Bệnh đau mắt đỏ là viêm kết mạc mắt, thường do siêu vi, cần được chú ý vệ sinh, sử dụng thuốc uống và nhỏ mắt đúng cách.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM).
Bệnh đau mắt đỏ là gì?
– Bệnh đau mắt đỏ là viêm kết mạc mắt, thường do siêu vi gây ra.
– Kết mạc mắt là lớp màng niêm mạc lót bên trong mí mắt trên và dưới, bình thường có màu trắng trong, khi bị viêm nhiễm sẽ sung huyết, đỏ.
Triệu chứng
– Có cảm giác cộm, xốn, đau, nóng, ngứa hay nặng mi, sợ ánh sáng và chảy nước mắt, mắt đổ ghèn nhầy có thể gây dính mi, nhất là lúc thức dậy vào buổi sáng.
– Chất tiết ghèn có thể là mủ trắng sữa, vàng nhạt hoặc xanh nhạt; đặc hoặc lỏng; sau khi lau sẽ xuất hiện lại rất nhanh.
– Quấy khóc, khó chịu.
– Kết mạc mắt mất tính trong bóng bình thường, sung huyết, sưng phù đỏ. Khi bệnh nặng, có thể kết mạc nhãn cầu bị phù nề ra ngoài hoặc sưng phù hai mí mắt trên, dưới.
– Bệnh thường xảy ra ở một bên mắt, vài ngày sau lan sang mắt còn lại, cũng có thể ở hai mắt cùng một lúc.
– Thị lực không giảm khi viêm kết mạc đơn thuần. Nếu xuất tiết tập trung ở giác mạc và chảy nước mắt, bệnh nhi có cảm giác sương mù.
– Mắt đau và sợ ánh sáng.
– Có thể nổi hạch trước tai.
Chăm sóc như thế nào
Phần lớn trường hợp đau mắt đỏ là điều trị ngoại trú, lưu ý:
– Uống thuốc theo toa bác sĩ kê (hạ sốt, giảm đau, giảm ngứa).
– Dùng thuốc nhỏ mắt an toàn, thường là neomycin hay tobramycin.
– Không được sử dụng thuốc nhỏ mắt có corticoid vì nguy cơ bội nhiễm và tăng nhãn áp.
– Mắt thứ hai thường bị bệnh sau 48 giờ nên phải nhỏ cả hai mắt, hai giọt mỗi bên cho 6-8 lần/ngày.
– Vệ sinh mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý Natri Chlorua 0,9%.
– Ăn theo chế độ dinh dưỡng bình thường và nâng đỡ thể trạng.
– Tránh các yếu tố kích ứng như bụi, lông thú…
– Cách ly tương đối và giữ vệ sinh chung.
– Có thể mang kính bảo vệ mắt, ngăn ngừa lây bệnh cho các thành viên khác trong gia đình.
– Tái khám mỗi 2-3 ngày, theo hẹn của bác sĩ.
Khi nào cần tái khám
– Mắt đau nhức nhiều.
– Sợ ánh sáng.
Mỹ Ý