Chuẩn bị hồ sơ (CV) sớm, lường trước các tình huống phỏng vấn và trả lời bằng các con số chi tiết là cách Hoàng Hà xin việc thành công tại Australia.
Bùi Như Hoàng Hà, 27 tuổi, tốt nghiệp Đại học Deakin, hiện làm chuyên viên phân tích dữ liệu kinh doanh tại Bunnings Group. Đây là tập đoàn bán lẻ lớn trong lĩnh vực nội thất ở Australia và New Zealand với hơn 53.000 nhân viên. Trước đó, cô từng rải 100 đơn xin việc, trúng tuyển vào một số công ty khác.
Theo Hà, tại Australia, mỗi năm doanh nghiệp có hai đợt tuyển dụng chính, đợt một từ tháng 1 đến 3, đợt hai khoảng tháng 6-9. Quy trình thường có bốn vòng là nộp hồ sơ (CV), kiểm tra online, phỏng vấn qua video và phỏng vấn trực tiếp.
Để tìm việc, Hà lên các diễn đàn như LinkedIn, Seek, GradConnection, Glassdoor. Ngoài ra, cô ghi chú lại thời hạn nhận hồ sơ của nhà tuyển dụng, tạo email xin việc và kiểm tra liên tục để tránh lỡ tin.
Khi làm CV, Hà dùng mẫu và công cụ mà trường cấp sẵn, với Hà là Đại học Deakin. Trước đó, cô cũng tham gia các buổi chia sẻ về việc làm của trường, của câu lạc bộ để tham khảo cách chuẩn bị.
Hà nhìn nhận CV chỉ nên gói gọn trong một trang để thuận tiện cho người đọc nên sử dụng cỡ chữ 10-11 với khoảng cách dòng nhỏ. Ngoài ra, câu từ mang tính chủ động, thể hiện khả năng lãnh đạo. Cô đặc biệt lưu ý việc trình bày dữ liệu để miêu tả quy mô và hiệu quả công việc, qua đó thể hiện kinh nghiệm của bản thân.
“Khi nộp đơn xin cho vị trí phân tích dữ liệu, tôi đã viết ‘xử lý 1,5 triệu dữ liệu Yelp để xây dựng mô hình chính xác 84% bằng Python’, thay vì ‘dùng Python để xử lý và trực quan hóa dữ liệu từ dữ liệu Yelp”, Hà ví dụ. Nếu chưa có kinh nghiệm, Hà cho rằng ứng viên có thể viết về các dự án học thuật đã làm, nói về những trải nghiệm liên quan.
Trang thông tin cá nhân hoặc portfolio (hồ sơ năng lực cá nhân) của ứng viên, theo Hà là một điểm cộng trong CV. Hà dùng ứng dụng Tableau để mô tả dự án đã làm một cách trực quan. Với ngành công nghệ hay thiết kế, ứng viên có thể trình bày bằng ứng dụng Github hay Behance. Đơn giản hơn là dùng LinkedIn để cập nhật các công việc đã trải qua, thành tích, chứng chỉ.
Cuối cùng, Hà đọc lại CV nhiều lần để lược bớt từ không cần thiết, trước khi bấm gửi.
Cô nhìn nhận thời gian phản hồi của doanh nghiệp khá lâu, có thể đến một tháng nên giữ trạng thái thoải mái. Nếu qua vòng này, bộ phận nhân sự sẽ gọi để kiểm tra thông tin nên ứng viên phải luôn chú ý điện thoại.
Nếu vào đến vòng kiểm tra online, Hà tìm hiểu một số câu hỏi thường gặp trên mạng bằng các tìm kiếm: “Tên công ty + online test for graduate jobs”, rồi luyện trả lời. Cô thường gặp các câu hỏi về tính cách hay cách xử lý mâu thuẫn trong công việc, khả năng làm việc nhóm và quản lý thời gian.
Theo cô, một số công ty công nghệ lớn như IBM, Auspost, Westpac sử dụng Revelian, bài kiểm tra tâm lý dùng trong tuyển dụng. Trong khi đó, Canva và Thoughtworks sử dụng bài kiểm tra chuyên môn, cần phải nắm vững kiến thức và kỹ năng cứng. Các công ty Big4 sẽ có bài test riêng.
Phỏng vấn video yêu cầu ứng viên trả lời câu hỏi tình huống và thể hiện sự hiểu biết về văn hóa công ty. Mỗi câu hỏi có thời gian chuẩn bị tối đa 2 phút và trả lời trong 4 phút. Đối với các câu hỏi tình huống, Hoàng Hà chuẩn bị bằng cách tra cứu và lập danh sách các câu hỏi thường gặp trên mạng, sau đó sửa câu trả lời mẫu bằng các kinh nghiệm học tập và làm việc của bản thân. Với phần còn lại, Hà tìm hiểu trước những nội dung như giá trị cốt lõi, tầm nhìn, sứ mệnh, văn hóa của công ty. Khi trả lời, cô áp dụng phương pháp STAR (Tình huống – Nhiệm vụ – Hành động – Kết quả).
“Có nghĩa là mình nêu tình huống cụ thể, công việc được giao, cách mình thực hiện nhiệm vụ và kết quả đạt được như thế nào”, Hà chia sẻ.
Vòng phỏng vấn cuối cùng thường diễn ra theo hai hình thức: phỏng vấn cá nhân kết hợp phỏng vấn nhóm hoặc phỏng vấn cá nhân kết hợp giải tình huống (case study).
Với hình thức đầu tiên, ứng viên sẽ tham gia chung một nhóm 6-10 người để thảo luận về một tình huống giả định. Các chuyên gia quan sát cách ứng viên giao tiếp, làm việc nhóm và kỹ năng giải quyết vấn đề. Khi gặp tình huống này, Hà luôn chia sẻ trung thực quan điểm của bản thân, cũng như mạnh dạn nêu câu hỏi của mình.
“Không có đáp án đúng – sai ở đây, họ chỉ muốn quan sát cách bạn tương tác với mọi người trong nhóm ra sao”, Hoàng Hà nói. Sau đó, ứng viên sẽ phỏng vấn 1:1 với một nhân viên cấp cao. Các câu hỏi thường lặp lại, tương tự vòng phỏng vấn video. Hà tìm cách làm nổi bật hơn các chi tiết về trải nghiệm của bản thân, thay vì trả lời chung chung.
Với cách thứ hai, bộ phận nhân sự thường gửi cho nhân sự một bài toán, yêu cầu giải quyết trong vòng 2-3 tiếng rồi thuyết trình. Sau đó tiếp tục là phỏng vấn 1:1 như trên.
Ở Bunnings Group, Hà được phỏng vấn theo cách này. Cô được yêu cầu chuẩn bị bài thuyết trình cho khách hàng muốn xây dựng website về thực phẩm hữu cơ. Hà dựng website mẫu, tính toán thời gian và chi phí thực hiện, cũng như hiệu quả mong muốn.
“Điểm mấu chốt để thuận lợi xin việc tại Australia là xây dựng hồ sơ ngay từ khi còn đi học, thông qua điểm tổng kết và các dự án. Ngoài ra, ứng viên cần kết nối các mối quan hệ, kiên trì rải đơn và nâng cao khả năng giao tiếp trong phỏng vấn”, Hà đúc rút.
Doãn Hùng