Cắt nối hai đầu, sử dụng niêm mạc má hoặc vạt da có cuống là những phương pháp phẫu thuật tạo hình niệu đạo được ứng dụng phổ biến hiện nay.
ThS.BS Cao Vĩnh Duy, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết phẫu thuật tạo hình niệu đạo là phương pháp khắc phục tình trạng tắc nghẽn, hẹp niệu đạo do mô sẹo hình thành bởi chấn thương, nhiễm trùng, bẩm sinh hay do phẫu thuật niệu đạo trước đó. Các phương pháp tạo hình niệu đạo được ứng dụng phổ biến hiện nay gồm:
Cắt nối tận - tận: Đây là kỹ thuật tạo hình niệu đạo thường được chỉ định cho những trường hợp niệu đạo hẹp đoạn dưới 2 cm. Bác sĩ mổ mở, bóc tách tiếp cận vị trí hẹp, cắt bỏ đoạn hẹp và nối hai đầu niệu đạo lại với nhau. Sau mổ, người bệnh cần mang ống thông tiểu khoảng 2-3 tuần để tạo điều kiện cho vết mổ phục hồi.
Sử dụng niêm mạc miệng, má: Với những đoạn niệu đạo dài trên 2 cm, phẫu thuật cắt nối tận - tận không được lựa chọn do có thể làm rút ngắn niệu đạo của người bệnh. Thay vào đó, bác sĩ ghép một phần niêm mạc miệng hoặc niêm mạc má có chiều dài tương ứng với đoạn hẹp.
Sử dụng vạt da có cuống: Phương pháp này được chỉ định trong các trường hợp niệu đạo hẹp đoạn dài và phức tạp. Vạt da thường được sử dụng là da bao quy đầu của chính người bệnh. Bác sĩ lựa chọn phần da có nhiều mạch máu nuôi, chiều dài 10-15 cm tùy theo đoạn hẹp. Sau đó, bác sĩ xẻ niệu đạo thành hình lòng máng rồi ghép vạt da vào.
Tùy độ dài, vị trí, mức độ hẹp, bác sĩ chọn phương pháp phẫu thuật tạo hình niệu đạo phù hợp. Đối với trường hợp phức tạp, bác sĩ có thể kết hợp nhiều kỹ thuật tạo hình khác nhau.
"Phẫu thuật tạo hình niệu đạo là tiêu chuẩn vàng trong điều trị hẹp niệu đạo", bác sĩ Vĩnh Duy nói, giải thích thêm rằng do hiệu quả loại bỏ hoàn toàn đoạn hẹp của các phương pháp này có thể trên 90%.
Tuy nhiên, đây là một trong những phẫu thuật tạo hình phức tạp nhất của hệ tiết niệu, đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật cần có tay nghề, kinh nghiệm thực tế. Bác sĩ thực hiện đúng kỹ thuật, tỉ mỉ giúp giảm tối đa nguy cơ tái phát. Sau mổ, người bệnh cần tái khám định kỳ để đánh giá phục hồi vết thương, chức năng đi tiểu và nguy cơ tái phát hẹp.
Bác sĩ Vĩnh Duy cho biết các triệu chứng như tiểu khó, tiểu gấp, tiểu buốt, dòng nước tiểu yếu, giảm lượng nước tiểu, nước tiểu sẫm màu, tiểu máu, đau bụng dưới, tiết dịch niệu đạo, khó xuất tinh... là dấu hiệu cảnh báo hẹp niệu đạo cần lưu ý. Người bệnh cần nhanh chóng đến đến bệnh viện khám, điều trị phù hợp, hiệu quả, tránh để lâu phát sinh biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng đường tiểu, thận ứ nước, suy giảm chức năng thận.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |
Source link
Bình luận (0)