Chiều 8/2, tại thành phố Tam Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về tình hình kinh tế-xã hội, kết quả triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong chuyến công tác tại Quảng Nam năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết, lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan Trung ương và tỉnh Quảng Nam.
Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dâng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Nam, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ) và thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thoại tại huyện Núi Thành.
Sau đó, đoàn thăm, khảo sát một số cơ sở kinh tế trọng điểm, doanh nghiệp lớn của tỉnh gồm Khu kinh tế mở Chu Lai, cảng biển Chu Lai, sân bay Chu Lai, các nhà máy của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO), tập đoàn HS Hyosung.
Giàu tiềm năng, thế mạnh và nhiều "dư địa" phát triển
Các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp đánh giá, Quảng Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển, với diện tích gần 10.600 km² (thứ 6 cả nước); dân số trên 1,5 triệu người (thứ 20 cả nước), gồm 37 dân tộc anh em.
Khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng có nhiều thuận lợi (nhiệt độ trung bình khoảng 250C và không có sự cách biệt lớn giữa các tháng trong năm). Tỉnh có vị trí địa lý "đắc địa", theo hướng Bắc-Nam, nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; hướng đông-tây vừa giáp Biển Đông, vừa giáp biên giới với Lào (có đường biên giới dài trên 157 km với Lào; bờ biển dài 125 km).
Quảng Nam là quê hương của nhiều anh hùng hào kiệt, chí sĩ; có lực lượng lao động khá dồi dào với trên 838.000 người (chiếm 55% dân số).
Tỉnh có hệ thống hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ: Đường bộ có quốc lộ 1A, đường ven biển, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi...; đường không có Cảng hàng không Chu Lai và gần sân bay quốc tế Đà Nẵng; đường biển có cảng nước sâu Dung Quất, Kỳ Hà và cận kề cảng Tiên Sa; đường sông có 3 sông lớn là Vũ Gia, Thu Bồn và Tam Kỳ; đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến bố trí Ga hàng hóa Chu Lai.
Về công nghiệp, có Khu kinh tế mở Chu Lai-khu kinh tế ven biển đầu tiên của Việt Nam; các khu công nghiệp như Điện Nam-Điện Ngọc, Tam Thăng, Đông Quế Sơn…
Về nông nghiệp và kinh tế biển, có Sâm Ngọc Linh - được xem là "quốc bảo" của Việt Nam; nhiều vùng đất trồng lúa, cây ăn quả, rau sạch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn 40.000 km2.
Về du lịch, có nhiều tài nguyên du lịch mang giá trị toàn cầu như Di sản văn hoá thế giới (đô thị cổ Hội An, Đền tháp Mỹ Sơn); Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm; nhiều thắng cảnh tự nhiên (bãi biển đẹp, hồ nước lớn, rừng núi nên thơ).
Về năng lượng, các nhà máy thủy điện công suất lớn như Sông Tranh 2, A Vương...; tiềm năng điện khí từ mỏ "Cá Voi Xanh" và điện gió ngoài khơi…
Quảng Nam là vùng đất "địa linh nhân kiệt", cách mạng, anh hùng, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, bản sắc; giàu tiềm năng, thế mạnh và nhiều "dư địa" phát triển.
Về kết quả phát triển kinh tế-xã hội, trong năm 2024, tăng trưởng GRDP bắt đầu phục hồi tốt, từ giảm 8,25% năm 2023 đến tăng 7,1% năm 2024; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (tỉ trọng công nghiệp-xây dựng và dịch vụ chiếm 68,3%).
Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2024 đạt 27,6 nghìn tỷ, tăng 10,1% so với năm 2023.
Thu hút đầu tư tạo được động lực tăng trưởng. Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 241 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 6,45 tỷ USD, xếp thứ 20 cả nước; trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Du lịch là điểm sáng. Năm 2024 thu hút được 8 triệu lượt khách, trong đó có 5,5 triệu lượt khách quốc tế, chiếm gần 31,3% khách quốc tế đến Việt Nam, vừa đem lại giá trị kinh tế, vừa quảng bá đất nước, con người xứ Quảng nói riêng, Việt Nam nói chung.
An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được nâng lên (tỉ lệ nghèo giảm trên 1%; GRDP bình quân đầu người năm 2024 đạt hơn 84 triệu đồng, tăng 10 triệu đồng so với năm 2023). Tích cực triển khai Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 với cách làm sáng tạo (như đấu giá sâm Ngọc Linh để ủng hộ xóa nhà tạm); đến nay đã hoàn thành 60% kế hoạch.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục, lao động… được chú trọng. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được triển khai thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn; năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Trong tháng đầu năm 2025, tình hình kinh tế-xã hội của Quảng Nam tiếp tục đạt kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng 10% trong năm 2025, tạo khí thế mới.
