Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết Bộ đang thực hiện ba giải pháp xử lý vấn đề đăng kiểm, trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin, chấm dứt cảnh chủ xe phải xếp hàng chờ đến lượt.
Chiều 7/6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng – thành viên Chính phủ thứ tư đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Trong hai tiếng cuối phiên làm việc chiều, ông Thắng đã dành nhiều thời gian trả lời các câu hỏi và tranh luận của đại biểu về vấn đề đăng kiểm.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hòa Bình) là người mở đầu cho phần hỏi đáp và tranh luận sôi nổi về đăng kiểm. Bà hỏi thời gian qua, nhiều trung tâm đăng kiểm vi phạm, bị đóng cửa gây bức xúc và khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều cử tri đề nghị tạo điều kiện mở lại các trung tâm này. “Bộ trưởng có giải pháp gì?”, bà Ngọc hỏi.
Bộ trưởng Thắng cho biết vừa qua có một số nhân viên và lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm bị khởi tố, hiện tại chưa mở lại được vì thiếu cán bộ và đăng kiểm viên. Cả nước hiện còn hai tỉnh là Bắc Kạn và Hòa Bình chưa có trung tâm đăng kiểm nào được mở lại.
Với Hòa Bình, ông Thắng cho biết đã làm việc với Bí thư Tỉnh ủy và Giám đốc Sở Giao thông Vận tải để tìm giải pháp. Vừa qua, Bộ hỗ trợ địa phương đào tạo nhân lực, thi tuyển, cấp chứng chỉ để tìm người giữ cương vị lãnh đạo trung tâm đăng kiểm. Bộ cũng phối hợp với Sở bố trí đăng kiểm viên. “Trung tâm đăng kiểm ở Hòa Bình sẽ sớm được mở lại”, ông Thắng nói.
Ông Thắng vừa trả lời xong, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật) tranh luận rằng “Bộ trưởng cho rằng việc đăng kiểm phương tiện cơ giới hiện nay không đáng lo là chỉ đúng một phần”. Giải pháp cấp bách như kéo giãn chu kỳ đăng kiểm với phương tiện cá nhân chỉ là trước mắt.
75% trung tâm đăng kiểm hiện nay là do doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện. Doanh nghiệp khi đầu tư phải thu hồi lại vốn, nhưng với cơ chế tài chính hiện nay thì họ rất khó duy trì được trung tâm đã lập ra. Đơn cử, việc giãn chu kỳ đăng kiểm sẽ khiến các trung tâm đăng kiểm tư nhân không có việc làm, không có thu nhập, đăng kiểm viên sẽ đi nơi khác. Doanh nghiệp vì thế sẽ phá sản.
Do vậy, ông Giang đề nghị đổi mới cơ chế tài chính. Khi xã hội làm được thì cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngoài nhà nước làm. “Đây mới là giải pháp lâu dài, chứ chỉ kéo giãn chu kỳ đăng kiểm mà vẫn giữ cơ chế tài chính cũ thì rất khó giữ trung tâm đăng kiểm ngoài nhà nước”, ông Giang bày tỏ.
Đáp lại, ông Thắng cho biết những vụ xảy ra trong đăng kiểm vừa qua là rất nghiêm trọng, gây hệ lụy rất lớn. Người dân, doanh nghiệp phải chờ đợi vất vả, đi ngược xuôi mà không đăng kiểm được. 600 lãnh đạo cục đăng kiểm, cán bộ, đảng viên, đăng kiểm viên đã bị khởi tố. Toàn quốc có 281 trung tâm đăng kiểm thì 106 đơn vị phải đóng cửa.
Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã cùng Bộ Công an tập trung tháo gỡ vấn đề nhằm khôi phục toàn bộ hoạt động đăng kiểm phục vụ người dân, doanh nghiệp. “Ngay từ khi về nhận công tác, tôi đã chủ động nghiên cứu để điều chỉnh các quy định đăng kiểm phù hợp với thông lệ quốc tế, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân”, ông nói, cho biết vừa qua Bộ đã làm đồng thời hai việc là giúp các trung tâm đăng kiểm hoạt động lại và rà soát toàn bộ hoạt động này, đảm bảo hiện đại, thông thoáng.
Bộ đã ban hành thông tư miễn đăng kiểm lần đầu cho xe mới và giãn chu kỳ đăng kiểm để phù hợp với các nước trong khu vực. Việc này sẽ giảm thời gian, chi phí cho người dân. Việc giãn chu kỳ đăng kiểm được tiến hành tự động cho 1,39 triệu xe.
