(Dân trí) – Tiếp thu nhiều ý kiến của Hội đồng Thẩm định, Bộ GTVT cho biết hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ được xác định chi tiết hơn trong báo cáo khả thi của dự án.
Bộ GTVT vừa có văn bản phản hồi những nội dung mà Hội đồng Thẩm định Nhà nước đề nghị làm rõ trong báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Trong đó, có những nội dung được Bộ GTVT biện giải để bảo lưu phương án đã chọn; có nội dung bộ tiếp thu ý kiến của Hội đồng và hứa hẹn cập nhật chi tiết trong giai đoạn báo cáo khả thi.
Hướng tuyến đã được nghiên cứu “thẳng nhất có thể”
Liên quan đến việc rà soát hướng tuyến đường sắt tốc độ cao, Bộ GTVT cho biết hướng tuyến đã được nghiên cứu theo nguyên tắc “thẳng nhất có thể”, các đường cong đều được kiểm toán bảo đảm yêu cầu về an toàn, êm thuận cho hành khách. Ngoài ra, hướng tuyến còn đáp ứng 5 nguyên tắc.
Các nguyên tắc này gồm: (1) phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch địa phương; (2) chiều dài tuyến giữa các ga ngắn nhất; đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, tạo êm thuận cho hành khách; (3) phù hợp với địa hình; (4) hạn chế đi qua khu vực nhạy cảm, di tích; hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng; (5) bảo đảm liên kết hành lang Đông – Tây, các tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Ga Mương Mán sẽ được dịch chuyển vị trí 4km so với phương án ban đầu (Đồ họa: Khương Hiền).
Tiếp thu kiến nghị của tỉnh Bình Thuận, Bộ GTVT thống nhất dịch chuyển ga Mương Mán đến vị trí mới cách vị trí cũ khoảng 4km về phía Bắc (ga Phan Thiết). Ngoài ra, trong bước lập Báo cáo khả thi, Bộ GTVT sẽ xem xét các vị trí các ga tiềm năng để giao địa phương chủ trì kêu gọi đầu tư ga theo phương thức PPP.
Về vị trí ga hàng hóa tại khu vực Hà Nội, tiếp thu kiến nghị của UBND Hà Nội, Bộ GTVT sẽ chuyển ga hàng hóa tại khu vực Ngọc Hồi về Thường Tín.
Trong bước lập Báo cáo khả thi, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Tư vấn tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát, điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga (nếu có), nhất là các vị trí có lợi thế kết nối với các đầu mối giao thông lớn, các khu kinh tế, trong đó có đoạn tuyến qua tỉnh Nam Định.
Khai thác tàu khách 320km/h, tàu hàng 120km/h
Trong Báo cáo tiền khả thi, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tốc độ thiết kế tàu khách 350km/h, tàu hàng 160km/h.
Theo Bộ GTVT, kinh nghiệm tại các quốc gia có đường sắt mới đưa vào khai thác cho thấy tốc độ khai thác bằng khoảng 90% tốc độ thiết kế. Vì vậy, bộ xác định trong giai đoạn đầu, tốc độ khai thác tối đa của tàu khách là 320km/h, tàu hàng là 120km/h.
Khai thác tàu khách kết hợp tàu hàng (Ảnh: DALL-E).
Tư vấn sử dụng bán kính đường cong và tính toán siêu cao theo tiêu chuẩn Châu Âu, qua đó cho thấy yêu cầu kỹ thuật của tuyến đường đáp ứng các điều kiện để khai thác an toàn. Trong quá trình khai thác, việc nâng tốc độ khai thác tối đa sẽ được tổng kết, đánh giá và thử nghiệm.
Tiếp thu ý kiến của Hội đồng Thẩm định, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Tư vấn tiếp tục tính toán cụ thể để bảo đảm an toàn vận hành khai thác trong bước lập báo cáo khả thi.
Phát hành trái phiếu, vay ODA khi cần
Về yêu cầu rà soát kỹ tổng mức đầu tư, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tư vấn rà soát, cập nhật sơ bộ tổng mức đầu tư dự án trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ và tính phù hợp với quy định của pháp luật.
Bộ GTVT cho biết dự án thực hiện trên 10 năm nên sơ bộ tổng mức đầu tư có thể biến động bởi các yếu tố khách quan (thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường…) hoặc chủ quan (thay đổi quy hoạch, chính sách, chỉ số giá, triển khai GPMB chậm, nguồn vốn bố trí không đáp ứng…).
Trong giai đoạn lập Báo cáo khả thi sau khi có thiết kế chi tiết, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát, tính toán tổng mức đầu tư dự án bảo đảm tính đúng, tính đủ, phù hợp với công nghệ, quy mô đầu tư dự án.
Về việc thu xếp nguồn vốn đầu tư, Tư vấn lập dự án đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong các kỳ đầu tư công trung hạn. Thời gian đầu tư trong 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỷ USD.
Xác định đây là công trình cần phải ưu tiên cao nhất về việc bố trí vốn, Bộ GTVT cho biết trường hợp nếu thiếu hụt nguồn vốn, Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu hoặc vay ODA để bù đắp.
Ngoài ra, nguồn lợi nhuận thu được từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt tốc độ cao (mô hình TOD) của các địa phương sẽ đóng góp 50% vào ngân sách Trung ương để cân đối ngân sách Nhà nước đã đầu tư cho dự án (ước tính khoảng 8,5 tỷ USD so với chi phí GPMB khoảng 6,5 tỷ USD).
Những ngày qua, Bộ GTVT và Hội đồng Thẩm định Nhà nước đã gấp rút tổng hợp, thống nhất các nội dung trong Báo cáo tiền khả thi và Báo cáo thẩm tra của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Dự kiến, Báo cáo tiền khả thi của dự án sẽ được Chính phủ trình lên Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 diễn ra vào cuối tháng 10.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-gtvt-lam-ro-y-kien-ve-huong-tuyen-muc-dau-tu-duong-sat-toc-do-cao-20241018170129763.htm