Tỉnh đã tổ chức tốt Tết Ất Tỵ 2025 diễn ra trong không khí vui tươi, đầm ấm, sum vầy, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; mọi người, mọi nhà đều có Tết và Kỷ niệm trang trọng, ý nghĩa 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Quảng Nam tiếp tục thu hút tốt khách du lịch (trong tháng đầu năm thu hút 655.000 lượt, trong đó khách quốc tế 530.000 lượt). Chỉ đạo quyết liệt công tác sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW. Tích cực, chủ động chuẩn bị đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Báo cáo của tỉnh Quảng Nam và ý kiến các đại biểu cũng nêu một số định hướng như tiếp tục xây dựng vùng Đông Nam của tỉnh trở thành chuỗi đô thị-trung tâm dịch vụ, du lịch-công nghiệp sạch-nông nghiệp công nghệ cao.
Tập trung phát triển công nghiệp trở thành động lực, tạo đột phá tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai và các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực (ô tô, cơ khí chế tạo, dệt may, da giày, hóa chất…). Phát triển kinh tế biển, cảng biển, cảng hàng không gắn với phát triển dịch vụ logistics.
Cùng với đó, tiếp tục xác định du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng chuỗi du lịch văn hóa, sinh thái trên cơ sở lấy hai di sản thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An làm trung tâm để lan tỏa, kết nối với các điểm đến du lịch của Quảng Nam (như Cù lao Chàm, Hồ Phú Ninh), của quốc gia (như "Con đường di sản miền Trung"), hướng tới kết nối khu vực, quốc tế. Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, phát triển sâm Ngọc Linh.
Phát huy truyền thống đi đầu, anh dũng kiên cường
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp về những kết quả, thành tựu của Quảng Nam thời gian qua, nhất là tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển hạ tầng, khuyến khích doanh nghiệp làm được một số việc; khai thác các di sản Hội An, Mỹ Sơn; cùng cả nước tổ chức cho nhân dân đón Tết, nhà nhà có Tết, người người có Tết…; đóng góp vào thành tựu, kết quả chung của cả nước.
Thủ tướng cũng biểu dương tập đoàn Trường Hải (THACO) đã làm tốt các nội dung trong kết luận của Thủ tướng tại cuộc làm việc với Quảng Nam năm 2022.
Chia sẻ một số băn khoăn, trăn trở về khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, Thủ tướng cho rằng, Quảng Nam cần phát huy cao độ hơn nữa nguồn lực con người Quảng Nam anh hùng, cách mạng, phát huy truyền thống lịch sử hào hùng "anh dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ" để đi đầu trong phát triển kinh tế ngày nay.
Cùng với đó, tỉnh có hạ tầng giao thông tương đối đầy đủ các loại hình nhưng chưa khai thác tối đa hiệu quả. Nhân lực chất lượng cao còn thiếu. Vùng núi phía tây của tỉnh còn khó khăn.
Một số chỉ số quan trọng về đánh giá môi trường kinh doanh xếp thứ hạng không cao. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm ngoài 30 tỉnh, thành phố tốt nhất Việt Nam năm 2023; Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) xếp 56/63; Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh xếp thứ 48/63.
Tình hình trật tự an toàn xã hội, tội phạm ma túy, tai nạn giao thông... còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.
Phân tích một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh, cán bộ Quảng Nam phải gắn bó, "sống chết" với Quảng Nam, phát huy đoàn kết thống nhất, bám đất, bám người để lãnh đạo, chỉ đạo, làm việc, phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp.
Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường giám sát, kiểm tra; kiên trì, kiên định, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải nguồn lực, làm việc nào ra việc đó, làm việc nào dứt việc đó.
Thủ tướng cũng lưu ý, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực và động lực của phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trong phục vụ hành chính công, trong đổi mới sáng tạo, trong xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và trong huy động nguồn lực.
Về một số quan điểm, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XXII. Bám sát đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, tầm quan trọng của tỉnh. Phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, huy động hiệu quả mọi nguồn lực; tận dụng hiệu quả mọi tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh.
Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; chú trọng sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm hiệu quả để tiếp tục phát huy, nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao.
Suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, càng áp lực thì càng phải nỗ lực, phấn đấu đạt kết quả cao nhất, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2025 và Kế hoạch 2021-2025.
Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, liêm chính, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.
