Phụ huynh ở Italy bị phạt 500 euro, Australia cắt hỗ trợ gia đình nếu không tiêm chủng cho trẻ.
Tỷ lệ tiêm chủng giảm thấp có thể khiến dịch bệnh bùng phát, ảnh hưởng cộng đồng, trong đó có trẻ em. Để phòng bệnh, nhiều quốc gia đã áp dụng quy định xử phạt người không tiêm vaccine.
Tỉnh Sindh (Pakistan) hồi tháng 9 thông qua đạo luật xử phạt phụ huynh không tiêm phòng bại liệt cho con. Mức phạt cao nhất có thể lên đến một tháng tù và 50.000 rupee Pakistan (khoảng 4 triệu đồng). Đây là đạo luật đầu tiên ở nước này liên quan đến vấn đề chủng ngừa, được đưa ra trong bối cảnh Pakistan và Afghanistan vẫn xuất hiện các ca bệnh bại liệt hoang dã.
Italy ban hành luật bắt buộc tiêm chủng cho trẻ em dưới 6 tuổi vào năm 2019, do ghi nhận số ca mắc sởi tăng đột biến từ tháng 3 cùng năm. Cha mẹ có con 6-16 tuổi phải cung cấp bằng chứng đã chủng ngừa bại liệt, sởi, thủy đậu, rubella và quai bị trước khi đăng ký nhập học.
Nếu không chấp hành, phụ huynh có thể bị phạt 500 euro (tương đương hơn 12 triệu đồng). Trẻ dưới 6 tuổi, không được tiêm vaccine, sẽ bị cấm nhập học mầm non.
Kết quả, 300 trẻ bị đình chỉ học vì không được tiêm ngừa. Tỷ lệ tiêm chủng sau đó đạt 95% ở nhóm dưới 5 tuổi, tương đương mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Còn Australia năm 2015 ban hành chính sách “không tiêm chủng, không trả tiền” (no jab, no pay). Chính phủ nước này sẽ không trả các khoản hỗ trợ chăm sóc trẻ em hoặc giảm thuế thu nhập cuối năm nếu gia đình có trẻ chưa chủng ngừa. Số tiền ước tính có thể lên tới hơn 9.600 USD một năm cho một cặp vợ chồng (tương đương hơn 200 triệu đồng).
Giới chức cũng xử phạt các trường học tuyển sinh trẻ không tiêm phòng. Mức phạt vào khoảng 24.000 USD, tương đương hơn 580 triệu đồng.
Hai năm sau khi áp dụng chính sách “no jab, no pay”, tỷ lệ tiêm mũi bổ sung bạch hầu – ho gà – uốn ván ở nhóm 5-6 tuổi tăng từ 9,4% lên 15,5%. Tỷ tiêm chủng ở nhóm 10-19 tuổi tăng từ 86,6% lên 89%.
Tại Pháp, từ năm 2018, nước này bổ sung 8 loại vaccine bắt buộc phải tiêm cho trẻ nhỏ gồm ho gà, sởi, quai bị, rubella, viêm gan B, cúm, viêm phổi và viêm màng não do mô cầu, bên cạnh mũi tiêm ngừa bạch hầu, uốn ván và bại liệt. Phụ huynh có thể bị phạt tù nếu không cho con chích ngừa.
Việt Nam có Thông tư 38/2017 của Bộ Y tế, quy định 10 vaccine nằm trong lịch chủng ngừa bắt buộc thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), gồm: viêm gan B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do vi khuẩn Hib gây ra, sởi, viêm não Nhật Bản, Rubella.
Tại điều 9, Nghị định số 117 năm 2020 của Chính phủ, hành vi không thực hiện hoặc cản trở trẻ em, phụ nữ có thai sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc, bị cảnh cáo hoặc phạt từ 300.000 đến 500.000 đồng; xử phạt hành chính 1-3 triệu đồng đối với hành vi không chủng ngừa hoặc cản trở tiêm chủng trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng dịch.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết chương trình chủng ngừa bắt buộc tại Việt Nam đã giúp thanh toán bại liệt vào năm 2000, uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và nhiều dịch bệnh khác.
“Nếu nhiều người không tiêm chủng, dịch bệnh có thể tiếp tục lưu hành, bùng phát và lây cho những đối tượng chưa có miễn dịch, ví dụ trẻ nhỏ chưa đủ tuổi chủng ngừa hoặc người chống chỉ định dùng vaccine”, bác sĩ Chính nói.
Bác sĩ Chính cho biết tiêm chủng là trọn đời. Để bảo vệ sức khỏe của cả cộng đồng, người trưởng thành cũng cần được chích ngừa, chú trọng nhóm nguy cơ cao, dễ mắc bệnh và trở nặng gồm phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người mắc bệnh nền.
Nhật Linh