Bức ảnh chụp tấm biển “Austria, không phải Australia” gần đây lan truyền trên mạng, thu hút sự quan tâm của du khách về vấn đề nhầm lẫn điểm đến.
Nazir Afzal, luật sư nổi tiếng người Anh, đăng lên Twitter bức ảnh “Xin lỗi, đây là Austria (Áo) chứ không phải Australia. Nếu cần giúp đỡ hãy bấm nút này” vào ngày 15/10. Dưới bức ảnh, Afzal viết thêm: “Hơn 100 hành khách mỗi năm muốn bay đến Australia nhưng lại bay nhầm đến Áo. Vì vậy sân bay Salzburg có một quầy đặc biệt dành cho những người bị nhầm này”.
Sau gần 1 tháng đăng tải, bài viết của Afzal thu hút hơn 2,4 triệu lượt xem và gần 2.500 lượt chia sẻ cùng hơn 400 bình luận và 18.000 lượt thích. Đề tài nhanh chóng trở thành chủ đề “hot” trên mạng, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách.
Đầu tháng 11, một video nói về việc khách du lịch nhầm Áo thành Australia tiếp tục xuất hiện trên mạng, cũng thu hút hàng triệu lượt xem. Điều này khiến không ít du khách tin rằng tấm biển cảnh báo kia có thật tại sân bay Salzburg. Sự việc nổi tiếng đến mức đại diện sân bay phải lên tiếng xác nhận chỉ là một trò đùa. Trên thực tế sân bay không có bộ phận hỗ trợ dành cho những người chọn đến Australia nghỉ dưỡng nhưng lại bay nhầm đến Áo.
“Chúng tôi chưa gặp khách nào muốn đến Australia nhưng lại bay nhầm đến Áo”, Susanne Buchebner, phó giám đốc quan hệ công chúng của sân bay Salzburg, cho biết. Tấm biển được nhiều người chia sẻ phía trên thực chất là một chiến dịch quảng cáo vài năm trước của một công ty trong nước.
Dù sân bay chưa từng có bộ phận hỗ trợ khách bay nhầm Áo với Australia, trên thế giới vẫn có nhiều trường hợp khách bị nhầm địa điểm du lịch. Theo tờ Sydney Morning Herald của Australia, khi nhắc đến thành phố Parma, Italy, nhiều du khách đã bị nhầm sang Palma ở Tây Ban Nha. Số khác lại nhầm với Palma ở bang California, Mỹ.
Một du khách chia sẻ về câu chuyện đồng nghiệp của mình đặt vé đi nghỉ tại Salvador, một thành phố của Brazil nhưng lại chọn nhầm đến El Salvador, quốc gia nằm ở Trung Mỹ.
Cũng theo tờ Sydney Morning Herald, năm 2002 và 2009 có hai trường hợp du khách bay đến Sydney, một địa điểm ven biển thuộc Nova Scotia, Canada, thay vì Sydney, Australia. Năm 2022, sự cố tương tự xảy ra khi một du khách đến từ New York, Mỹ, sau khi hạ cánh đến Sidney, Montana, Mỹ mới phát hiện đặt nhầm vé. Nơi khách muốn đến thực sự là Sydney, Australia.
Năm 2021, một nhóm cổ động viên bóng đá người Pháp bay đến thủ đô Bucharest, Romania để xem đội bóng của mình thi đấu với đội Hungary. Đến nơi họ mới nhận ra địa điểm diễn ra trận đấu là ở Budapest, Hungary, và cách Bucharest 800 km.
Theo các chuyên gia du lịch từ CNN, nhầm lẫn điểm đến rất phổ biến, không được các hãng bay bồi thường vì là lỗi của khách. Do đó, cách tốt nhất để tránh nhầm lẫn là du khách đến kiểm tra kỹ vé máy bay, điểm đến trước khi tới những nơi mới.
Anh Minh (Theo SMH, CNN)