The New York Times đưa tin, trong ngày 17/5 (giờ địa phương), bộ Kinh thánh tiếng Do Thái Codex Sassoon đã được bán với giá 38,1 triệu USD (khoảng 894 tỷ VND) trong một phiên đấu giá do công ty Sotheby’s tổ chức. Mức giá khởi điểm cho bộ Kinh thánh là 26 triệu USD và phiên đấu giá kết thúc chỉ sau 6 phút.
Được gọi là Codex Sassoon, pho sách này bao gồm toàn bộ 24 quyển Kinh thánh tiếng Do Thái, chỉ mất khoảng 8 trang, và có đủ 10 chương đầu tiên của Sáng Thế Ký (Genesis, sách đầu tiên của Kinh Cựu Ước cũng như Kinh Thánh nói chung). Các nhà nghiên cứu đã xác định tài liệu này ra đời vào cuối thế kỷ thứ 9 hoặc đầu thế kỷ thứ 10, khiến Codex Sassoon trở thành bộ Kinh Thánh tiếng Do Thái gần như hoàn chỉnh cổ nhất thế giới từng được biết đến.
Vào thời mà bộ Kinh Thánh này ra đời, đây cũng một thứ đắt tiền khi người ta phải dùng đến da của hơn 100 con vật để tạo ra khoảng 400 trang ghi chép. Toàn bộ nội dung của Codex Sassoon đã được viết bởi một người duy nhất.
Codex Sassoon được đặt theo tên của chủ sở hữu trước đó, David Solomon Sassoon, người đã mua lại pho sách vào năm 1929 và sở hữu một trong những bộ sưu tập tư nhân tập hợp tư liệu được viết bằng tiếng Do Thái và liên quan đến văn hóa Do Thái đồ sộ nhất thế kỷ 20. Kể từ năm 1989, nó thuộc sở hữu của nhà tài chính, nhà sưu tập người Thụy Sĩ Jacqui Safra, và đã được một số học giả nhìn thấy.
Mãi cho đến gần đây, ông Safra mới xác nhận rằng Codex Sassoon có tuổi đời lớn hơn Codex Aleppo và Codex Leningrad, hai bộ Kinh Thánh tiếng Do Thái cổ xưa khác, theo Sotheby’s. Tài liệu Kinh Thánh cổ nhất từng được tìm thấy là Dead Sea Scrolls (Sách Biển Chết) được phát hiện trong hang động vào năm 1947.
Những lời đồn đoán đã râm ran trong nhiều tháng về việc ai có hầu bao rủng rỉnh để có thể mua được bộ Kinh Thánh này, với giá trị ước tính từ 30 triệu đến 50 triệu USD.
Ngay sau cuộc đấu giá, Sotheby’s đã thông báo đơn vị đấu giá thành công bộ Kinh thánh là tổ chức “Những người bạn Mỹ của ANU – Bảo tàng Do Thái ở Tel Aviv”. Ngoài ra, việc mua lại bộ sách này có sự đóng góp rất lớn từ gia đình cựu đại sứ Mỹ tại Romania Alfred H. Moses.
Codex Sassoon sau đó sẽ được bàn giao lại cho Bảo tàng Do Thái ở Tel Aviv (tên cũ là Bảo tàng Cộng đồng người Do Thái).
Sotheby’s cho biết mức giá trên đã vượt qua mức 30,8 triệu USD được trả vào năm 1994 cho bộ sưu tập các bài viết khoa học mang tên Codex Leicester của Leonardo da Vinci, theo Reuters. Tuy vậy, bộ Kinh Thánh này vẫn chưa phải là văn bản đắt nhất mọi thời đại, danh hiệu này thuộc về bản sao đầu tiên của Hiến pháp Mỹ – được bán với giá 43,2 triệu USD vào năm 2021.
Minh Hoa (t/h theo VietNamNet, Thanh Niên)