Doanh nghiệp chịu áp lực khi dòng tiền khan hiếm, người vay mua nhà chờ đợi lãi suất hạ nhiệt, Cần Thơ muốn xây dựng thành phố sân bay… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Để tự cứu lấy mình, các doanh nghiệp bất động sản phải chủ động xem xét lại nguồn lực, rà soát lại các dự án đang có. (Nguồn: Dân trí) |
Doanh nghiệp cần làm gì để tránh “chết chìm trên đống tài sản”?
Thông tin trên Congluan.vn, kể từ giữa tháng 5/2022 đến nay, do nhiều nguyên nhân như dịch bệnh, chu kỳ tăng trưởng của thị trường, tăng trưởng kinh tế giảm, khó khăn thị trường; hàng loạt chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp… đã khiến thị trường BĐS rơi vào trạng thái trầm lắng.
Lãi suất duy trì ở mức cao từ cuối năm 2022, giảm nhẹ vào đầu năm nay nhưng vẫn ở ngưỡng cao đối với sức chịu đựng của doanh nghiệp (DN).
Áp lực chi phí tài chính tăng cao trong khi dòng tiền “khan hiếm” vì không bán được hàng, không huy động được vốn từ trái phiếu, không đủ tiêu chuẩn vay vốn tín dụng… khiến “sức khỏe” các DN ngày càng suy yếu.
Tình trạng khó khăn kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới các đối tượng tham gia thị trường BĐS mà còn kéo theo sự trì trệ của hàng loạt các ngành nghề liên quan khác.
Dữ liệu khảo sát của VARs với các Hội viên là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ BĐS cho thấy, nếu tình hình thị trường vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% DN chỉ có thể duy trì hoạt động được tới hết quý III/2023, 43% DN trụ được đến hết năm 2023.
Nếu không tìm được lối thoát kịp thời, rất có thể thị trường sẽ phải đối mặt với kịch bản ra đi của hàng loạt đối tượng, từ DN đầu tư, phát triển BĐS đến DN kinh doanh dịch vụ BĐS và môi giới BĐS. Nhiều người lao động sẽ lâm vào cảnh mất việc làm, hệ lụy đến cuộc sống an sinh xã hội.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách giúp DN giãn, hoãn các khoản nợ. Tuy nhiên, để tự cứu lấy mình, các DN BĐS phải chủ động xem xét lại nguồn lực, rà soát lại các dự án đang có. Chỉ nên giữ lại các dự án tiềm năng mà doanh nghiệp có đủ năng lực triển khai. Kêu gọi đầu tư, liên doanh, liên kết, bán một phần hoặc toàn bộ dự án không thể tiếp tục triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARs cho rằng, DN cần chủ động tìm kiếm các khách hàng/nhà đầu tư hoặc liên hệ qua các đơn vị chuyên nghiệp để hỗ trợ kết nối với các đối tượng có nhu cầu hợp tác đầu tư hoặc mua lại dự án. Để sớm đạt được thỏa thuận, DN cần giảm bớt kỳ vọng, thậm chí sẵn sàng chấp nhận bán lỗ, “không thể khó khăn cũng đòi có lãi”.
Thực tế cho thấy, có không ít DN chỉ vì cố gắng cầm cự, trong khi khả năng không đủ, đã tự đẩy mình vào bước đường cùng với đủ các khoản “lãi mẹ đẻ lãi con”. Để rồi nhận trái đắng với đống nợ khổng lồ mà tiền lãi còn gấp nhiều lần nợ gốc.
Báo cáo của VARs cho thấy, trong hơn một năm nay, thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) ghi nhận sự tăng nhiệt dần.
Một số DN mạnh tay chi tiền M&A nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, cải thiện biên lợi nhuận của mảng kinh doanh. Nhiều nhóm nhà đầu tư sẵn dòng tiền “lớn” tìm kiếm cơ hội, sẵn sàng rót vốn vào các dự án tiềm năng.
Trong đó, phải kể đến dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài đã và sẽ tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam trong thời gian tới. Đa số các nhà đầu tư này đều hướng đến các dự án có pháp lý tương đối hoàn thiện, để tránh rủi ro.
