Quyết định trên của chính quyền Tổng thống Joe Biden được so sánh như là một canh bạc lịch sử của nước này đối với công nghệ vẫn đang trong giai đoạn phát triển nhằm ứng phó biến đổi khí hậu. Đồng thời, đây là công nghệ đối mặt không ít sự chỉ trích từ giới khoa học.
Phi vụ đầu tư lớn nhất lịch sử
Hai dự án được triển khai ở bang Texas và Louisiana, với mỗi dự án có mục tiêu loại trừ 1 triệu tấn CO2/năm, tương đương với lượng phát thải cả năm của 445.000 ô tô chạy bằng xăng.
Bloomberg dẫn thông báo của Bộ Năng lượng Mỹ cho hay dự án kép đại diện cho “vụ đầu tư lớn nhất thế giới trong lịch sử về lĩnh vực áp dụng công nghệ loại trừ CO2” để ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu.
“Nếu chỉ thực hiện việc cắt giảm khí phát thải sẽ không đảo ngược được những ảnh hưởng ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu”, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm phát biểu. “Chúng ta còn cần phải loại trừ CO2 đã phóng thích vào khí quyển”, bà nhấn mạnh.
Công nghệ thu giữ trực tiếp khí phát thải (DAC), còn là công nghệ Loại trừ CO2 (CDR), tập trung xử lý CO2 xả vào không khí dẫn đến biến đổi khí hậu và dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Mỗi dự án của Mỹ được Bộ Năng lượng nước này kỳ vọng sẽ “hút” nhiều gấp 250 lần lượng khí CO2 trong không khí so với cơ sở thu giữ khí phát thải lớn nhất hiện hoạt động ở Iceland là Orca. Cơ sở Iceland đạt công suất thu giữ 4.000 tấn CO2/năm, theo Reuters.
Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) cho rằng việc thu giữ CO2 trực tiếp từ khí quyển là một trong những biện pháp cần thiết để đối phó tình trạng trái đất ấm lên.
Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn khá giới hạn. Hiện chỉ có 27 cơ sở thu giữ CO2 hoạt động trên toàn thế giới, dựa trên số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA). Ít nhất 130 dự án đang trong giai đoạn phát triển.
Và một số chuyên gia lo lắng rằng việc sử dụng công nghệ trên sẽ là tiền đề để làm cái cớ cho việc tiếp tục phát thải nhiều hơn nữa khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thay vì nên tập trung đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi sang năng lượng sạch.
AFP dẫn lời giáo sư Mark Jacobson của Đại học Stanford (Mỹ) cũng cảnh báo việc thu giữ trực tiếp khí phát thải từ không khí và nén chúng vào các đường ống sẽ cần đến nguồn năng lượng khổng lồ.
“Bidenomics” có giúp Tổng thống Biden tái đắc cử?
Vị giáo sư cho hay thậm chí trong trường hợp khả quan nhất là sử dụng điện đến từ năng lượng tái tạo, lẽ ra nguồn năng lượng này nên dùng để thay thế nguồn điện đến từ năng lượng hóa thạch như than đá và khí đốt thay vì phục vụ cho việc “hút” CO2 khỏi không khí.
Vì thế, giáo sư Jacobson cho rằng DAC hoặc CDR chẳng khác nào là “mánh lới dùng trong quảng cáo” và chỉ gây trì hoãn thêm các giải pháp thực sự đối với vấn đề khí hậu.
Lưu trữ CO2 trong lòng đất
Quay lại hai dự án được chính phủ Mỹ chuẩn bị triển khai, tổ chức phi lợi nhuận Battelle (trụ sở thành phố Columbus, bang Ohio) là nhà thầu chính cho dự án Louisiana. Trong dự án này, CO2 “rút” trực tiếp từ không khí sẽ được chuyển xuống lưu trữ dưới lòng đất.
Battelle sẽ hợp tác với một công ty Mỹ khác là Heirloom và công ty Climeworks (Thụy Sĩ) để thực hiện dự án. Công ty Climeworks cũng là nhà thầu chính của dự án xây dựng cơ sở Orca ở Iceland.
Bên cạnh đó, dự án Texas sẽ được dẫn đầu bởi công ty Occidental (Mỹ) và các đối tác khác, bao gồm Carbon Engineering (Canada). Cơ sở này có thể được nâng cấp để loại trừ tối đa 30 triệu tấn CO2/năm.
“Đá bên trong lòng đất ở Louisiana và Texas là loại đá trầm tích, khác với đá basalt ở Iceland, nhưng hoàn toàn phù hợp cho việc lưu trữ CO2“, theo nhà nghiên cứu Helene Pilorge của Đại học Pennsylvania (Mỹ) nhận xét về nỗ lực mới của chính phủ Mỹ.
Bộ Năng lượng Mỹ cho biết hai dự án sẽ tạo ra 4.800 việc làm cho người dân địa phương. Hiện vẫn chưa rõ ngày khởi động của cả hai công trình, chỉ biết rằng kinh phí xây dựng sẽ được trích từ ngân sách của chính quyền liên bang Mỹ.
Công nghệ trên khác với kỹ thuật lưu và trữ CO2 (CCS) tại nguồn, như điều chỉnh các ống khói của nhà máy để ngăn chặn khí phát thải phóng thích vào khí quyển.