BHXH tự nguyện hiện chỉ có chế độ hưu trí, tử tuất, đóng ít nhất 20 năm mới được hưởng nên khó thu hút lao động tham gia, theo Phó giám đốc BHXH TP HCM.
Ý kiến được ông Trần Dũng Hà, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, nói tại tọa đàm hiến kế mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) với lao động phi chính thức, ngày 9/6.
Theo ông Hà, thời gian qua việc phát triển BHXH tự nguyện ở thành phố gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2022, số người tham gia BHXH bắt buộc, vốn dành cho nhóm có quan hệ lao động, là 2,6 triệu người, số tham gia BHXH tự nguyện là 61.000. Ba tháng đầu năm số người tham gia bắt buộc giảm 3,8%, con số này ở nhóm tự nguyện gần 50%, tức chỉ còn 31.000 người tham gia BHXH tự nguyện.
Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước có gần 18 triệu lao động phi chính thức, trong đó chỉ 0,2% đóng BHXH bắt buộc, 1,9% tham gia hình thức tự nguyện, còn lại 97,9% không tham gia loại bảo hiểm nào.
Lãnh đạo BHXH TP HCM cho rằng có nhiều lý do khiến lao động tự do không mặn mà tham gia BHXH tự nguyện, trong đó có việc so sánh chính sách thụ hưởng với nhóm bắt buộc. Trong khi ở nhóm bắt buộc có các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, những người tham gia tự nguyện lại không có. Việc thiếu các chế độ ngắn hạn đã khiến nhóm tự nguyện cảm thấy phải chờ đợi rất lâu, ít nhất 20 năm đóng tối thiểu, mới được hưởng thành quả mình đóng góp.
Tại tọa đàm, chị Lâm Tiểu Oanh cho biết từng làm việc tại doanh nghiệp, có đóng BHXH bắt buộc, hiện đã nghỉ việc và không tham gia bất kỳ loại hình bảo hiểm nào. Chị Oanh so sánh, khi đi làm việc tham gia bảo hiểm do công ty lo hết, tổng mức đóng vào quỹ 32% tiền lương nhưng người lao động chỉ đóng 10,5% và được hưởng đến 5 chế độ. Trong khi tham gia BHXH tự nguyện, lao động phải đóng 22% và chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất. “Thực sự tôi cũng muốn tham gia nhưng còn nhiều băn khoăn”, chị Oanh nói.
Bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Bình Tân, cho rằng số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, còn liên quan đến số năm đóng tối thiểu 20 năm để hưởng lương hưu.
Với lao động làm công ăn lương, tiền đóng BHXH được trích đóng hàng tháng, có sự đóng góp của chủ doanh nghiệp nên 20-30 năm tham gia bảo hiểm dễ đạt được hơn. Ngược lại, với nhóm tự tạo việc làm, thu nhập bấp bênh, phải tính toán nhiều thứ vừa đảm bảo nhu cầu cuộc sống, để dành cho gia đình, dư ra mới tham gia bảo hiểm. “Tự bỏ tiền đóng liên tục 20 năm nhưng suốt thời gian đó không có chế độ ngắn hạn nào sẽ khiến lao động không mặn mà”, bà Diệu nói.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đề xuất giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và thêm chế độ thai sản. Theo bà Diệu, đây là giải pháp để giảm thời gian chờ đợi, rút ngắn thời gian tham gia để thu hút lao động phi chính thức vào BHXH tự nguyện.
Ông Phạm Anh Thắng, Trưởng đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại TP HCM, cho rằng muốn thu hút lao động tự do vào BHXH tự nguyện cần tăng chính sách thụ hưởng. Dự thảo sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội thêm chế độ thai sản, mức hỗ trợ mỗi lần sinh con là hai triệu đồng. Người lao động không phải đóng bất kỳ khoản nào, kinh phí để chi cho chế độ này sẽ được lấy từ ngân sách.
Theo ông Trần Dũng Hà, lao động mong muốn BHXH tự nguyện có thêm các chế độ ngắn hạn khi gặp rủi ro là phù hợp với nhu cầu sát sườn của họ. Vì vậy, chính sách cần điều chỉnh, trong đó có nhiều phương án tham gia với các mức đóng phù hợp công việc, thu nhập để lao động lựa chọn.
Lê Tuyết