tim nhiều ngày không phát hiện, khi đến viện bệnh diễn tiến nhanh gây suy tim, dọa sốc tim.
Trước đó, bệnh nhân xuất hiện cơn đau thắt ngực, khó thở, vã mồ hôi. Triệu chứng xảy ra cả khi nghỉ ngơi lẫn gắng sức, kéo dài 15 phút thì hết, lặp lại nhiều lần. Ông cố chịu đựng, chần chừ chưa đi khám.
Nhồi máu cơ tim là tình trạng lưu lượng máu đến một phần cơ tim bị giảm hoặc ngừng hoàn toàn bởi cục huyết khối gây tắc nghẽn động mạch vành. |
Nửa tháng sau, bệnh nhân đột ngột đau ngực dữ dội, liên tục không giảm, thở mệt, choáng váng. Ông được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau ngực trái, cơn đau kiểu đè ép, kéo dài hơn 30 phút, kèm vã mồ hôi và khó thở. Nhịp tim lên đến 120 lần/phút.
Bệnh nhân được êkip kích hoạt chụp mạch vành cấp cứu. Kết quả cho thấy hệ mạch máu nuôi tim hẹp nghẽn nặng: động mạch mũ và mạch vành phải hẹp 99% kèm huyết khối rải rác, động mạch liên thất trước hẹp 95%.
Thường các ca nhồi máu cơ tim cấp chỉ do hẹp tắc nghẽn một mạch vành, trường hợp bệnh nhân nghẽn nặng cả ba nhánh. Điều này nghĩa là đoạn hẹp còn lại (5%) của động mạch liên thất trước phải “gánh” nhiệm vụ tưới máu cho trái tim, không có mạch máu bàng hệ hỗ trợ.
Tim không nhận đủ lượng máu nuôi nên suy yếu dần. Bệnh sẽ nhanh chóng diễn tới đến phù phổi cấp, sốc tim nếu không can thiệp kịp thời.
Bác sỹ Dương Thanh Trung, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho hay, nhồi máu cơ tim là tình trạng lưu lượng máu đến một phần cơ tim bị giảm hoặc ngừng hoàn toàn bởi cục huyết khối gây tắc nghẽn động mạch vành. Đây là một biến cố nghiêm trọng, gây thiếu máu cơ tim đột ngột và hoại tử vùng cơ tim bị thiếu máu.
Mỗi năm, có đến 32,4 triệu ca nhồi máu cơ tim và đột quỵ trên toàn thế giới. Bệnh nhân sống sót sau nhồi máu cơ tim có nguy cơ tái phát và tỷ lệ tử vong cao gấp 6 lần so với những người khỏe mạnh cùng độ tuổi. Do đó, việc cấp cứu kịp thời và can thiệp trong “giờ vàng” sẽ giúp điều trị hiệu quả, giảm biến chứng và giảm tỷ lệ tử vong.
Can thiệp mạch vành là chìa khóa vàng giúp khắc phục nhanh chóng tình trạng thiếu máu cơ tim, cải thiện suy tim cũng như phòng tránh sốc tim, ngưng tim – điều mà các phương pháp điều trị nội khoa không làm được. Tuy nhiên, mỗi phút trôi qua cơ tim lại bị tổn thương thêm.
Do đó để đạt hiệu quả tối ưu, toàn bộ quá trình từ cấp cứu, chụp mạch vành cho đến can thiệp phải diễn ra thần tốc. Khung “giờ vàng” can thiệp nhồi máu cơ tim là trong vòng 1-2 giờ đầu khi bệnh nhân mới xuất hiện cơn đau ngực, giúp hạn chế tình trạng cơ tim chết, giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng cho người bệnh.
Thủ thuật đặt stent chỉ cải thiện tình trạng hẹp mạch vành, nhưng không điều trị được xơ vữa động mạch – tiền căn gây tắc mạch máu. Sự tắc nghẽn có thể tiếp tục xảy ra tại các vị trí khác của động mạch. Vì thế sau khi đặt stent mạch vành, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh, tái khám định kỳ để ngăn ngừa tái phát.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm toàn cầu có 17,5 triệu người tử vong do các bệnh tim mạch. Trong đó, nhồi máu cơ tim là cấp cứu khẩn, nếu không điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong là 50%.
Tại Việt Nam, mỗi năm khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% tổng số ca tử vong. Tỷ lệ này gấp đôi số người qua đời vì bệnh ung thư, và đây cũng là bệnh lý gây tử vong nhiều nhất hiện nay.
Theo các chuyên gia y tế, nhồi máu cơ tim là một biến cố tim mạch cấp tính nguy hiểm, là hiện tượng một cục huyết khối đột ngột làm tắc động mạch vành (mạch máu nuôi xung quanh quả tim).
Các bác sỹ cho hay, nhồi máu cơ tim xảy ra khi đột ngột tắc một phần hoặc hoàn toàn một nhánh hoặc cả hai động mạch vành. Nếu nhẹ sẽ gây ra bệnh lý suy tim, tổn thương cơ tim, nếu nặng thì sẽ gây ra một cơn nhồi máu cơ tim cấp.
Kết quả giải phẫu bệnh lý cũng cho thấy, có đến 50% bệnh nhân nhồi máu cơ tim đã tử vong trước khi đưa vào bệnh viện. Một số bệnh nhân vào viện cũng có thể có tỷ lệ tử vong lên rất cao.
PGS-TS.Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, nhóm bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, từng bị tai biến mạch máu não hoặc có tiền căn nhồi máu cơ tim, tiền căn gia đình có người mắc bệnh động kinh có nguy cơ cao mắc bệnh lý về tim mạch.
Để bảo vệ sức khỏe tim mạch nói chung và phát hiện sớm dấu hiệu của nhồi máu cơ tim và đột quỵ ở người trẻ, mỗi người cần có chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế ăn mỡ, da động vật, gan, thức ăn nhanh. Tích cực tập luyện thể thao, hạn chế bia rượu và các chất kích thích.
Đặc biệt, người trẻ không nên chủ quan nghĩ rằng bệnh chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo. Người bệnh cần thăm khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/lần, chủ động phòng tránh nguy cơ bệnh.
Nguồn: https://baodautu.vn/dau-nguc-co-phai-dau-hieu-cua-benh-suy-tim-d227164.html