Đại diện đơn vị soạn thảo mức phí tái chế (Fs) cho rằng một số kiến nghị của 14 hiệp hội chưa phù hợp và không thể so sánh Việt Nam với Tây Âu.
Theo Luật Bảo vệ Môi trường, từ 1/1/2024, nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm mở rộng tái chế sản phẩm, bao bì thải bỏ bằng cách tự tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế. Mức phí tái chế (Fs) đang được 14 hiệp hội đánh giá “cao hơn Tây Âu”.
Nói với VnExpress, ông Phan Tuấn Hùng – Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Giám đốc Văn phòng EPR quốc gia cho biết sẽ ghi nhận các kiến nghị của 14 hiệp hội doanh nghiệp nhưng ông cho rằng một số “đang có nhầm lẫn”.
Ông Phan Tuấn Hùng cho rằng “ý kiến này không có cơ sở” và “rất khó để so sánh”. Ông lý giải, mức phí tái chế ở các nước khác nhau là do khác biệt về cách tiếp cận, cơ cấu phí, công nghệ, giá, chi phí nhân công cũng như yêu cầu về tỷ lệ tái chế bắt buộc.
“Ngay tại EU, mức phí tái chế cho bao bì giữa các nước thành viên cũng có thể chênh lệch rất nhiều lần”, ông Hùng nói và lấy ví dụ với bao bì nhôm, phí tái chế ở Áo là 8.584 đồng một kg, ở Bỉ là 579 đồng, ở Thụy Điển lại lên tới 13.013 đồng.
Đại diện cơ quan soạn thảo cho rằng Fs đang đề xuất sát và phù hợp với thực tế Việt Nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhóm tư vấn điều tra, khảo sát thực tế chi phí tái chế tại 70 cơ sở lớn trên toàn quốc cùng với sự tham gia của Viện Công nghệ Môi trường (ĐH Bách khoa Hà Nội) trước khi đưa ra. Đơn vị soạn thảo cũng tham khảo, đối chiếu với các quốc gia, vùng lãnh thổ có quy định đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế tương tự Đài Loan, Singapore. Ngoài ra, mức phí cũng giảm còn 10-15% so với chi phí thực tế được khảo sát, bất chấp mức này có thể không thể hiện được chi phí tái chế thực tế.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang đề xuất áp dụng hệ số điều chỉnh để giảm định mức chi phí tái chế nhằm phản ánh khả năng thu gom và hiệu quả tái chế đối với từng loại sản phẩm, bao bì và mức độ khuyến khích phát triển công nghệ tái chế đối với từng loại sản phẩm.
Chính sách này một mặt khuyến khích sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì dễ thu gom, tái chế. Mặt khác, hệ số cao để khuyến khích việc đầu tư tái chế đối với các sản phẩm, bao bì đang chưa được tái chế chính thức hoặc ít được tái chế do chi phí tái chế cao, lợi nhuận thấp. Do đó, với các loại sản phẩm, bao bì dễ tái chế, mức phí có thể giảm tới 80% so với so với mức các cơ sở tái chế ở Việt Nam đang thực hiện.
Về kiến nghị chính sách mới làm tăng giá hàng hóa, gây khó cho doanh nghiệp, ông Phan Tuấn Hùng cho rằng cần phân biệt rõ giữa chi phí tuân thủ quy định trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu (gọi tắt là EPR) với Fs. Để thực hiện EPR, nhà sản xuất, nhập khẩu phải có chi phí tuân thủ. Theo quy định, họ có nhiều lựa chọn để thực hiện EPR, một trong số đó là đóng tiền trên cơ sở Fs. Có nghĩa là, Fs không bắt buộc, là một trong các lựa chọn để nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện EPR.
“Trừ trường hợp các sản phẩm, bao bì chưa có cơ sở tái chế để làm thì mới phải chọn hình thức đóng tiền để thực hiện trách nhiệm”, ông Hùng khẳng định.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ không chịu tác động của chính sách này do Nghị định 08/2022 miễn trừ EPR cho các nhà sản xuất, nhập khẩu có doanh thu năm từ sản xuất dưới 30 tỷ đồng hoặc giá trị nhập khẩu dưới 20 tỷ.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đang nghiên cứu thay đổi cách nộp tạm ứng đóng góp tái chế và sẽ tìm phương án cân bằng với nhà sản xuất, nhập khẩu tự tái chế. Luật Bảo vệ môi trường 2020 hiện quy định, mỗi loại sản phẩm, bao bì cụ thể thì doanh nghiệp chỉ được chọn một trong hai hình thức (tự tái chế hoặc nộp tiền) nên quy định ban hành không thể kết hợp, dẫn đến trái luật.
Các hiệp hội cũng đề xuất có chính sách ưu đãi với doanh nghiệp sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Theo ông Phan Tuấn Hùng, hiện đã có nhiều chính sách ưu đãi như ngành nghề, nhãn sinh thái. Trong khi đó, thế giới chưa có nước nào áp dụng ưu đãi nên Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham khảo, khi đủ điều kiện sẽ đề xuất áp dụng.
14 hiệp hội vừa có kiến nghị đến 9 bộ trưởng gồm: Thực phẩm minh bạch; Lương thực thực phẩm TP HCM, Chế biến & Xuất khẩu thủy sản Việt Nam; Sữa Việt Nam; Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao; Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam; Dệt may Việt Nam; Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam; Gỗ & Lâm sản Việt Nam; Chè Việt Nam; Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam; Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam; Nhựa Việt Nam; Doanh nghiệp sản xuất & kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.
Bộ Tài nguyên & Môi trường là đơn vị được giao ban hành định mức tái chế cụ thể cho từng loại sản phẩm, bao bì với chu kỳ điều chỉnh 3 năm một lần.