Bà Jayne Burns vẫn làm thợ cắt vải dù đã sang tuổi 101, trong khi ở tuổi 91, bà Melba Mebane vẫn bán mỹ phẩm trong trung tâm thương mại.
Theo số liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, năm 2002, chỉ khoảng 5% người Mỹ vẫn đi làm ở tuổi ngoài 75. Nhưng đến năm ngoái, tỷ lệ này đã lên 8%. Bộ Lao động Mỹ dự báo đến năm 2032, tỷ lệ sẽ là 10%.
Ngày càng nhiều người Mỹ vẫn làm việc khi đã ngoài 80 tuổi, thậm chí 90 tuổi, nhờ tuổi thọ tăng, quan điểm về nghỉ hưu thay đổi và tiền tiết kiệm không đủ. Số khác nói rằng họ chỉ đơn giản là yêu công việc mình đang làm và không có ý định nghỉ.
Trên CNBC, ba người Mỹ chia sẻ bí quyết giúp họ vẫn có thể đi làm dù đã ngoài 90 tuổi.
Biến sở thích thành công việc
Bà Jayne Burns (Cincinnati) bước sang tuổi 101 từ tháng 7. Bà đã làm công việc cắt vải bán thời gian tại một cửa hàng đồ thủ công tại Mason (Ohio, Mỹ) 26 năm qua.
Mỗi ngày, bà vẫn duy trì đúng thời gian biểu: thức dậy lúc 5h sáng, uống một cốc cà phê và ăn bánh vòng, làm một số việc khác rồi lái xe 20 phút đến cửa hàng. Bà làm việc ở đây từ 9h sáng đến 1h chiều, 3-4 ngày mỗi tuần.
“Tôi thích điều mình làm và muốn tiếp tục làm điều đó, miễn là mình còn làm được và họ vẫn cần tôi”, bà cho biết trên CNBC.
Burns là một thợ may. Ban đầu, bà chỉ là khách hàng ở đây. Nhưng sau đó, Burns nhanh chóng làm quen được với các nhân viên và thích việc giới thiệu các loại vải khác nhau cho các khách hàng khác.
Năm 1997, chỉ vài tháng sau khi người chồng qua đời, cửa hàng thiếu người cắt vải. Con gái bà – khi đó làm việc bán thời gian tại đây – đã giới thiệu công việc này cho mẹ.
Burns không cho rằng đây là một công việc nhàm chán, mà là cơ hội để bà hiểu thêm về sở thích của mình và gặp gỡ “những người tốt bụng, thú vị”. “Luôn bận rộn sẽ giúp bạn quên đi những cơn đau và dễ dàng bước tiếp”, bà nói.
Đừng sợ yêu cầu những điều mình muốn ở nơi làm việc
Melba Mebane (91 tuổi) vừa nghỉ hưu hồi tháng 7, sau khi làm nhân viên bán hàng tại trung tâm thương mại của Dillard’s ở Tyler (Texas) suốt hơn 7 thập kỷ.
Mebane bắt đầu làm việc tại trung tâm thương mại Mayer & Schmidt năm 1949, khi mới 17 tuổi, thông qua chương trình vừa học vừa làm của Trường trung học Tyler. Năm 1956, trung tâm thương mại này được chuỗi bán lẻ Dillard’s mua lại. Mebane chuyển qua nhiều gian hàng, từ thời trang nam đến mỹ phẩm, rồi làm ở đây đến khi về hưu.
Để hạnh phúc trong công việc, “điều quan trọng là phải đầu tư vào các mối quan hệ”, Mebane nói. Nhờ đó, bạn có thể khiến công việc phù hợp với lợi ích của mình hơn và có sự nghiệp thành công hơn.
Mebane thân thiết với nhà sáng lập chuỗi Dillard’s là William T. Dillard. Vì thế, bà có thể để xuất nhiều thay đổi để phù hợp với nhu cầu của mình hơn trong suốt thời gian làm việc.
Ví dụ, năm 65 tuổi, bà cân nhắc về hưu. Tuy nhiên, Dillard đã thuyết phục được bà ở lại, sau khi đồng ý đề xuất của Mebane là không phải làm việc sau 5h chiều hoặc ngày Chủ nhật. Vài năm sau, bà cũng thuyết phục được người quản lý lát thảm mềm vào sau quầy mỹ phẩm, giúp việc đứng cả ngày trở nên dễ chịu hơn.
Trong suốt thời gian làm việc ở Dillard’s, Mebane có nhiều cơ hội lên quản lý, nhưng bà đều từ chối. “Làm quản lý sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn. Tôi thích những người bạn ở nơi làm việc và chỉ muốn tập trung làm người bán hàng tốt nhất mà thôi”, bà nói. Mebane cho rằng chính tình bạn này đã giúp công việc ở Dillard’s trở thành “việc tốt nhất” bà từng có.
Làm việc với những người mình thích
Bob Rohloff (Wisconsin) đã làm thợ cắt tóc 75 năm. Ở tuổi 91, ông vẫn chưa nghĩ đến việc nghỉ hưu. Ông bắt đầu làm việc này từ năm 1948, dưới sự hướng dẫn của người cha – cũng là một thợ tóc.
“Anh tin được không? Chúng tôi kiếm được rất nhiều tiền mỗi tuần và đã có những chuyến đi tuyệt vời. Bố tôi là người bạn tuyệt vời nhất. Làm việc với ông ấy thực sự vui vẻ”, Rohloff cho biết.
Ông cho rằng thành công mà mình có được phần lớn nhờ người cha. Cha ông đã giới thiệu ông với nhiều thợ cắt tóc khác đang tuyển người, và luôn cho ông những lời khuyên chân thật nhất về việc “làm thế nào để trở thành một thợ tóc thực thụ và cải thiện tay nghề như thế nào”.
Công việc cũng dạy cho Rohloff biết tầm quan trọng khi làm việc với những người mình yêu mến, dù là sếp, đồng nghiệp hay khách hàng. Ông từng cố nghỉ hưu cách đây 15 năm, nhưng đã quay lại công việc vài tháng sau đó, vì nhớ nghề.
“Nghỉ hưu không dễ thế đâu. Bạn lúc nào cũng cần làm gì đó, dù là sở thích hay công việc. Tôi rất yêu công việc của mình. Đi làm rất vui, tôi thích làm việc và cảm thấy thoải mái. Thì sao lại phải nghỉ?”, ông nói.
Rohloff nói điều thú vị nhất của công việc là gặp nhiều người mới. “Họ không chỉ là khách hàng, mà còn là những người bạn của tôi. Có người mang rau, có người mang siro lá phong, hoặc đồ ăn nhà làm đến cho chúng tôi nữa”, ông vui vẻ cho biết.
Khi được hỏi liệu người cha sẽ nghĩ gì nếu biết Rohloff vẫn cắt tóc ở tuổi 91, ông nói: “Chắc ông ấy sẽ không tin đâu. Nhưng cha tôi vẫn làm việc đến năm 85 tuổi. Nên tôi nghĩ ông ấy sẽ rất tự hào về con trai mình”, ông cho biết.
Hà Thu (theo CNBC)