Bộ Tài chính lập luận mình chỉ là cơ quan phối hợp, còn trách nhiệm chính trong điều hành là Bộ Công Thương – đơn vị quản lý về điện.
Quan điểm này được lãnh đạo Bộ Tài chính nêu khi tham gia ý kiến Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.
Dẫn các quy định tại Luật Giá, Luật Điện lực, Bộ Tài chính cho hay, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về điện lực, sử dụng điện, trong đó có giá điện. Tức, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì xây dựng khung giá, cơ chế điều chỉnh, biểu giá bán lẻ điện trình Thủ tướng, cũng như hướng dẫn lập khung giá phát điện, truyền tải, dịch vụ phụ trợ, phí điều độ…
Bộ Tài chính đề nghị không quy định trách nhiệm phối hợp của họ tại Dự thảo Quyết định và bỏ nội dung “Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi hồ sơ báo cáo phương án giá điện tới Bộ Tài chính”. Thay vào đó, bộ này chỉ phối hợp trong những trường hợp có biến động bất thường, hoặc tác động lớn. Nếu giá điện bán lẻ bình quân tăng 5-10%, Bộ Công Thương chủ động rà soát và có ý kiến với phương án EVN trình. Nếu giá điện tăng 10% trở lên, ảnh hưởng tới vĩ mô, Bộ Tài chính sẽ là một trong số các bộ, ngành góp ý về phương án giá sau rà soát của Bộ Công Thương.
Đồng thời, Bộ Tài chính cho rằng họ không có trách nhiệm phải kiểm tra các báo cáo của EVN; không bắt buộc phải tham gia họp, báo cáo và ý kiến về phương án giá điện hàng năm. Bộ này chỉ có ý kiến nếu phía Công Thương đề nghị.
Giá điện tới đây có thể được tính thêm các chi phí vốn chưa được tính trước đây như chênh lệch tỷ giá. Nêu ý kiến, Bộ Tài chính đề nghị rà soát các khoản chi phí được phép tính vào giá bán lẻ điện là những khoản nào.
Thời gian điều chỉnh giá điện dự kiến sẽ được rút ngắn từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần. Tức là mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi và giá được cập nhật hàng quý theo chi phí phát điện.
Hôm qua, giá điện có đợt tăng thứ hai trong năm, lên mức hơn 2.000 đồng một kWh. Bộ Công Thương cho biết, việc sửa cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sau gần 6 năm thực thi nhằm tính đúng, đủ các chi phí sản xuất, đưa mặt hàng này tiệm cận dần giá thị trường.