Nếu không cập nhật kiến thức, con người sẽ bị trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao loại trừ.
GS. Phạm Tất Dong |
Kinh tế tri thức yêu cầu một nền giáo dục mở
Trong tiến trình vào thế kỷ XXI, con người cần thấy rõ, kiến thức do nhà trường cung cấp chỉ là vốn ban đầu, không đủ dùng trong suốt cuộc đời.
Kiến thức sau trung học cộng với tri thức có được do học tập suốt đời ở mỗi cá nhân mới hướng tới đáp ứng sự đòi hỏi của nền kinh tế tri thức. Chính vì vậy, cần thiết phải có nền giáo dục mở.
Theo tôi, giáo dục mở sẽ tạo ra một hệ tài nguyên được số hóa, đa dạng, đa lĩnh vực tri thức, không có rào cản truy cập, qua đó, giúp mọi người tiếp cận với những học liệu cần sử dụng.
Đại học mở trên thế giới thường không xét trình độ đầu vào. Ai cần học vấn đại học đều có thể được cung ứng tri thức. Vấn đề là, người học sẽ theo cách nào để thỏa mãn nhu cầu tri thức của mình, còn muốn có văn bằng tốt nghiệp thì việc tích lũy đủ tri thức do trường quyết định.
Theo tôi, các trường dạy nghề, trường chuyên nghiệp và đại học mở sẽ tạo ra những điều kiện học tập suốt đời cho mọi người theo hướng phổ cập các dịch vụ học tập, cá nhân hóa việc học tập, góp phần xây dựng đội ngũ lao động chất lượng cao như một khâu đột phá chiến lược phát triển kinh tế – xã hội.
Trong thế giới hiện đại, công việc hằng ngày của con người luôn thay đổi và đòi hỏi cập nhật kiến thức không ngừng. Nếu không học, không cập nhật kiến thức liên tục, con người sẽ bị trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao loại trừ. Do vậy, chúng ta phải tiến tới có một năng lực thích ứng, phải sáng tạo và luôn trong tư thế chủ động trước những vấn đề khó lường.
Chuẩn bị gì để sống trong thế giới VUCA?
Thế giới chúng ta đang sống đầy biến động, thay đổi khó lường, nhiều lĩnh vực sản xuất phát triển như vũ bão, nhiều khó khăn và nguy cơ mà con người phải đối mặt. Thế giới VUCA (VUCA World) là tên gọi về một thế giới biến động (Volatility), bất định (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiquity).
Nhiều chuyên gia kiến nghị với Chính phủ về những kỹ năng cần thiết phải đưa vào chương trình giáo dục ở các cấp học. Cần tập trung vào việc hình thành và phát triển những kỹ năng như hợp tác, giao tiếp, phản biện, sáng tạo và học tập suốt đời.
Trẻ cần học theo một cách khác không cứng nhắc, khuôn mẫu. Con người cần tương tác, biết hợp tác nhiều hơn để giải quyết công việc. Covid-19 hay sự xuất hiện của ChatGPT cũng làm cho thế giới thay đổi, con người tiến tới cần những năng lực thích ứng với hoàn cảnh phức tạp hơn.
Theo kiểu dạy học truyền thống, ban ngày trẻ lên lớp nghe giảng, tối về làm bài tập. Còn ở mô hình lớp đảo ngược thì buổi tối thầy cô giao bài, các em tự học; hôm sau lên lớp các em sẽ cùng thầy cô giáo giải quyết những vấn đề cụ thể. Hay có nhiều cách khác như học theo đề án, nhiều học sinh cùng giải quyết một công việc, hay làm ra sản phẩm có thể bán và được phổ biến rộng rãi…
Nếu không cập nhật kiến thức, con người sẽ bị trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao loại trừ. |
Cần được quan tâm đúng mức
Gen Z là thế hệ sinh ra trong giai đoạn 1997-2012. Đó là thế hệ về mặt năng lực lẫn tính cách khác xa thế hệ cũ. Các em học ngoại ngữ nhanh hơn thế hệ cha anh, có năng lực học trực tuyến, có tư duy phản biện sắc sảo, có năng lực sử dụng công nghệ thông tin vượt trội. Thế nên, khi bắt tay vào công việc, thế hệ Z năng động, hiệu quả hơn thông qua việc áp dụng công nghệ.
Người ta gọi thế hệ Z là “thế hệ công nghệ”, “thế hệ mạng”, “thế hệ kỹ thuật số”. Thế hệ này đang trải nghiệm thế giới VUCA. Các em cần nền giáo dục tạo mọi cơ hội và điều kiện để có thể trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thế hệ Z ngày càng hướng tới mô hình công dân toàn cầu, tức là công dân có nhiều quốc tịch, có thể làm việc ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, giáo dục ngày nay vẫn có nhiều rào cản khiến không ít thành viên của thế hệ Z chưa tiếp cận được với thành quả của văn hóa và công nghệ hiện đại.
Trong khi đó, thế hệ Alpha (sinh ra trong giai đoạn 2013-2028), từ khi sinh ra đã được sống trong thế giới công nghệ hiện đại, được đắm mình trong môi trường số. Thế giới màn hình với thế hệ này giống như cô bảo mẫu.
Nhiều nhà khoa học coi thế hệ Alpha là những người có tố chất kỹ thuật số “bẩm sinh”. Họ gọi thế hệ này bằng nhiều tên khác nhau như “thế hệ kính”, “thế hệ màn hình”, “thế hệ Internet”… Các cháu ở lứa tuổi này không bị rào cản về văn hóa, tức là dễ dàng chấp nhận văn hóa khác với mình.
Thế hệ này sẽ ra nước ngoài nhiều hơn, sống trong “ngôi nhà” toàn cầu nhiều hơn, có khái niệm biên giới rộng hơn. Nói đúng hơn, thế hệ này sẽ học tập, làm việc, đi du lịch giữa các quốc gia mà không gặp rào cản nào về ngôn ngữ và văn hóa. Đặc biệt, theo nhiều tài liệu, rồi đây, thế hệ Alpha sẽ định nghĩa lại khái niệm “việc làm”, thay đổi các mô hình trường học và mô hình giáo dục.
Chúng ta thường nhìn thế hệ trẻ bằng con mắt tĩnh. Rào cản hiện nay là nhận thức của người lớn về thế hệ này. Có thể nói, so với thế hệ trước, các em có một gia tốc phát triển mạnh hơn, tức là sự phát triển về mặt tâm lý, tri thức khác với cha anh.
Theo tôi, hiện nay đào tạo học sinh, sinh viên phải gắn liền với lao động. Quá trình lao động không chỉ giúp các em hình thành năng lực quản lý thời gian, tài chính mà còn sớm nhận thức được giá trị bản thân. Đồng thời, các em cần chương trình giáo dục không nặng nề về lý thuyết, được thực hành nhiều hơn, giúp nâng cao kỹ năng, thích ứng được với sự đổi thay của thế giới.
Do vậy, đối với thế hệ Alpha giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030 cần chuẩn bị cho các em theo hướng công dân toàn cầu. Cần tránh lối học nhồi nhét kiến thức không cần thiết cho tương lai của các em hay tránh việc học chỉ để thi, học để có tấm bằng.