Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp Bộ Y tế hoàn thiện chính sách về lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp đặc thù cho nhân viên y tế.
“Chế độ sẽ phù hợp lộ trình cải cách chính sách tiền lương của Trung ương, đảm bảo quan điểm ngành y là ngành đặc biệt và đãi ngộ cũng cần chính sách đặc biệt”, Bộ trưởng Nội vụ nói khi giải trình một số nội dung đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận của Quốc hội, chiều 29/5.
Bà Trà cho hay, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp Bộ Y tế tham mưu Chính phủ xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực ngành y khu vực công đến năm 2030. Đề án sẽ cụ thể hóa chiến lược, bảo đảm căn cơ nhân lực ngành y trong tình hình mới.
Theo Bộ trưởng, thành công trong phòng chống dịch Covid-19 vừa qua có sự đóng góp lớn của đội ngũ nhân viên y tế. Tuy nhiên qua đại dịch, những khó khăn trong tổ chức bộ máy, nhân sự và nhiều mặt khác cũng bộ lộ rõ hơn. Trong số 39.000 công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc thời gian, riêng ngành y tế đã chiếm 25%.
Vì vậy, việc xây dựng nguồn nhân lực ngành y cần đặt trong tổng thể Nghị quyết 19/2017 của Trung ương về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết 20/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Cùng với đó, Bộ Nội vụ sẽ sửa đổi, bổ sung chính sách sử dụng, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng viên chức y tế; chính sách thu hút bác sĩ công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và vùng hải đảo.
Mức biên chế ngành y sẽ được xác định rõ trên cơ sở vị trí việc làm theo quy mô dân số, điều kiện kinh tế xã hội của các vùng miền, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. “Không đặt vấn đề giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách đối với y tế cơ sở”, bà Trà khẳng định.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định Việt Nam là số ít nước có mạng lưới y tế cơ sở hoàn chỉnh được tổ chức đến tận thôn, xã. Nhiều nước quan tâm học hỏi mô hình này. Mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp đã đưa Việt Nam thành điểm sáng về y tế công cộng so với các nước có cùng trình độ phát triển.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát, đặt ra yêu cầu về phát triển y tế cơ sở và y tế dự phòng để đủ năng lực ứng phó. “Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu để hoàn thiện, phát triển hệ thống y tế cơ sở”, bà Lan cho hay.
Theo bà Lan, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo chỉ thị của Ban Bí thư về xây dựng hệ thống y tế cơ sở trong tình hình mới; dự kiến được thông qua vào tháng 6. Chỉ thị sẽ đề cập nhiều nội dung về tổ chức bộ máy, cơ chế thực hiện, phương thức triển khai, củng cố nhân lực y tế cơ sở. Sau đó, Bộ Y tế sẽ cụ thể hóa những nội dung này.
Những bất cập về hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng được đề cập rất rõ trong báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội. Theo đó, tổ chức, bộ máy của hệ thống thay đổi nhiều qua các năm, nguồn nhân lực thiếu, chất lượng chưa bảo đảm; chính sách cho đội ngũ y bác sĩ không tương xứng với nhiệm vụ.
Tỷ lệ chi cho y tế tuyến cơ sở trên tổng chi y tế toàn xã hội giảm từ 32,4% năm 2017 xuống 23,1% năm 2019. Phân bổ chi thường xuyên ngoài lương cho trạm y tế xã còn thấp, có địa phương chỉ đạt 10-20 triệu đồng một trạm mỗi năm. Tổng số cán bộ làm công tác y tế dự phòng từ trung ương đến tuyến huyện chỉ đáp ứng 42% nhu cầu nhân lực, thiếu hụt khoảng 23.800 người. Trong đó bác sĩ y học dự phòng thiếu hơn 8.000, cử nhân y tế công cộng thiếu gần 4.000.
Sơn Hà – Viết Tuân