Chiều 2/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về 2 dự án luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam.
Chiều 2/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về 2 dự án luật xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam. |
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Trước đó, vào sáng ngày 27/5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an trình bày tóm tắt Tờ trình dự án Luật và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Các đại biểu Quốc hội cũng đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự án luật này vào chiều cùng ngày.
Cần thống nhất đơn giản hóa thủ tục
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng dự thảo Luật nhằm góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; góp phần phát triển kinh tế – xã hội; vừa bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Đồng thời, việc xây dựng dự thảo Luật hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư.
Dự thảo Luật sửa đổi 13 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019; tập trung vào 2 nhóm nội dung.
Một là, nhóm nội dung để cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử.
Theo đó, dự thảo Luật bổ sung hình thức nộp hồ sơ trên môi trường điện tử đối với thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, báo mất hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử, khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông; quy định về giấy tờ liên quan đến việc cấp hộ chiếu phổ thông ở nước ngoài; phân cấp giải quyết việc trình báo mất hộ chiếu phổ thông từ Cục Quản lý xuất nhập cảnh về Công an cấp tỉnh, từ Công an cấp tỉnh về Công an cấp huyện, từ Công an cấp huyện về Công an cấp xã.
Hai là, nhóm nội dung sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Trong đó, sửa đổi các quy định về các trường hợp, trình tự, thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn theo hướng mở rộng đối tượng được cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn, quy định về thủ tục cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn trong một số trường hợp đặc biệt cấp bách.
Dự thảo Luật sửa đổi 7 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019). Theo đó, quy định để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam như nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể; nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng bổ sung trách nhiệm của cơ sở lưu trú; nghĩa vụ của người nước ngoài trong việc xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam cho cơ sở lưu trú để thực hiện khai báo tạm trú theo quy định… để quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tại phiên họp chiều ngày 2/6. |
Cần đánh giá tác động khi mở rộng diện cấp thị thực điện tử
Điều hành hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các vị đại biểu tiếp tục cho ý kiến một số nội dung còn có ý kiến khác nhau qua thảo luận ở tổ. Điểm lại các nội dung lớn còn ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, xung quanh sự cần thiết và cơ sở ban ngành luật, đại biểu đề nghị báo cáo cụ thể hơn về tính cấp thiết ban hành luật thông qua tại một kỳ họp, nhất là thực tiễn việc ứng dụng nền tảng số trong lĩnh vực quản lý xuất, nhập cảnh theo thông lệ và xu hướng hội nhập quốc tế.
Các đại biểu đề nghị bổ sung báo cáo đánh giá tác động, bổ sung số liệu phản ánh người dân có trình độ thấp, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, người già chưa được tiếp cận công nghệ thông tin, đánh giá tác động về công tác bảo đảm an ninh, trật tự khi mở rộng diện cấp thị thực điện tử và tăng thời gian tạm trú đối với người nước ngoài nhập cảnh.
Một số đại biểu cũng đề nghị rà soát các thông tin trên giấy tờ xuất, nhập cảnh để bảo đảm tính ổn định, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi thống nhất, kết nối liên thông giữa các cơ sở dữ liệu, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và bổ sung quy định thông tin khác do Chính phủ quyết định cho linh hoạt.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người Việt Nam tại nước ngoài, các đại biểu đề nghị làm rõ căn cứ để quy định thời hạn thị thực không quá 3 tháng. Có ý kiến đề nghị nên nâng thời hạn thị thực lên không quá 6 tháng. Cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu, xem xét nâng thời hạn của thị thực từ 30 ngày lên 45 ngày hoặc 90 ngày. Đề nghị quy định thời hạn thị thực dài hơn đối với người không còn quốc tịch Việt Nam nhưng còn thân nhân ở trong nước.
Đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử ở các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử, trước khi Quốc hội thông qua dự án Luật này….
Nhiều ý kiến nhất trí với thời hạn cấp Giấy chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực là 45 ngày; có ý kiến đề nghị làm rõ hơn căn cứ quy định 45 ngày. Cũng có ý kiến đề nghị tăng lên 60 ngày hoặc 90 ngày để thuận lợi hơn cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, cấp tạm trú có giá trị nhiều lần để tạo điều kiện cho người nước ngoài.
Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung đồn biên phòng, trạm biên phòng tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài tại khu vực biên giới để phù hợp với các hiệp định liên quan đến quản lý biên giới, cửa khẩu trên đất liền với Việt Nam và các nước láng giềng phù hợp với một số luật như Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và các nghị định liên quan.