(Dân trí) - Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến một công thức với điểm thi tốt nghiệp hoặc học bạ làm gốc, kết hợp hàng loạt tiêu chí để quy đổi điểm xét tuyển đại học năm 2025.
Thí sinh, phụ huynh nghe tư vấn tuyển sinh vào đại học (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Thông tin trên nằm trong dự thảo hướng dẫn tuyển sinh đại học năm 2025 được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) giới thiệu tới các trường tại Hội nghị tuyển sinh năm 2025 được tổ chức ngày 29/3 tại TP Hải Phòng.
Theo Bộ GD&ĐT, điểm trúng tuyển giữa các phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển của một mã xét tuyển theo một quy tắc do cơ sở đào tạo quy định, đảm bảo tương đương về mức độ đáp ứng yêu cầu đầu vào của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo tương ứng.
Đối với một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo, tất cả thí sinh được xét chọn bình đẳng dựa trên điểm xét tuyển và điểm trúng tuyển quy đổi tương đương theo từng phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển.
Do đó, đối với các trường có sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, trường phải xây dựng quy tắc quy đổi điểm tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển bảo đảm theo quy chế tuyển sinh.
Bộ yêu cầu quy tắc/công thức quy đổi phải đơn giản, dễ hiểu và thuận lợi cho việc áp dụng. Trong đó, các trường sử dụng dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập bậc THPT làm gốc để xây dựng quy tắc quy đổi.
Việc xây dựng cần căn cứ dữ liệu thống kê, phân tích kết quả học tập của sinh viên đã trúng tuyển theo các tổ hợp các năm trước (tối thiểu 2 năm trước liền kề).
Từ tương quan giữa kết quả học tập ở đại học và phổ điểm các phương thức của cùng nhóm thí sinh; ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) cho tới mức tối đa của thang điểm xét, các trường phải xác định tối thiểu 3 vùng điểm (ví dụ là xuất sắc - giỏi, khá, đạt), từ đó xây dựng tối thiểu ba hàm tương quan tuyến tính (3 hàm bậc nhất) cho các vùng điểm này.
Bảng quy đổi mẫu do Bộ GD&ĐT công bố (Nguồn: Bộ GD&ĐT).
Dựa trên phương án nêu trên, đồng thời, căn cứ quy tắc chuẩn được Bộ công bố sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, căn cứ đặc thù của chương trình, ngành đào tạo, các trường đại học hoàn thiện quy tắc quy đổi và công bố theo quy định.
Bộ dẫn chứng một ví dụ mô tả cụ thể. Ví dụ, phân tích kết quả của cùng một nhóm thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và kết quả học bạ (6 học kỳ) theo 5 khối truyền thống; căn cứ đánh giá kết quả học tập của sinh viên các năm trước cho thấy: thí sinh giỏi - xuất sắc chiếm tỷ lệ 30% tổng số thí sinh trúng tuyển, tương ứng kết quả thi THPT là 24,75 và điểm học bạ trúng tuyển là 25,75; thí sinh khá trở lên chiếm tỷ lệ 80% tổng số thí sinh, điểm thi kết quả thi THPT trúng tuyển tương ứng là 20,5 và điểm trúng tuyển học bạ là 22,0; còn lại là mức đạt.
Theo đó, các trường đại học có thể sử dụng các điểm (24,75;25,75); (20,5;22) cùng với điểm là ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào và điểm tối đa của thang điểm xét (30;30) để tuyến tính hóa từng vùng và xác lập công thức (dạng phương trình bậc nhất) quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa 2 phương thức.
Giả sử điểm sàn là 15 với cả hai phương thức, như vậy cách tính cụ thể sẽ cho kết quả như sau:
Ví dụ hướng dẫn quy đổi điểm trúng tuyển tương đương (Nguồn: Bộ GD&ĐT).
Dưới đây là ví dụ khác về quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa phương thức xét điểm thi đánh giá tư duy (ĐGTD) và dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Ví dụ hướng dẫn quy đổi điểm trúng tuyển tương đương (Nguồn: Bộ GD&ĐT).
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/bo-giao-duc-cong-bo-cong-thuc-quy-doi-diem-xet-tuyen-dai-hoc-nam-2025-20250329151253688.htm
Bình luận (0)