Theo chuyên gia, mỗi người cần kiểm soát thu chi, có phương án vay và trả nợ tối ưu, xây dựng danh mục đầu tư và các phương án bảo vệ tài chính.
Có lần, tôi được nghe đề cập đến bốn trụ cột trong quản lý tài chính cá nhân của mỗi người gồm trả nợ, tiết kiệm, bảo hiểm và đầu tư. Nếu lần lượt thực hiện các bước kể trên và ưu tiên theo thứ tự, mỗi người sẽ có nền tảng tài chính cá nhân vững.
Theo chuyên gia, kiến thức trên có đúng chưa? Tôi cần hiểu như thế nào về những trụ cột trong quản lý tài chính cá nhân?
Thanh Thảo (31 tuổi)
Chuyên gia tư vấn:
Khi xây dựng một kế hoạch tài chính cá nhân, cần đảm bảo sự xuất hiện của năm khía cạnh sau: quản lý thu chi, tối ưu hóa dòng tiền; xây dựng một phương án vay và trả nợ tối ưu; xây dựng danh mục đầu tư phù hợp với khẩu vị rủi ro, mục tiêu đầu tư và nhu cầu tài chính; xây dựng các phương án bảo vệ tài chính khi có sự cố; các khía cạnh khác gồm thuế thu nhập cá nhân, quỹ hưu trí, bảo hiểm xã hội, thừa kế và hôn nhân.
Do đó, bốn trụ cột mà bạn nhắc đến chỉ là những phần trong bức tranh tài chính cá nhân, không phải toàn diện và đầy đủ. Sau đây là năm khía cạnh của quản lý tài chính cá nhân.
Quản lý thu chi và tối ưu hóa dòng tiền
Cũng như việc xây một ngôi nhà, đây là cách tạo ra nền móng vững chắc. Bạn cần đảm bảo được dòng tiền vào (thu nhập) được tối ưu và dòng tiền ra (chi tiêu) được đảm bảo phù hợp, tránh lâm vào tình huống quá đà, thu không bù chi.
Ở bước này, bạn có thể thực hiện theo nhiều phương pháp như “công thức 50-30-20” gồm 50% cho chi tiêu thiết yếu, 30% chi tiêu cho hưởng thụ, giải trí và 20% dành tiết kiệm, đầu tư. Tuy nhiên, công thức sẽ có sự thay đổi đối với các mức thu nhập khác nhau. Đối với việc quản lý thu và chi, tôi khuyên bạn tránh mắc phải các tình huống sau.
Thứ nhất, chi tiền cho những mong muốn hơn cần thiết, chi tiêu mang tính cảm xúc, ham muốn nhất thời hơn là những khoản “không thể không chi”. Bạn nên rà soát các hoạt động chi tiêu đảm bảo hợp lý, chính xác và cắt bỏ các khoản dư thừa.
Thứ hai, chi cho ngắn hạn hơn dài hạn. Hãy nhớ, thói quen kỷ luật trong chi tiêu tạo ra sự bền vững trong tương lai, bạn không thể tạo ra quỹ hưu trí cho 30 năm về hưu bằng việc chi tiêu ngắn hạn, hoặc tiết kiệm ở mức quá thấp (<10% thu nhập). Hãy luôn dành ra một khoản chi tương lai dài hạn cho bản thân.
Bên cạnh đó, ngoài việc đảm bảo rằng chi tiêu hợp lý, hãy đừng quên rằng bạn cần gia tăng các nguồn thu nhập cho bản thân thông qua học hỏi và phát triển các kỹ năng mới. Đa dạng hóa nguồn thu nhập giúp đảm bảo quản trị tốt rủi ro, đồng thời cũng giúp gia tăng tài sản bền vững. Mỗi kỹ năng bạn học được đều là một cơ hội gia tăng nguồn thu nhập, không ngừng học tập để có thể tạo ra nhiều dòng tiền.
Cơ cấu lại các khoản vay và khoản nợ
Trả nợ là một vế mà bạn đã nhắc đến và tối ưu hóa khoản vay là vế còn lại. Nguyên tắc cần nhớ là nợ giảm dần, vay thông minh.