Tăng trưởng kinh tế năm 2025 phải đạt ít nhất 10%
Chỉ rõ 10 nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu Quảng Nam nỗ lực hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2025 và giai đoạn 2021-2025, phấn đấu tăng trưởng kinh tế tỉnh cả năm đạt ít nhất 10%.
Muốn vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn, các ngành có liên quan, các huyện, thành phố phải cùng quyết tâm, nỗ lực với chỉ tiêu được giao cụ thể; phát triển các lĩnh vực thế mạnh như công nghiệp, năng lượng, thương mại, logistics, du lịch, dịch vụ; và đẩy mạnh đa dạng hóa, thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, kinh tế ban đêm… và các ngành, lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí.
Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ, phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, đẩy mạnh thực hiện Đề án 06.
Khẩn trương ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động của tỉnh thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, rà soát và tháo gỡ các vướng mắc về thể chế với quan điểm coi đây là "đột phá của đột phá"; tiếp tục thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, thể thao; đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Rà soát, huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt vốn FDI và hình thức đối tác công tư PPP).
Thủ tướng gợi ý Quảng Nam lấy đường ven biển làm hành lang phát triển mới, quy hoạch phía đông đường ven biển phải dành quỹ đất cho phát triển dịch vụ, sản xuất kinh doanh, còn phát triển công nghiệp và đô thị tại phía tây tuyến đường, các khu đô thị, bất động sản càng sát núi càng tốt.
Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh triển khai quyết liệt phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025"; làm tốt chương trình phát triển, xây dựng nhà ở xã hội. Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội cho người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc.
Cùng với đó, tăng cường bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ môi trường, phát triển nhanh nhưng bền vững. Tổ chức tốt các ngày lễ lớn của đất nước và các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Quảng Nam (24/3/1975-24/3/2025).
Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên gắn với tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp cả về nhân sự, đường lối và bảo đảm an toàn.
Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, hoàn thành sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong tháng 2, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Xây dựng sân bay Chu Lai cấp 4F
Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã phản hồi và Thủ tướng đã cho ý kiến cụ thể về các đề xuất, kiến nghị của Quảng Nam để giải quyết dứt điểm các vấn đề, vướng mắc liên quan việc xã hội hóa đầu tư, khai thác sân bay Chu Lai gắn với khu phi thuế quan Tam Quang; bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới Hội An, Mỹ Sơn; phát triển khu kinh tế mở Chu Lai trở thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ ô tô và cơ khí đa dụng quốc gia; đầu tư luồng Cửa Lở cho tàu 50.000 tấn và quy hoạch trung tâm logistics container tại cảng Chu Lai; đầu tư, nâng cấp quốc lộ 14D, 14B; điều chỉnh quy hoạch khu đô thị đại học Đà Nẵng…
Thủ tướng nêu rõ sân bay Chu Lai có vị trí rất chiến lược, quan trọng, là tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, phải xây dựng sân bay Chu Lai cấp 4F (cấp cao nhất trong phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế) và quy hoạch, phát triển đô thị sân bay, phát triển hệ sinh thái sân bay. Thủ tướng giao tỉnh Quảng Nam là cơ quan có thẩm quyền để kêu gọi nhà đầu tư, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, hoàn thành thủ tục trong 6 tháng đầu năm 2025 và hoàn thành đầu tư xây dựng sân bay này để khai thác lưỡng dụng trong vòng 2 năm.
Nêu rõ trong tương lai, tỉnh phải tích cực tham gia cùng các địa phương làm dự án đường sắt tốc độ cao, đồng thời nghiên cứu mở đường cao tốc lên biên giới với nước bạn Lào, Thủ tướng cũng chấp thuận đề xuất về đầu tư luồng Cửa Lở cho tàu 50.000 tấn và quy hoạch trung tâm logistics Chu Lai, yêu cầu tỉnh hoàn thành các thủ tục để đến tháng 6/2027, phải hoàn thành trung tâm này.
Các bộ, ngành Trung ương phải chung sức, đồng lòng xử lý các vướng mắc, phát huy các mặt mạnh, truyền thống của Quảng Nam, "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm". Bộ Giao thông vận tải giải quyết ngay các thủ tục liên quan việc đầu tư dự án tuyến luồng Cửa Lở trên tinh thần bảo đảm thực chất, hiệu quả, vì lợi ích chung, bảo đảm minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/thu-tuong-can-bo-quang-nam-phai-bam-dat-bam-nguoi-song-chet-voi-quang-nam-de-tinh-di-dau-trong-phat-trien-386440.html
Bình luận (0)