Nhưng theo ông Thắng, còn ba việc cần xử lý để hoạt động đăng kiểm trở lại bình thường. Thứ nhất là điều chỉnh cơ chế tài chính theo hướng loại bỏ giá đăng kiểm ra khỏi danh mục giá do nhà nước quản lý vì việc này cần để thị trường quyết định. Như vậy mới đảm bảo thu nhập cho đăng kiểm viên. Việc này đang được Bộ nghiên cứu.
Thứ hai, ngành Giao thông Vận tải cũng đang tập trung đào tạo đăng kiểm viên để trong ba tháng có đủ lực lượng bố trí đủ cho tất cả trung tâm đăng kiểm. Các dây chuyền đăng kiểm khi đủ nhân lực sẽ hoạt động trở lại bình thường.
Thứ ba, công nghệ thông tin cũng được ứng dụng mạnh mẽ trong đăng kiểm để giảm công việc thủ công; việc đăng ký, đăng kiểm, thanh toán được thực hiện qua mạng. Đúng ngày giờ chủ phương tiện mang xe đến trung tâm đăng kiểm, không còn xếp hàng như trước đây nữa.
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Thường trực Ủy ban Pháp luật) nói vụ việc xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm vừa qua gây thiếu hụt trầm trọng đăng kiểm viên, dẫn đến các trung tâm trên cả nước bị quá tải. Bà đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp, hướng xử lý vấn đề này trong thời gian tới.
Bộ trưởng Thắng cho biết sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm là “hết sức đáng tiếc”. Cả nước có xấp xỉ 2.000 đăng kiểm viên, nhưng đến nay đã mất gần 1/3. Trong khi đó, để tuyển dụng được một đăng kiểm viên mất rất nhiều thời gian đào tạo, trải qua nhiều bước trong một năm để cấp chứng chỉ.
Để khắc phục, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị Bộ Công an, Quốc phòng hỗ trợ lực lượng đăng kiểm viên. Bộ cũng huy động đăng kiểm viên ở các trung tâm toàn quốc vào làm việc tại các nơi đang thiếu hụt. “Chúng tôi còn phải mời gọi cả những bác, chú mới nghỉ hưu còn sức khỏe, nhiều người phải làm việc cả ngày nghỉ, không có ngày Tết”, Bộ trưởng cho hay.
Hiện nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã chuẩn bị được 350 đăng kiểm viên. Sắp tới, Bộ sẽ trình Thủ tướng điều chỉnh văn bản quy định hoạt động đăng kiểm, để không nhất thiết một dây chuyền cần đủ ba đăng kiểm viên. Bộ trưởng cam kết hết tháng 6, chậm quá đầu tháng 7 hoạt động đăng kiểm trở lại bình thường.
Rà soát các tuyến cao tốc hai làn xe
Vấn đề liên quan đến cao tốc cũng nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu. Ông Nguyễn Thanh Hải (Viện trưởng VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế) nói Chính phủ không chủ trương đầu tư cao tốc 2 làn xe. Tuy nhiên tỉnh Thừa Thiên Huế có hai tuyến cao tốc là Cam Lộ – La Sơn, La Sơn – Túy Loan quy mô nhỏ 2 làn xe, tốc độ không cao, chủ yếu phương tiện vẫn sử dụng quốc lộ 1A. “Bộ trưởng có kế hoạch rà soát các tuyến cao tốc 2 làn xe và nâng cấp mở rộng quốc lộ 1A như thế nào?”, ông Hải chất vấn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc đầu tư các cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh hay 6-8 làn là nhu cầu rất đúng và cấp thiết. Thủ tướng đã chỉ đạo đầu tư các cao tốc hoàn chỉnh, song thời gian qua nguồn lực hạn chế, nhiều tuyến chỉ có tiền đầu tư 2 làn xe vì giai đoạn đầu lưu lượng không lớn. Bộ đã tổng hợp có 5 tuyến có hai làn xe thì riêng Thừa Thiên Huế có hai tuyến.
“Chúng tôi ghi nhận, tiếp thu, thời gian tới tham mưu Chính phủ tiếp tục mở rộng, nâng cấp lên 4 làn xe hoàn chỉnh”, ông Thắng cho hay.
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Ninh Thuận) nêu nhiều tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác nhưng chưa có trạm dừng nghỉ gây bất tiện cho người tham gia giao thông. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, nhất là tại dự án cao tốc Bắc Nam”, ông Thuận nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận một số tuyến trong đó có cao tốc Bắc Nam phía Đông chưa có trạm dừng nghỉ. Bộ đã nhận diện vấn đề này từ đầu năm và chỉ đạo phải làm bù, xây dựng thông tư hướng dẫn, tổ chức đấu thầu xây dựng trạm dừng nghỉ.