Các khoản nợ luôn phải nằm trong khả năng trả từ thu nhập hàng tháng của bạn. Có hai loại nợ cần phân biệt: nợ dài hạn trên tài sản đầu tư (như vay mua nhà) hoặc nợ ngắn hạn trên tài sản tiêu hao (như vay mua điện thoại, laptop). Đối với loại nợ dài hạn trên tài sản đầu tư, số tiền trả hàng tháng chính là chi phí cho tiết kiệm và đầu tư, nên ở mức tối đa 30% thu nhập.
Đối với loại nợ ngắn hạn trên tài sản tiêu hao, số tiền trả hàng tháng là chi phí hưởng thụ và giải trí, nên ở mức 10-15% thu nhập. Khi trả nợ có thể trả theo hai phương pháp, các khoản nhỏ trước hoặc các khoản lớn trước tùy hoàn cảnh của bạn.
Thứ hai là tối ưu để có các khoản vay thông minh. Thay vì phải chịu các khoản lãi suất cao, nếu bạn dành thời gian tìm hiểu về điều kiện các khoản vay theo các tiêu chí khoản tiền có thể vay, lãi suất, lãi suất thả nổi, thời gian ưu đãi, điều kiện đi kèm như khuyến khích mua bảo hiểm, phí phạt trả trước hạn, bạn có thể có những khoản tiền dôi ra từ việc vay thông minh. Đó là một dòng tiền không nhỏ nếu gói vay của bạn lớn và dài hạn. Ví dụ, khách hàng A vay 12% mỗi năm tại ngân hàng B trong khi ngân hàng C có gói vay 10% mỗi năm. Nếu khách hàng A chọn ngân hàng C thay vì ngân hàng B, người này sẽ có khoản tiền dôi ra để chi tiêu những việc khác.
Đầu tư thông minh và tối ưu hóa danh mục đầu tư
Trong đầu tư, bạn không nên “dồn trứng vào một rổ” và phải biết phân bổ danh mục đầu tư để tối ưu hóa lợi nhuận và quản trị rủi ro. Nếu bạn không có nhiều thời gian và kinh nghiệm, hãy bắt đầu từ số vốn nhỏ, hoặc đều đặn tích sản một cách an toàn. Tìm đến các chuyên gia, cố vấn tài chính cũng là một cách với những người ít kinh nghiệm.
Xây dựng các phương án dự phòng tài chính
Đây chính là chuẩn bị phương án cho các rủi ro không mong muốn. Bạn cần hiểu có hai dạng chính dẫn đến thất thoát tài chính hoặc mất đi hoàn toàn nguồn thu nhập.
Thứ nhất, mất việc hoặc bị sa thải. Tình huống này đòi hỏi bạn chuyển đổi sang một công việc mới hoặc cần một khoảng thời gian thích nghi. Việc xây dựng một quỹ dự phòng cho trường hợp này, từ 3-6 tháng thu nhập, là cần thiết và nên làm.
Thứ hai, có bất trắc xảy ra như tai nạn, ốm đau, bệnh hiểm nghèo hoặc thậm chí là mất sớm khi đang ở độ tuổi lao động. Những tình huống này hiện có nhiều phương án dự phòng nhưng cơ bản nhất là bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội. Tuy vậy, với nhu cầu “ăn ngon, mặc đẹp” như hiện nay, việc cân nhắc sở hữu bảo hiểm nhân thọ hoặc bảo hiểm sức khỏe là việc nên làm. Tương tự các khoản đầu tư, bạn cần cẩn thận, kỹ càng và tìm các chuyên gia, cố vấn chất lượng vì thời gian bảo hiểm dài, đồng thời đây là dòng sản phẩm có tính chất phức tạp do bao gồm cả tích lũy và đầu tư.
Các khía cạnh khác của tài chính cá nhân
Trong tài chính cá nhân, bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí, thuế thu nhập cá nhân và các khoản thuế khác, khoản thừa kế và tài sản hôn nhân cũng là những vấn đề bạn nên quan tâm. Cần quan tâm ngắn hạn là thuế và các tài sản hôn nhân. Các vấn đề dài hạn gồm quỹ hưu trí, thừa kế và bảo hiểm xã hội. Việc có thêm hiểu biết về những khía cạnh này cũng sẽ giúp bạn tạo ra nền tảng tài chính vững chắc trong tương lai.
Trần Mạnh Hoàng Việt
Chuyên gia Hoạch định Tài chính cá nhân
tại Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT