Bộ trưởng Giáo dục nói việc dạy tích hợp là điểm vướng và khó khi triển khai chương trình mới, khả năng cao sẽ được điều chỉnh.
Tại cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn ngày 15/8, nhiều giáo viên trung học chia sẻ ý kiến về việc dạy các môn tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo chương trình mới, học sinh THCS không còn học các môn Sinh học, Vật lý, Hoá học, Lịch sử, Địa lý như trước đây. Thay vào đó, các em học hai môn Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Hai môn này được gọi là môn tích hợp, liên môn.
Cô Hoàng Hải Vân, trường THCS Võ Thị Sáu, Khánh Hoà, cho hay việc tích hợp các môn Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội còn bất cập khi giáo viên được đào tạo để dạy từng môn. Hiện, nhiều trường trên cả nước áp dụng cách thức “giáo viên môn nào dạy môn nấy”. Điều này khiến môn tích hợp chưa giúp học sinh phát triển toàn diện như mục tiêu đặt ra.
Cô Nguyễn Thị Thiều Hoa, giáo viên trường THCS Đặng Thai Mai, Nghệ An, cũng có ý kiến tương tự. Theo cô, giáo viên dạy đơn môn được bồi dưỡng để có thể dạy tích hợp nhưng chưa tự tin và chưa hiệu quả.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thừa nhận việc dạy các môn tích hợp, liên môn là một trong những khó khăn nhất khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, là “điểm vướng, nghẽn, khó”.
Theo ông Sơn, thực tế có giáo viên đủ năng lực dạy được các hợp phần trong môn tích hợp nhưng phần nhiều vẫn dạy theo hợp phần riêng, sách giáo khoa cũng theo phần riêng biệt. Ở những vùng khó khăn, dẫu đã được tập huấn, dạy những môn học này vẫn là thách thức lớn với giáo viên.
“Khả năng cao trong thời gian ngắn sắp tới, Bộ sẽ đưa ra điều chỉnh với việc dạy các môn tích hợp ở bậc THCS”, ông Sơn nói.
Bộ sẽ tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia để cân nhắc kỹ lưỡng. Những điều chỉnh nếu có sẽ được xem xét để không ảnh hưởng đến những chuẩn bị trong thời gian qua, không gây xáo trộn, tạo thuận lợi và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.
Trước đó, tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội ngày 27/7, ông Sơn cho biết việc dạy môn tích hợp trước mắt sẽ có hai con đường. Một là quay về như cũ thành các đơn môn. Hai là vẫn kiên trì đổi mới, tính toán một lộ trình đến khi giáo viên cũ được tập huấn đầy đủ và sẽ hoàn tất. Ông cho rằng phải xem đây là vấn đề chuyên môn và cần quá trình triển khai chứ không phải đặt ra yêu cầu về thời gian, tháng mấy phải làm xong vấn đề này.
Cũng liên quan đến triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều giáo viên quan tâm đến phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025, khi lứa học sinh đầu tiên theo chương này kết thúc ba năm THPT.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết phương án thi sẽ được công bố vào quý IV năm nay, theo hướng không gây bất ngờ, sốc với phụ huynh, học sinh.
Dương Tâm – Thanh Hằng