Chòng chành, nôn nao, cộng thêm những cơn gió lạnh cuối năm cuốn theo hơi mặn của biển phả vào mặt tê tái. Đó là cảm giác khi PV theo chân công nhân bảo trì phao tiêu, báo hiệu trên luồng Nam Triệu.
Dập dềnh theo sóng biển
Hơn 5h sáng, anh Nguyễn Hải Hưng (công nhân Trạm quản lý luồng Nam Triệu thuộc Xí nghiệp Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Bắc Bộ - Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc) đã thức giấc, cùng đồng nghiệp trong ca trực chuẩn bị đồ đạc làm nhiệm vụ.
Theo anh Hưng, đặc thù công việc phụ thuộc vào thời tiết, sóng nước nên có những ngày, nửa đêm canh ba đã phải xuất phát và trở về khi tối muộn.
26 năm trong nghề, đã quá quen với công việc nhưng trong mắt anh Hưng, việc bảo trì phao tiêu, báo hiệu luồng hàng hải chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt khi môi trường công việc ở ngoài biển, điều kiện sóng, gió phức tạp và luôn phụ thuộc vào thời tiết.
Nếu các con tàu có chu kỳ dao động có thể tính toán được thì phao báo hiệu hàng hải hoàn toàn khác.
Dưới tác động khó lường của dòng nước, phao lúc nghiêng ngả như con lật đật, lúc xoay tròn, khi lại bị xoáy hút xuống rồi bật tung. Bởi thế, làm công việc bảo trì, bảo dưỡng các phao báo hiệu đòi hỏi phải rất có kinh nghiệm.
"Khi sóng lớn, chúng tôi một tay bám phao để không bị ngã xuống biển, một tay sơn sửa, bảo dưỡng. Phao chòng chành nên đôi khi, người bên trên làm đổ cả sơn xuống người bên dưới", anh Hưng nói và cho hay, bản thân đã không biết bao lần say sóng tới ói mửa.
Bầm dập chân tay - "chuyện cơm bữa"
Nhưng say sóng chưa phải nỗi ám ảnh lớn nhất. Bởi có lúc sóng to, gió lớn là lúc họ đối mặt với những nguy hiểm luôn trực chờ. Sự nguy hiểm có thể đến ngay từ lúc các công nhân tiếp cận tàu với phao để kiểm tra.
Tại phao số 0 của luồng hàng hải Nam Triệu, chứng kiến cảnh sóng lớn khiến phao liên tục va đập vào thành tàu khiến chúng tôi không khỏi hoang mang. Việc tiếp cận phao trong bối cảnh này cũng trở nên nguy hiểm hơn cho những thợ bảo trì.
Có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, anh Nguyễn Trọng Tú, trạm phó Trạm quản lý luồng Nam Triệu cho biết, anh em thường phải lựa bước sóng để nhảy từ tàu sang phao. Đôi khi, để an toàn, họ thậm chí phải nhảy xuống biển và bơi vào phao, hay khi từ phao vào tàu cũng làm tương tự.
Thạo nghề là thế, song theo các công nhân bảo trì, chỉ cần lơ đễnh một chút, họ đã có thể bị thương. Những con hà bám dưới đáy phao có thể cứa đứt da thịt của họ bất cứ lúc nào trong các tình huống phải bơi lội. Việc bị va đập tới bầm tím chân tay cũng trở thành "chuyện thường ngày".
Đó cũng chính là trải nghiệm của anh Đặng Xuân Dương, trạm trưởng Trạm quản lý luồng Nam Triệu trong hơn 30 năm làm nghề. Đếm không xuể những lần anh bị va đập tới bầm dập.
Nhớ lại lần đầu đi làm, anh Dương thoăn thoắt nhảy từ tàu sang phao. Nhưng do chưa có kinh nghiệm, anh đã không lập tức di chuyển sang vị trí khác mà chỉ lo bám vào phao để không bị ngã. Vậy là anh vô tình trở thành chiếc "đệm va" giữa tàu và phao. May mắn là sức va đập lần đó không quá lớn, anh chỉ bị bầm tím.
Dành trọn thanh xuân nơi biển cả
Không chỉ vất vả, hiểm nguy, nghề bảo trì luồng hàng hải cũng khiến các công nhân phải làm việc hầu như quanh năm không ngơi nghỉ. Ai có việc xin nghỉ phải làm đơn xin phép trước để được bố trí người trực thay.
Vị trạm trưởng của Trạm quản lý luồng Nam Triệu thông tin, do tính chất công việc bảo đảm an toàn hàng hải nên họ luôn phải túc trực 24/24h bất kể ngày nghỉ, ngày lễ. Hễ khi nào có sự cố trên luồng, họ lập tức phải lên đường, kể cả Giao thừa.
"Đến tận bây giờ, bà xã tôi vẫn khuyên chồng nên tìm công việc khác", anh Dương tâm sự.
Ở một nơi khác, anh Phạm Văn Huy, công nhân trạm luồng Quảng Yên cũng đã dành cả tuổi trẻ sống với công việc bảo đảm an toàn hàng hải.
Gần 30 năm qua, anh đã trải qua nhiều vị trí công việc, lúc làm công nhân trạm đèn, khi làm bảo trì phao tiêu, báo hiệu luồng hàng hải. Ngần ấy thời gian đủ để anh trải nghiệm nhiều điều mà chỉ những ai trong nghề mới thấu.
Anh nhớ lại khoảng năm 2000 khi đang làm việc tại đèn Hòn Bài trên đỉnh núi. Khi tàu đưa công nhân vào tới núi và ra ngoài neo thì khu vực nổi cơn dông. Không gian biển mù mịt. Tới lúc tàu vào đón công nhân thì không thể xác định được phương hướng nào để đón người.
"Mấy anh em trên núi phải bảo nhau gom các cành cây khô, vỏ cây, vỏ bao đốt để làm đốm sáng cho tàu nhìn thấy", anh Huy kể.
Cũng có lần, tàu cập được vào phao để công nhân sang làm việc. Nhưng sau đó có sự cố về dây kết nối đã khiến tàu kéo quả phao bị nghiêng. Tàu lại gặp trục trặc về máy không thể cập phao. Suốt nửa tiếng, anh Huy cùng các công nhân phải ôm chiếc phao dập dềnh mà không thể lên được tàu.
Những trải nghiệm khiến người thợ bảo trì luồng hàng hải như anh Huy thêm thấm thía nỗi vất vả của cái nghề "đầu sóng, ngọn gió". Chưa kể có một số địa điểm, tiêu được đặt trên núi cao. Với những khu vực khó tiếp cận như vậy, tàu lớn không thể cập vào, công nhân sẽ dùng các xuồng công tác nhỏ để tiếp cận.
Những lúc nước cạn, đá bên dưới nhô ra lởm chởm khiến những người không quen có thể cảm thấy rùng mình…
Gian nan, vất vả là vậy, nhưng khi được hỏi đã có lúc nào muốn chuyển nghề, những người thợ bảo trì chỉ cười hiền. Gắn bó đã lâu nên họ quen với cái khó, cái vất vả ấy như "cơm ăn, nước uống" hằng ngày. "Thanh xuân của chúng tôi đã để lại nơi biển cả. Anh em đều đã quen với những gian khổ rồi nên chấp nhận", anh Đặng Xuân Dương nói.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/cuoi-song-sua-phao-tieu-giua-trung-khoi-192250130112038635.htm
Bình luận (0)