“Đây là cơ hội để chủ đầu tư nắm giữ nhiều dự án “sạch”, có thể bán dự án hoặc hợp tác, tạo giá trị lợi ích cho cả hai bên. Là hướng đi giúp các DN có thể xoay xở dòng tiền trả nợ, tránh khỏi tình trạng sụp đổ, giải thể. Hay mang đến dòng tiền để tiếp tục triển khai các dự án khác. Chống thất thoát, lãng phí nguồn lực đất đai, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa hàng vào thị trường”, ông Đính nhận xét.
Người vay mua nhà ‘dài cổ’ ngóng giảm lãi suất
Lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục giảm mạnh trong những tháng qua và là cơ sở để lãi suất cho vay “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lãi suất cho vay, nhất là vay mua nhà đối với khách hàng cá nhân vẫn neo cao, áp lực tài chính ngày càng đè nặng.
Theo khảo sát, lãi suất cho vay mua nhà dành cho khách hàng hiện hữu tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ở mức khoảng 10,7%/năm; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) từ 9,1 – 10,9%/năm; Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) khoảng 13-14%/năm; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) từ 10-12,1%/năm; Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) từ 14,6-15,4%/năm…
Còn đối với khách hàng vay mới, lãi suất cho vay ưu đãi nhất trong tháng 6 này đang là 4,99%/năm tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB). Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đang cho vay mua nhà ở mức 7,8-7,9%/năm; Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) 8,49%/năm… Nhưng đây đều là các mức lãi suất ưu đãi áp dụng cho thời gian ngắn, sau đó sẽ tính lãi suất thả nổi theo thị trường, ước tính khoảng 13,5%/năm.
Động thái liên tiếp giảm lãi suất điều hành tới 3 lần trong vòng chưa đầy 3 tháng của Ngân hàng Nhà nước cùng với mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng giảm mạnh so với mức “đỉnh” hồi đầu năm tạo kỳ vọng kéo mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống.
Nhưng thực tế, khách hàng vẫn phải “còng lưng” trả nợ ngân hàng mỗi tháng và tiếp tục trông ngóng hạ lãi suất. Thậm chí có lúc còn “đứng ngồi không yên” vì không biết liệu lãi suất có hạ hay không hay còn lên tiếp.
Lý giải câu chuyện lãi vay chưa bắt kịp đà giảm của lãi suất huy động, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, các tổ chức tín dụng hầu hết đã phải huy động với lãi suất cao trong giai đoạn cuối năm 2022. Do đó, lãi suất cho vay cần có độ trễ nhất định, mỗi ngân hàng có bước điều chỉnh khác nhau tùy vào giá vốn huy động đầu vào và năng lực tài chính. Đặc biệt, các khoản vay cũ tại thời điểm chi phí vốn tăng cao thì càng khó hạ lãi suất.
Còn theo nhóm phân tích của Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS), mặt bằng lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động do độ trễ chính sách; đồng thời lãi suất giảm chủ yếu tập trung vào một số doanh nghiệp, ngành nghề ưu tiên.
Bên cạnh đó, báo cáo tài chính quý đầu năm 2023 của 27/28 ngân hàng niêm yết cho thấy, chi phí trả lãi tiền gửi tăng mạnh hơn 50% so với cùng kỳ năm trước; trong đó có 9 ngân hàng tăng đến hơn 100% so với cùng kỳ. Ngoài ra, các chi phí trả lãi tiền vay, trả lãi phát hành giấy tờ có giá… cũng tăng tại hầu hết các ngân hàng. Điều này lý giải phần nào nguyên nhân lãi suất cho vay vẫn chưa thể giảm như kỳ vọng.
Đánh giá về triển vọng lãi suất, theo kịch bản cơ sở, Công ty CP Chứng khoán SSI cho rằng, lãi suất có thể giảm thêm 50-100 điểm cơ bản từ nay đến cuối năm và tiếp tục giảm vào năm 2024.
Cần Thơ muốn làm thành phố sân bay khoảng 10.000ha
Theo Cổng thông tin điện tử TP. Cần Thơ, ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nêu đề xuất quy hoạch thành phố sân bay khoảng 10.000 ha tại diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng – phát triển kinh tế Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.
Thành phố Cần Thơ về đêm. (Nguồn: Cổng Thông tin điện tử TP. Cần Thơ) |
Cụ thể, ông Trần Việt Trường đề xuất Bộ Xây dựng ưu tiên phối hợp tham mưu trình Chính phủ xem xét chấp thuận sớm dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đạt chuẩn cấp vùng/cấp khu vực kết hợp xây dựng thêm cảng phục vụ hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không, phù hợp quy hoạch hệ thống cảng hàng không quốc gia. Đây là điều kiện tiên quyết để TP. Cần Thơ làm cơ sở quy hoạch thành phố sân bay với quy mô diện tích khoảng 10.000 ha.
