Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đánh giá lại việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để thay thế điểm thi, theo Cục trưởng Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học mới với công tác quản lý chất lượng và thanh tra, kiểm tra với các Sở Giáo dục và Đào tạo, ông Chương đánh giá các địa phương “cơ bản làm tốt” việc quản lý văn bằng, chứng chỉ ở cấp phổ thông. Công tác chất chỉnh hoạt động liên kết, tổ chức thi cùng được chuẩn hóa, tinh gọn hơn.
Theo ông, chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEIC là một trong những yếu tố góp phần vào quá trình hội nhập, song cũng cần đánh giá lại mức độ của việc dùng kết quả này để thay thế điểm thi.
“Chắc chắn thông tư sắp tới của Bộ sẽ bàn thêm cái này”, ông Chương nói tại hội nghị.
Về những tồn tại trong hoạt động quản lý thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, ông Chương cho rằng nhiều địa phương chưa sát sao, không thực hiện đúng quy định và chỉ đạo của Bộ. Điều này dẫn tới việc nhiều đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ khi chưa được Bộ phê duyệt hồi tháng 9/2022, gây lộn xộn và ảnh hưởng quyền lợi của người thi.
Ông nhấn mạnh vai trò của địa phương trong việc giám sát, tổ chức thi, nên các Sở Giáo dục và Đào tạo phải chủ động và lưu ý hơn.
Khoảng 5 năm trở lại đây, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, đặc biệt là tiếng Anh, được ưa chuộng trong tuyển sinh. Không chỉ hàng chục trường đại học dùng IELTS, TOEIC… để xét tuyển, nhiều trường phổ thông cũng tuyển thẳng hoặc cộng điểm cho học sinh có chứng chỉ.
Từ năm 2021, lớp 6 tăng cường tiếng Anh của TP HCM xét học sinh đạt chứng chỉ A2 trở lên theo khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR) hoặc tương đương. Học sinh có chứng chỉ IELTS, TOEFL được xét tuyển thẳng hoặc cộng điểm ưu tiên khi vào lớp 6 ở một số trường công lập như THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội), THCS Đặng Thai Mai (Nghệ An).
Ở bậc THPT, Nghệ An xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế vào lớp 10. Trong khi đó, Hà Tĩnh xét giải học sinh giỏi tỉnh cho học sinh THCS, THPT đạt 7.0 IELTS trở lên.
Thanh Hằng