Ở người trẻ, các nguyên nhân gây chấn thương đầu gối thường là bong gân, rách dây chằng, căng cơ và rách sụn chêm. Những nguyên nhân ít phổ biến hơn là gãy xương, trật khớp xương bánh chè, trật khớp gối, theo trang tin The Conversation (Úc).
Nạn nhân nên đến gặp bác sĩ nếu cơn đau đầu gối xuất hiện các biểu hiện như đau dữ dội, không thể co duỗi, đi lại khó khăn hay biến dạng. Tùy thuộc vào tình trạng mà sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau.
Tuy nhiên, các phương pháp phổ biến là phải nghỉ ngơi, tránh dùng khớp đầu gối trong ít nhất 2 ngày. Chườm đá lên đầu gói trong 20 phút/lần và chườm lại sau khoảng 2 giờ. Đặc biệt, cần dùng túi chườm hoặc khăn chứ không được chườm đá trực tiếp lên da.
Nếu chấn thương đầu gối nặng thì cần băng lại. Bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau. Người bị đau cần hạn chế xoa bóp đầu gối, không uống rượu bia và tránh chạy khi chấn thương chưa lành.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu chụp MRI để xác định rõ cấu trúc bị tổn thương. Những trường hợp nặng cần kết hợp vật lý trị liệu.
Ngoài ra, không phải mọi tổn thương đầu gối đều do chấn thương. Nhiều trường hợp là do viêm khớp. Viêm khớp dù ít khi xuất hiện ở người trẻ nhưng vẫn có xảy ra.
Nếu nguyên nhân là viêm khớp thì người bệnh cần đến gặp bác sĩ. Đây là bệnh mạn tính nên sẽ tái phát. Để giảm đau và ngăn nguy cơ tái bùng phát viêm khớp, người bệnh cần điều chỉnh lối sống.
Họ cần tập thể dục thường xuyên để tăng cường các cơ xung quanh đầu gối. Các khối cơ này khỏe mạnh sẽ giúp giảm rõ rệt cơn đau và cứng khớp. Nếu đầu gối yếu thì cách tốt nhất là bắt đầu bằng đi bộ dưới hồ bơi.
Giảm cân cũng vô cùng quan trọng vì cân nặng quá khổ sẽ gây áp lực lớn lên khớp gối. Điều chỉnh một số thói quen cũng giúp giảm đau khớp gối. Ví dụ, những người phải ngồi nhiều thì cần thường xuyên đứng dậy đi lại. Trong khi đó, người phải đứng nhiều thì cần dành thời gian để ngồi xuống và giảm áp lực cho khớp, theo The Conversation.