Đối với dự án cao tốc Bắc Nam, sắp tới Bộ sẽ tổ chức đấu thầu 8 trạm dừng nghỉ. Tuy nhiên việc này đang vướng về quy chuẩn khi trước đây quy định trạm dừng nghỉ chỉ có quy mô một hecta, song thực tế hiện tại phải tối thiểu 3 hecta mới làm được. Bộ Giao thông Vận tải đang rất quyết liệt xử lý nốt các vướng mắc và cam kết khi hoàn thành tuyến cao tốc sẽ có đầy đủ trạm dừng nghỉ theo đúng quy hoạch để khai thác.
Ngân sách Trung ương chỉ đáp ứng 66% hạ tầng giao thông
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Phó đoàn Vĩnh Phúc) nêu nhiều quốc lộ chạy qua các tỉnh thuộc trách nhiệm đầu tư của Bộ Giao thông Vận tải nhưng không đáp ứng được nhu cầu đi lại, giao thương. Nhiều tuyến xuống cấp, ảnh hưởng đi lại và phát triển kinh tế xã hội. “Một số tỉnh đề nghị có cơ chế dùng ngân sách địa phương để đầu tư, mở rộng, sau đó sẽ bàn giao cho trung ương quản lý. Đề nghị Bộ trưởng nêu quan điểm về vấn đề này”, ông Mạnh đặt vấn đề.
Bộ trưởng Thắng cho biết theo Luật Ngân sách và Luật Giao thông đường bộ, tuyến cao tốc, quốc lộ thuộc trách nhiệm đầu tư của Bộ Giao thông Vận tải, còn tỉnh lộ trở xuống thuộc trách nhiệm địa phương. Trong bối cảnh nguồn ngân sách có hạn, nhiều tuyến đường xuống cấp, nên một năm ngân sách Trung ương giao cho Bộ chỉ đáp ứng 66% cho hạ tầng.
“Ví dụ nhiệm kỳ này, chúng ta cần 462.000 tỷ đồng đề đầu tư thì ngân sách chỉ bố trí được 366.000 tỷ. Đây cũng là con số rất lớn mà vẫn chưa đáp ứng được hết đầu tư các tuyến quốc lộ”, ông Thắng nói.
Theo ông, trong bối cảnh ngân sách Trung ương có hạn mà địa phương có khả năng bố trí được, việc để địa phương cùng Trung ương đầu tư nâng cấp dự án là rất cần thiết. Không chỉ Vĩnh Phúc, ông cho biết nhiều địa phương cũng có đề nghị như vậy.
Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp các bộ ngành xin ý kiến Thủ tướng, Chính phủ. Chính phủ đã họp trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho phép thí điểm cơ chế trong lúc chưa sửa được luật, để Quốc hội ban hành nghị quyết về vấn đề này. Cùng với đó, Bộ cũng đưa nội dung này vào dự thảo Luật Đường bộ để thực hiện khi luật được thông qua.
Quan tâm đến đường sắt Yên Viên – Cái Lân, đại biểu Trần Thị Vân (Phó đoàn Bắc Ninh) nói dự án đã được triển khai từ năm 2005 và đang bị dừng theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Sau 18 năm với gần 60% kinh phí đã được bố trí, hiện dự án rơi vào tình trạng “cầu chờ đường, đường chờ đá lắp ray”, gây lãng phí rất lớn, ảnh hưởng tới người dân tại hành lang đường sắt.
“Dự án có được tiếp tục thực hiện hay không, khi nào thực hiện? Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết những tồn đọng kéo dài nêu trên?”, bà Vân chất vấn.
Trả lời, Bộ trưởng Giao thông Vận tải thừa nhận dự án đường sắt này “là sự nhức nhối của cử tri, nhân dân tỉnh Quảng Ninh”. Khi làm Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, ông Thắng nhiều lần đề nghị Trung ương cho phép triển khai tiếp bởi dự án được cho phép triển khai từ năm 2005 nhưng do khó khăn về kinh tế, ngân sách, đến năm 2011 thì dừng lại.
Theo ông Thắng, vừa qua khi tham mưu cho Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết phát triển đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở ý kiến tư vấn và thấy rằng tuyến này vẫn rất cần thiết. Kết luận của Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục triển khai tuyến đường sắt Yên Viên – Cái Lân trước năm 2030.
“Về ý chí, chúng tôi ủng hộ tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án. Chúng tôi ghi nhận ý kiến đại biểu và sẽ tham mưu, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn”, ông Thắng nói.
Sáng 8/6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng có thêm 1,5 tiếng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, trước khi Phó thủ tướng Lê Minh Khái đăng đàn.
Xem diễn biến chính