(Dân trí) – Mẹ chị Vân mới đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được 7 năm, còn 8 năm nữa mới đủ tuổi nghỉ hưu nhưng sắp tới có thể bị cho nghỉ việc. Chị muốn đóng tiếp bảo hiểm cho mẹ để có lương hưu.
Chị Vân cho biết, mẹ chị sinh tháng 9/1973, là lao động phục vụ trường học, đã làm việc được 7 năm (2017-2024). Trong thời gian này, mẹ chị Vân có tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc do nơi làm việc đóng.
Theo chị Vân, kế hoạch của đơn vị là sẽ sa thải bớt nhân viên trong thời gian tới, trong đó có mẹ chị. Chị Vân muốn mẹ sau này có lương hưu để đỡ vất vả, yên tâm khi về già nên có ý định đóng BHXH tự nguyện cho mẹ.
Chị Vân hỏi: “Độ tuổi hưởng lương hưu của mẹ tôi có bị ảnh hưởng khi tham gia cả hai dạng BHXH bắt buộc và tự nguyện hay không? Nếu không ảnh hưởng thì có phải đến tháng 9/2032, mẹ tôi đủ 59 tuổi thì sẽ làm được hồ sơ để hưởng chế độ hưu trí?”.
Chị vân cũng muốn được biết mức lương hưu của mẹ được tính như thế nào. Trong thời gian 7 năm tham gia chế độ BHXH bắt buộc vừa qua, mức lương để đóng BHXH của mẹ chị là 5,5 triệu đồng. Chị dự định cho mẹ tham gia thêm 8 năm BHXH tự nguyện với mức thu nhập làm căn cứ đóng cũng là 5,5 triệu đồng.
Theo BHXH Việt Nam, Điều 98 Luật BHXH số 41/2024/QH15 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025) quy định: “Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động và có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên”.
Theo quy định tại Nghị định số 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì tuổi nghỉ hưu của lao động nữ sinh tháng 9/1973 là 59 tuổi, thời điểm hưởng lương hưu khi có đủ 15 năm đóng BHXH trở lên là từ tháng 10/2032.
Như vậy, nếu đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì mẹ chị Vân sẽ đủ điều kiện được hưởng lương hưu từ tháng 10/2032.
Về cách tính mức lương hưu hằng tháng trong trường hợp của mẹ chị Vân, BHXH Việt Nam cho biết được quy định tại Điều 99 Luật BHXH năm 2024.
Theo đó, mức lương hưu hằng tháng của lao động nữ bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Căn cứ đóng BHXH trong trường hợp của mẹ chị Vân quy định tại Điều 104 của Luật BHXH năm 2024.
Theo đó, mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện được tính bằng bình quân các mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng.
Thu nhập tháng đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH của người lao động được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.
BHXH Việt Nam cho biết: “Theo quy định tại Luật BHXH năm 2024 thì để đủ điều kiện hưởng lương hưu, mẹ của bạn phải có đủ 15 năm đóng BHXH và đủ 59 tuổi”.
Theo cơ quan này, nếu mẹ chị Vân tiếp tục đóng BHXH tự nguyện cho đủ 15 năm thì khi tính mức bình quân tiền lương tháng đã đóng BHXH sẽ được tính bao gồm tiền lương của 7 năm tham gia BHXH bắt buộc và thu nhập tháng đóng BHXH của 8 năm tham gia BHXH tự nguyện để làm căn cứ tính lương hưu.
Tuy nhiên, việc tính mức hưởng lương hưu đối với người lao động được căn cứ vào diễn biến tiền lương, thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ quá trình đóng BHXH được ghi nhận trên sổ bảo hiểm xã hội, tổng thời gian đóng BHXH thực tế đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH tại thời điểm đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí…
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/nhan-vien-bi-tinh-gian-moi-dong-bhxh-duoc-7-nam-lam-sao-de-co-luong-huu-20250109102756775.htm