Chiều 17/12, UBND tỉnh An Giang tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện “Đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 tại An Giang” (đề án). Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT tham dự trực tuyến và chỉ đạo hội nghị.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang, thực hiện đề án, năm 2024, sở đã triển khai thực hiện 18 mô hình, mỗi mô hình 50ha, với tổng diện tích 900ha, tại 9 huyện, thị, thành và 4 mô hình thực hiện triệt để theo các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT, với diện tích 52ha, tại 4 huyện Phú Tân, Châu Thành, Tri Tôn và Thoại Sơn. Về phía địa phương có huyện Phú Tân và Châu Phú đã triển khai 165ha theo quy trình 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp trong vụ Thu Đông vừa qua.
Tính đến nay toàn tỉnh có 1.117ha diện tích mô hình được áp dụng triệt để theo các yêu cầu kỹ thuật của quy trình 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp; toàn tỉnh còn ghi nhận diện tích cơ bản đạt theo quy trình là 7.419ha/20.690ha (đây là phần diện tích được phát triển từ dự án Vnsat đến cuối năm 2023 là 22.310 ha, các diện tích này đã đáp ứng các yêu cầu của quy trình 1 phải 5 giảm, trong số đó có 36% diện tích đáp ứng chỉ tiêu thu gom rơm). Như vậy, tổng hợp chung diện tích áp dụng theo quy trình 1 triệu ha năm 2024 đạt được 8.536 ha/20.609 ha, đạt 41,4% diện tích kế hoạch của năm 2024.
Song song với các mô hình, tỉnh triển khai 93 lớp tập huấn tuyên truyền về thực hiện các tiêu chí 1 triệu ha và 12 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác theo đúng tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Kết quả tổng kết các mô hình cho thấy đã giảm lượng giống trung bình 67kg lúa giống/ha (mô hình 80kg/ha; đối chứng: 120 -170kg/ha); năng suất ruộng trung bình cao hơn đối chứng 0,1 tấn/ha (mô hình: 6,5 tấn/ha; đối chứng: 6,4 tấn/ha); chi phí sản xuất giảm trung bình 4-5 triệu đồng/ha; lợi nhuận mô hình cao hơn đối chứng 3,6-5,3 triệu đồng/ha.
Theo ông Trần Thanh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang cho biết, do kế hoạch thực hiện đề án được triển khai tại tỉnh An Giang chính thức từ tháng 6 năm 2024 đến nay, trong khi đó tỉnh cũng chưa kịp thời có những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động để nhân nhanh kế hoạch, nên diện tích chưa thể đạt tiến độ như mục tiêu của kế hoạch. Ngoài ra, các địa phương cũng còn rất lúng túng, chưa quyết liệt trong việc triển khai thực hiện đề án, đến nay chỉ có 2/11 địa phương triển khai mô hình nên diện tích toàn tỉnh chưa đạt theo Quyết định của UBND tỉnh.
Bên cạnh, cơ giới hóa trong nông nghiệp của tỉnh đầu tư chưa đồng bộ ở tất cả các khâu, trong đó khâu gieo sạ hàng, kết hợp vùi phân, thu gom rơm rạ… còn thiếu nên còn khó khăn trong thực hiện quy trình canh tác lúa bền vững của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Hợp tác xã, Tổ hợp tác nông nghiệp quy mô của hợp tác xã nhỏ; trình độ công nghệ lạc hậu, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý yếu; chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã còn thấp; hầu hết tập trung vào dịch vụ bơm tưới là chủ yếu, chưa phát huy được vai trò làm trung tâm của chuỗi liên kết.
Tỷ lệ liên kết theo chuỗi lúa gạo còn thấp, chiếm dưới 16% diện tích kế hoạch của doanh nghiệp; chính sách tín dụng đối với Hợp tác xã, Tổ hợp tác nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; thành viên của Tổ Khuyến nông cộng đồng còn hạn chế kiến thức…
Theo kế hoạch, trong năm 2025, An Giang sẽ thực hiện diện tích là 44.051ha tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, nhằm để nông dân tiếp cận mô hình, mạnh dạn thực hiện theo đề án tại địa phương, vụ Đông Xuân 2024 – 2025 toàn tỉnh sẽ triển khai 47 mô hình với diện tích là 526ha, trong đó Sở Nông nghiệp và PTNT 18 mô hình, diện tích 270ha, huyện Phú Tân 12 mô hình, diện tích 136ha, Tri Tôn nông dân tự nhân rộng mô hình với diện tích 40ha áp dụng máy sạ cụm, Châu Phú thực hiện 16 mô hình với 80ha.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, mục tiêu tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và xu thế tiêu dùng xanh toàn cầu. Bộ trưởng chỉ rõ, phát triển nông nghiệp bền vững không thể chỉ chú trọng vào năng suất và sản lượng mà cần hướng đến giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo. Đồng thời đảm bảo môi trường và sức khỏe nông dân.
Bộ trưởng đề nghị các cấp chính quyền, doanh nghiệp và HTX phải đồng hành cùng nông dân; doanh nghiệp cần cam kết thu mua lúa gạo với giá cao hơn thị trường nhằm khuyến khích nông dân tham gia HTX, tạo động lực hợp tác và nâng cao lợi nhuận. Tuy nhiên, để đạt được sự bền vững, Bộ trưởng cho rằng điều quan trọng là nâng cao năng lực của người nông dân thông qua các hoạt động khuyến nông, phổ biến kỹ thuật canh tác chính xác và hiệu quả.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng lưu ý, quá trình tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo phải dựa trên hệ sinh thái liên kết giữa chính quyền, doanh nghiệp và nông dân. Doanh nghiệp cần đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc hiện đại như máy gặt đập liên hợp, cũng như đảm bảo ổn định đầu ra. Chính quyền và các cấp ủy cần sát cánh, lắng nghe và tháo gỡ khó khăn kịp thời, từ đó tạo niềm tin và sự gắn bó của người nông dân với chuỗi sản xuất. Bộ trưởng kỳ vọng An Giang sẽ là địa phương tiên phong trong xây dựng hệ sinh thái ngành hàng lúa gạo bền vững, góp phần nâng cao thương hiệu và giá trị lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Phát biểu tiếp thu và chỉ đạo hội nghị, ông Hồ Văn Mừng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang ghi nhận những ý kiến phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, đồng thời đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đề án; rà soát lại những thuận lợi, khó khăn và có những kiến nghị để triển khai đề án theo đúng kế hoạch.
Còn về nguồn vốn hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang sẽ có buổi làm việc riêng với Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh, tháo gỡ khó khăn để các HTX sớm tiếp cận nguồn vốn vay.
Nguồn: https://danviet.vn/an-giang-cac-dia-phuong-con-lung-tung-trien-khai-thuc-hien-de-an-1-trieu-ha-lua-chat-luong-cao-20241217161306195.htm