Cần Thơ hiện có Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, được xây dựng từ những năm 1960 có đường hạ cất cánh 1800m x 30m. Sau đó dự án được cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh dài 3.000m, rộng 45m bảo đảm tiếp nhận được các loại máy bay như A320, A321 và tương đương, nối Cần Thơ với Hà Nội cùng các địa phương khác. Nhà ga hành khách có diện tích gần 21.000 m2, phục vụ 3-5 triệu khách/năm.
Theo kế hoạch trước đây đã được UBND TP. Cần Thơ đề cập, quy hoạch thành phố sân bay sẽ có một khu đất khoảng 2.000 ha để xây dựng trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Trong đó, ưu tiên xây dựng hệ thống logistics hàng không, cảng sông và hệ thống kho trung tâm để bảo quản các sản phẩm nông nghiệp.
Gỡ khó cho quy hoạch phân khu C4 quy hoạch chung Biên Hòa
Tại buổi làm việc với các sở, ngành về công tác quy hoạch tại địa phương cuối tuần qua, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu UBND thành phố Biên Hoà khẩn trương phối hợp với Sở Xây dựng tiếp tục làm việc với chủ đầu tư các dự án về đề xuất điều chỉnh quy hoạch chi tiết, lý do điều chỉnh quy hoạch phân khu C4 và quy hạch chung thành phố Biên Hòa.
Đồng thời, ông Dũng lưu ý Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành và UBND thành phố Biên Hòa rà soát các quy định của pháp luật. Trong đó, chú ý quy định về điều kiện để thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án phải bảo đảm đủ tỷ lệ đất cây xanh, công trình công cộng, hạ tầng xã hội theo quy hoạch đã được phê duyệt trước đây. Các nội dung này phải được hoàn chỉnh, báo cáo UBND tỉnh trong ngày 12/6 tới.
Phân khu C4 quy hoạch chung thành phố Biên Hòa có diện tích khoảng 1.500ha, gồm toàn bộ xã Long Hưng và một phần Phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Thời gian qua, trên phân khu này nhà đầu tư đã triển khai các dự án khu đô thị, khu dân cư như: Dự án khu dân cư Long Hưng, khu đô thị Đồng Nai WaterFront, khu đô thị Aquacity, khu đô thị dịch vụ thương mại cao cấp cù lao Phước Hưng…
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Biên Hòa được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt vào tháng 7/2014, quy hoạch phân khu C4 được phê duyệt vào tháng 9/2016. Tuy nhiên, tại thời điểm phê duyệt quy hoạch chung và quy hoạch phân khu C4 chưa cập nhật đầy đủ hồ sơ quy hoạch chi tiết 1/500 của các dự án được phê duyệt trước đó nên dẫn đến sự không đồng bộ, khác biệt giữa quy hoạch các cấp. Do có sự khác biệt đó nên nhiều dự án khu đô thị phải tạm dừng triển khai xây dựng và kinh doanh, trong đó có dự án của Tập đoàn Novaland.
Tại công văn gửi Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 5 vừa qua, ông Dũng từng kiến nghị một số nội dung vướng mắc tại các dự án BĐS trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Trong đó có nội dung kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương cho UBND tỉnh Đồng Nai lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Biên Hòa. Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Nai thừa nhận đây là thiếu sót của địa phương trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch.
Đối với các chủ đầu tư dự án BĐS trong khu vực, Chủ tịch Đồng Nai yêu cầu báo cáo đầy đủ hiện trạng triển khai các dự án trên thực tế. Từ đó, UBND tỉnh sẽ tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ. Riêng điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai trong khu vực phù hợp với quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt thì ông Dũng chỉ đạo Sở Xây dựng xem xét xử lý cho các doanh nghiệp được tiếp tục bán nhà ở hình thành trong tương lai đúng quy định pháp luật.
Việc vào cuộc quyết liệt từ các cấp chính quyền và cơ quan chức năng với mong muốn những bất cập khó khăn sẽ sớm được tháo gỡ nhằm mang niềm tin cho người dân, doanh nghiệp giúp phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.