18:38, 17/06/2023
BHG – Phía sau mỗi tác phẩm báo chí chất lượng đến với độc giả là những câu chuyện nghề đầy cung bậc cảm xúc, từ khó khăn, vất vả đến niềm vui xen lẫn tự hào; là trái tim nhiệt huyết và trách nhiệm nghề lớn lao của người cầm bút.
Tháng 5, trời nắng như đổ lửa, mùa Hè năm nay nắng kéo dài hơn, gay gắt hơn và hành trình “mục sở thị” những cánh rừng già để viết phóng sự của nhóm phóng viên Báo Hà Giang cũng vất vả hơn. Các cán bộ ở Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang – Tây Côn Lĩnh ngạc nhiên khi phóng viên hẹn đi tuần rừng với họ là một nhà báo nữ. Hạt trưởng Phạm Thanh Tùng cẩn thận hỏi lại: “Đường đi tuần rừng rất vất vả, phải đi bộ nhiều, nhà báo nữ có chắc đi được không”? Tôi mỉm cười!
Để chụp được hình ảnh những cây Nghiến cổ thụ sừng sững vươn mình đón nắng, ghi lại cảnh tuần tra, bảo vệ rừng của cán bộ kiểm lâm và tổ bảo vệ rừng Hoàng Lỳ Pả, xã Minh Tân (Vị Xuyên) và có câu chuyện, chi tiết hay chúng tôi đã phải lội suối, băng rừng, nỗ lực rất nhiều. Quá trình khai thác đề tài đòi hỏi phóng viên phải thâm nhập sâu vào thực tế, gặp gỡ các nhân vật, tìm kiếm tài liệu, phân tích, tìm hiểu, tiếp xúc, khai thác chi tiết đắt giá, câu chuyện cuộc sống để tác phẩm dễ đi vào lòng người nhất.
Lại kể chuyến đi rừng chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh cao 2.428 m so với mực nước biển, nơi được mệnh danh là “Nóc nhà Đồng Bắc”. Hành trình đi bộ suốt 1 ngày trời xuyên rừng đặc dụng với đường mòn trơn trượt, có nơi dốc đứng, phải đu bám theo rễ cây để leo lên, đã có lúc đôi chân nhỏ bé của một nhà báo nữ muốn khụy xuống, bỏ cuộc; nhưng mong muốn mang đến cho độc giả những bức ảnh hoa Đỗ quyên rực rỡ, bồng bềnh giữa biển mây trên đỉnh Tây Côn Lĩnh đã thôi thúc bước chân chúng tôi tiếp tục hành trình. Nhà báo Đình Anh (Đài PT – TH tỉnh) và Bang Phúc (Báo Hà Giang) đã ngủ lại lán, giữa rừng già mưa đêm rả rích, không điện, không sóng điện thoại, chỉ ăn lương khô để chờ sáng sớm hôm sau ghi lại khoảnh khắc tuyệt đẹp khi mặt trời mọc trên đỉnh Tây Côn Lĩnh.
Phóng viên Báo Hà Giang tác nghiệp tại rừng đặc dụng Phong Quang – Tây Côn Lĩnh. |
Trong khoảng thời gian cả đất nước chống dịch Covid -19, phóng viên Kim Tiến, Duy Tuấn (Báo Hà Giang) không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, trực tiếp vào tâm dịch để phản ánh công tác phòng, chống dịch của chính quyền địa phương và cuộc sống người dân vùng dịch. Hay hình ảnh mùa khô khắc nghiệt năm nay trên Công viên Địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng văn được phóng viên kịp thời phản ánh. Đặc biệt, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, những kết quả đạt được cùng nhiều khó khăn, vướng mắc đều được báo chí phản ánh một cách sinh động, đầy đủ, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương có cái nhìn toàn diện để phân tích, đánh giá, đề ra giải pháp quan trọng thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Ở đâu có sự kiện, có hơi thở cuộc sống, ở đâu cần phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân ở đó có báo chí. Báo chí phản ảnh cuộc sống một cách toàn diện. Thông qua báo chí để truyền tải những thông tin tích cực, giúp người dân hiểu đúng và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no.
Chia sẻ một vài kỷ niệm nhỏ, để thấy bước chân vào nghề báo, mỗi phóng viên đã tự lựa chọn cho mình một con đường không hề bằng phẳng; giọt mồ hôi rơi thẫm trên từng trang báo, cả những khung hình. Người làm báo đặc biệt phải thường xuyên lao động sáng tạo, mỗi bài báo là một “lát cắt” cuộc sống khác nhau, không lối mòn, phải thường xuyên đổi mới cách thể hiện cho lôi cuốn, hấp dẫn. Bởi vậy, nói nhà báo viết nhiều thành quen chỉ đúng một phần. Vất vả là điều thấy rõ, nhưng sau mỗi chuyến đi, chúng tôi có thêm nhiều trải nghiệm, tích lũy nhiều kinh nghiệm, kiến thức, vốn sống, rèn luyện bản lĩnh chính trị và đạo đưc nghề, từ đó có nhiều tác phẩm hay, sinh động, chất lượng, được độc giả đón nhận. Vinh dự hơn, nhiều tác phẩm đã đạt giải báo chí của T.Ư, của tỉnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng. Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, người làm báo và cơ quan báo chí phải luôn cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”. Lời Bác dạy mãi là “kim chỉ nam” để chúng tôi luôn cần mẫn đi, cần mẫn viết, giữ vững “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN