Vùng trắng ở đấu trường quốc tế
Trước đây, dù không nổi bật, nhưng thời điểm nào bóng đá VN cũng có cầu thủ xuất ngoại thi đấu cho các CLB nước ngoài. Năm 2001, Lê Huỳnh Đức khoác áo CLB Lifan Trùng Khánh theo hợp đồng cho mượn từ CLB Công an TP.HCM. Cầu thủ Lương Trung Tuấn khi bị cấm thi đấu ở VN cũng tìm được bến đỗ khoác áo CLB Cảng Thái Lan năm 2003. Tiền đạo Nguyễn Việt Thắng cũng đến châu Âu đá cho CLB Porto B năm 2005. Tiếp đó, tiền đạo Lê Công Vinh có 2 lần xuất ngoại thi đấu cho CLB Leixoes S.C (Bồ Đào Nha) năm 2009 và Hokkaido Consadole Sapporo (Nhật Bản) năm 2013.
Xu hướng bóng đá VN xuất khẩu cầu thủ chính thức nở rộ từ cuối năm 2015 khi “đám trẻ” của bầu Đức bắt đầu trưởng thành. Bầu Đức đã đưa Công Phượng và Tuấn Anh đến Mito HollyHock FC, Yokohama FC (J-League 2, Nhật Bản), Xuân Trường đầu quân CLB Incheon United (K-League 1) theo các bản hợp đồng cho mượn… Đó là một phần trong giấc mơ cầu thủ VN chơi bóng tại các CLB nước ngoài mà bầu Đức dày công đầu tư cho học viện bóng đá.
Sau đó, CLB Hà Nội cũng tạo điều kiện để Văn Hậu thử sức ở CLB Heerenveen (Hà Lan, mùa 2019 – 2020). Quang Hải tự tìm đường sang Pháp khoác áo Pau FC (2022 – 2024)… Đến tháng 1.2023, Văn Toàn đến với Seoul E-land FC (K-League 2, Hàn Quốc) và Công Phượng đến Yokohama FC (J-League 1, Nhật Bản) theo hướng chuyển nhượng tự do. Văn Toàn trở về VN hồi tháng 9.2023, sau 1 mùa bóng có 9 lần ra sân với 388 phút thi đấu. Đến ngày 15.9, Công Phượng chính thức chia tay Yokohama FC với chỉ 3 lần ra sân tại Cúp hoàng đế sau 2 mùa bóng ở Nhật Bản.
Đây là lần thứ 4 Công Phượng thử sức ở nước ngoài không thành, cũng là thất bại chung của giấc mơ bóng đá VN xuất khẩu cầu thủ. Thống kê của trang Target Man lấy nguồn từ Soccerway về cầu thủ thi đấu ở tốp 80 nền bóng đá hàng đầu thế giới, cho thấy VN không còn cầu thủ nào. Điều này khiến chúng ta thua cả Lào, Myanmar, Malaysia, Timor Leste khi mỗi nước có 2 cầu thủ. Đồng thời bị các nước khác bỏ xa, bởi Philippines có 22 cầu thủ, Indonesia 21 cầu thủ, Thái Lan 12 cầu thủ ra nước ngoài thi đấu.
Đa số những chuyến đi đều thất bại
Tính đến lúc này, có thể thấy các cầu thủ VN ra nước ngoài thi đấu đa số đều không thành công, ngoại trừ trường hợp thủ môn Văn Lâm khi khoác áo CLB Muangthong United (Thái Lan).
Không chỉ thất bại về chuyên môn mà cầu thủ VN cũng không thu được nhiều lợi ích khi mạo hiểm “đem chuông đi đánh xứ người”.
Công Phượng được xem là có thu nhập khá nhất cũng chỉ nhận được 200.000 USD/mùa (khoảng 5 tỉ đồng) khi thi đấu ở Nhật Bản. Ở CLB Pau FC, Quang Hải nhận khoảng 100.000 USD/mùa (khoảng 2,5 tỉ đồng). Con số này thua xa mức Công Phượng đang yêu cầu 24 tỉ đồng cho 3 năm chơi bóng ở CLB thuộc giải hạng nhất VN. Tương tự, khi trở về VN thu nhập của Quang Hải ở CLB trong nước cũng cao gấp 3 lần so với thi đấu cho Pau FC. Ngoài ra, rủi ro đến từ rào cản văn hóa cũng là nguyên nhân khiến cầu thủ VN chưa có được sự thành công khi đá ở nước ngoài, bên cạnh đó họ khó hòa nhập trong môi trường cạnh tranh chuyên nghiệp.
Khác với bóng đá nam, bóng đá nữ VN có tiền đạo Huỳnh Như xuất ngoại thành công khi cô thường xuyên đá chính và ghi bàn trong 2 năm thi đấu cho CLB Lank ở Bồ Đào Nha. Huỳnh Như là người đi tiên phong trong bóng đá nữ, nhưng cô có được thành công nhờ mặt bằng chung của bóng đá nữ VN không thua quá xa so với các nền bóng đá nữ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bong-da-viet-nam-thua-xa-cac-nuoc-trong-khu-vuc-ve-xuat-ngoai-cau-thu-185240917154102536.htm