Một vấn đề được quan tâm tại kỳ họp Quốc hội là dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh (XNC) của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Công tác kiểm tra giấy tờ tùy thân tại Nhà ga hành khách T1. (Nguồn: NIA) |
Theo Tờ trình do Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày, qua rà soát, một số điểm, quy định của các Luật này chưa đáp ứng được yêu cầu chính trị, pháp lý và thực tiễn.
Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung vào các dự án Luật này là rất cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số của Chính phủ.
Trên tinh thần đó, tham gia thảo luận ở tổ chiều 27/5, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, ủng hộ việc sửa đổi, bổ sung hai dự án Luật này.
Với mong muốn các sửa đổi, bổ sung kịp thời sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân Việt Nam cũng như người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam có độ mở cao, hội nhập ngày càng sâu rộng, đây sẽ là những hành động cụ thể, thiết thực, phù hợp trong bối cảnh thế giới và trong nước đang đẩy mạnh chuyển đổi số.
Việc mở rộng diện cấp visa điện tử, nới rộng thời gian nhập cảnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, nhất là tại những nơi Việt Nam chưa có Cơ quan đại diện.
Việc sửa đổi, bổ sung các Luật lần này cần làm sao để thông thoáng hơn trong bối cảnh Việt Nam mở rộng quan hệ quốc tế và hội nhập ngày càng sâu rộng. Đó là lý do người đứng đầu ngành Ngoại giao đề nghị xem xét, sửa quy định cho phép các Cơ quan đại diện được quyết định việc cấp visa cho một số trường hợp đối ngoại cần thiết hoặc khẩn cấp vì lý do nhân đạo, trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc Cơ quan đại diện chịu trách nhiệm và thông báo cho Cục XNC, Bộ Công an.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng, cần thống nhất không áp dụng nguyên tắc phải có mời, đón, bảo lãnh liên quan đến người nước ngoài nhập cảnh với mục đích du lịch, tìm hiểu thị trường bởi cấp visa điện tử không đặt ra các yêu cầu này. Nếu áp dụng không thống nhất, sẽ gây khó khăn cho các Cơ quan đại diện và có thể khiến du khách thắc mắc, hiểu lầm…
Việc bảo đảm tính thống nhất về quy định cấp visa điện tử và visa truyền thống cũng là yêu cầu mà Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Đóng góp ý kiến của người đứng đầu ngành Ngoại giao xuất phát từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, bám sát tinh thần mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên khai mạc, rằng “các đại biểu cần phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, đóng góp ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng để các quyết sách của Quốc hội thực sự đồng hành, hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp”.